10/11/2010 07:26 GMT+7

Vào rừng cấm bứng cổ thụ

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TT - Phong trào chơi cây cảnh cổ thụ đang rộ lên ở TP.HCM và các tỉnh Tây nguyên đã khiến các loại cổ thụ tại nhiều khu rừng cấm bị đào bới để đáp ứng nhu cầu này.

yE4HF1HR.jpgPhóng to
Cây đa được rao bán với giá hàng trăm triệu đồng - Ảnh: Trung Tân

Trên tỉnh lộ 1 nối TP Buôn Ma Thuột với Buôn Đôn - Ea Súp (Đắk Lắk), nhiều nhà hai bên đường có 1-2 cây cảnh mới bứng từ rừng về. Đây là những cây sanh, sung hay lộc vừng được bứng từ ven sông Sêrêpốk hoặc trong địa phận vườn quốc gia Yok Đôn. Cây to nhất bằng 2-3 người ôm và cao cả chục mét, cây nhỏ có đường kính 30cm, cao 3-4m.

Tự nhiên bứng

Ông Trương Văn Trưởng (giám đốc vườn quốc gia Yok Đôn): Chưa phát hiện trường hợp đào bới cây rừng

Đối với lực lượng bảo vệ rừng tại vườn quốc gia Yok Đôn thì một lá khô trong vườn cũng không được phép để lọt ra ngoài. Có thông tin nhiều người vào vườn quốc gia Yok Đôn đào bới cây rừng nhưng chúng tôi chưa phát hiện vụ nào cũng như sự tiếp tay của lực lượng kiểm lâm. Lực lượng này đã được quán triệt nếu tiếp tay cho lâm tặc đào cây rừng sẽ bị xử lý nghiêm.

Xuyên qua thủy điện Sêrêpốk 4 đang trong quá trình xây dựng, chúng tôi đến thôn 9, xã Ea Wer (Buôn Đôn, Đắk Lắk) để lần theo các đầu mối cung cấp cổ thụ. Một người tên Thảo, chuyên “dịch vụ” đào cây cổ thụ đem bán, tiếp thị: “Hiện tôi còn hai cây lộc vừng mới bứng về trồng đã ra lá, ra cành và sống khỏe. Nếu các anh muốn mua, tôi sẽ cho người dắt đi xem”.

Chúng tôi đặt vấn đề muốn mua số lượng lớn mà không chỉ riêng lộc vừng để mang về Sài Gòn trồng ở nhà hàng sân vườn. Thảo cho biết phải chờ khoảng ba ngày mới kịp vì mỗi ngày đào thủ công chỉ được 2-3 cây tầm trung, cây lớn phải có máy múc, cẩu mới bứng được. “Hơn nữa, bây giờ muốn vào vườn quốc gia Yok Đôn phải phụ thuộc thuyền máy của người ta để đưa cây đến bến này, chuyển về xã (trung tâm xã Ea Wer - NV) rồi các anh mới có thể bốc đi”.

Sau khi thỏa thuận bước đầu, Thảo giới thiệu một người tên Mỹ “đen” dẫn đi xem “hàng”. Ông này tỏ ra khá chuyên nghiệp trong việc đào bới cây rừng về làm đại cảnh, từ cách thức lấy cây, vận chuyển, lo lót cho lực lượng quản lý, kiểm tra như thế nào...

Theo ông Mỹ, muốn vào bứng cây rừng ở vườn quốc gia bây giờ “không dễ như trước nữa mà cũng phải có chút ít cho anh em”. “Nếu mỗi lần bứng một vài cây thì chỉ cần mấy lon bia, vài gói thuốc... Nếu nhiều hơn phải mất một đến hai “chai” (triệu đồng) để làm luật thì mới qua được. Đó là chưa kể trên đường chở về nơi tập kết, nếu gặp lực lượng kiểm tra đều phải biết chi đẹp. Chứ để mất xe thì tụi này phải đền cho chủ xe theo như thỏa thuận hợp đồng” - ông Mỹ nói.

Hai cây lộc vừng loại nhỏ ông ta kêu chắc giá 8 triệu đồng. Chúng tôi nói muốn đặt hàng thêm một số cây khác, ông Mỹ đồng ý, nói cứ yên tâm khi nào có hàng sẽ báo đến nhận. Tương tự, nhiều khu vực khác như ở huyện Ea Kar, Ea H’Leo... hoặc huyện Krông Bông, Lắk (Đắk Lắk), nơi có hai vườn quốc gia Chư Yang Sin và Nam Ka, nhiều người vẫn vô tư vào rừng cấm bứng những gốc cây cổ thụ về trồng ngay trước nhà mà không hề bị các cơ quan chức năng xử lý.

Vô tư trồng, bán

Tại xã Yang Ré, Krông Bông, chúng tôi liên hệ với nhóm của ông Nghĩa chuyên đào đại cảnh về bán cho dân chơi. Trong khu vườn của ông này có bốn cây lộc vừng và hàng chục cây sanh, si, sung, đặc biệt cây đa rất lớn ngay trước nhà. Nếu quy ra giá trị cũng lên đến bạc tỉ. Ông Nghĩa tiết lộ: “Chúng tôi đã chuyển một số cây đẹp hơn đến những người có tay nghề chăm sóc, tạo thế cây đẹp mới bán”.

Trước Bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin cũng có vườn cây cảnh gồm hàng chục cây cổ thụ vừa được bứng về và đang mượn đất tại đây để ươm. Chủ sở hữu là “đại gia” cây cảnh tên Minh, chủ nhà vườn ĐT trên quốc lộ 27, gần trung tâm huyện Cư Kuin. Vườn ĐT là cả một “rừng già” với đủ các loại cây mới, cũ. Ấn tượng nhất là cây lộc vừng hai nhánh, một nhánh thẳng đứng và một nhánh như bò ngang. Mỗi nhánh có đường kính khoảng 30cm, gốc cây rất to, thế cây khá đẹp được ra giá 500 triệu đồng. Chủ vườn bắt đầu “điểm” giá các cây khác: có cây lộc vừng giá mềm hơn cũng đã 300 triệu đồng, cây cổ thụ giá “vừa vừa” là 250 triệu đồng, lại có cây được “hét” chắc giá 600 triệu đồng.

Khảo sát thêm nhiều điểm bán cây đại cảnh khác ở TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi cũng được báo giá tương tự. Hầu hết nguồn gốc của những cây cảnh trị giá hàng trăm triệu đồng mỗi cây này đều được bứng trong vườn quốc gia đưa về. Chỉ để phục vụ thú chơi của một số người, giới săn cổ thụ đã đào bới không thương tiếc những cây đại thụ trong rừng. Và như chính họ thừa nhận, đào được một cây thì nhiều cây sẽ phải chết theo. Hệ quả phá rừng cứ vậy mà theo cấp số nhân.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên