Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến tháng 9 hiện tượng ENSO (trạng thái tổng quan của cả El Nino, La Nina và trung tính) có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 70 - 75%. Hệ quả là mùa mưa, bão, lũ năm nay sẽ tập trung vào nửa cuối năm.
Mưa bão dồn dập
Theo ông Hưởng, dự báo từ nay đến cuối năm trên Biển Đông có 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 5 - 7 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, nhiều hơn bình quân các năm từ 1 - 2 cơn, diễn ra từ khoảng tháng 8 đến nửa đầu tháng 12 và ảnh hưởng nhiều tới khu vực Trung Bộ.
"Những năm sau khi diễn ra El Nino mà tiếp nối là La Nina thì thường sẽ xuất hiện những cơn bão mạnh, có đường đi phức tạp. Thêm vào đó, thời điểm bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động nhiều lại trùng với mùa mưa ở khu vực Trung Bộ nên trong nửa cuối năm 2024, các tỉnh miền Trung cần lưu ý tổ hợp thiên tai mưa, bão, lũ có khả năng xảy ra dồn dập.
Ngoài ra, các hiện tượng mưa lũ kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, không khí lạnh, gió đông mạnh thì có khả năng xảy ra mưa rất lớn ở khu vực miền Trung.
Nguy cơ rất cao xảy ra ngập lụt ở các đô thị miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Hội An... và khả năng xảy lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi từ Thanh Hóa trở vào Quảng Ngãi sẽ nhiều hơn các năm" - ông Hưởng nói và cơ quan khí tượng thủy văn đã tính toán tới kịch bản mùa mưa, bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất ở miền Trung năm nay giống như năm 2020.
Đối với khu vực Bắc Bộ, ông Hưởng cho biết mùa mưa sẽ tập trung chính từ nay cho đến tháng 9. Đây là một trong những khu vực trọng điểm về lũ quét, sạt lở đất. Thời gian qua, dù mới bắt đầu mưa nhưng đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi.
Do vậy, khi mùa mưa vào chính vụ thì nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét và ngập lụt đô thị ở Bắc Bộ sẽ gia tăng và nhiều hơn.
Lo lặp lại trận lụt lịch sử Giáp Thìn 1964
Trước dự báo của ngành khí tượng thủy văn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá mùa mưa bão, lũ năm nay sẽ bất thường vì có những yếu tố rất bất định và khó đoán định.
Bên cạnh đó, yếu tố về lịch sử cũng có thể lặp lại với quy luật 60 năm (năm Giáp Thìn 1964 xảy ra trận lụt kỷ lục ở miền Trung, trong đó Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam ngập lụt lịch sử nhất từ trước đến nay). "Với dự báo và các yếu tố như vậy thì khả năng năm nay sẽ xuất hiện những trận lụt cục bộ và gây thiệt hại khủng khiếp" - ông Hiệp nói.
"Lúc này, việc đầu tiên các địa phương cần làm ngay là rà soát chi tiết các kịch bản ứng phó và sẵn sàng các phương án để thực hiện nếu thiên tai xảy ra. Việc này sẽ quyết định giảm thiểu thiệt hại do mưa, bão, lũ gây ra.
Thứ hai, các địa phương phải rà soát, bổ sung nhân lực, chuẩn bị phương tiện ứng phó tập trung vào những chỗ, những nơi thường xuyên hoặc có khả năng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất khi mưa lớn" - ông Hiệp nhấn mạnh.
Với dự báo năm nay mưa lũ khốc liệt, ông Hiệp nhấn mạnh các địa phương không được để lũ chồng lũ, bởi nếu xảy ra thì hậu quả rất khủng khiếp. Để không xảy ra tác động kép thì công tác điều hành liên hồ chứa và đảm bảo an toàn hồ đập đóng vai trò rất quan trọng.
Ngoài địa hình dốc, hẹp thì liên hồ chứa, nhất là hồ thủy điện ở khu vực miền Trung rất phức tạp, các hồ xây dựng theo kiểu bậc thang, hồ phía dưới phụ thuộc vào hồ phía trên, khi vận hành liên hồ chứa mà chỉ cần một hồ vận hành không đúng thì sẽ ảnh hưởng tới cả lưu vực.
"Chúng tôi đánh giá Thừa Thiên Huế trong khoảng năm năm vừa qua vận hành liên hồ chứa Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền rất tốt, điều này góp phần giảm ngập lụt cho hạ du.
Các địa phương khác cũng cần làm đúng như vậy" - ông Hiệp nói và nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn các hồ đập cũng phải tuyệt đối vì mưa lũ bất thường sẽ dễ dẫn đến sạt trượt, thậm chí vỡ đập có thể xảy ra.
Do đó các địa phương phải rà soát lại toàn bộ hồ, đập để không xảy ra thiên tai chồng thiên tai.
Ông Hiệp cũng cho biết năm nay Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã cấp thêm trang thiết bị phòng chống thiên tai như xuồng cứu hộ, áo phao, pháo hiệu… cho các tỉnh, đặc biệt là cho miền Trung.
Tuy vậy, vấn đề cuối cùng với các địa phương là vẫn phải đảm bảo "bốn tại chỗ" vì địa hình ở miền Trung khi xảy ra mưa lụt là bị chia cắt, không thể tiếp cận ngay lập tức được thì lực lượng tại chỗ sẽ quyết định.
"Dự báo trong những tháng cuối năm ở miền Trung sẽ xảy ra một hoặc hai trận ngập lụt, vấn đề là hiện chưa thể dự báo sẽ xảy ra ở tỉnh nào. Do vậy trước mắt các tỉnh miền Trung cần chủ động rà soát các phương án trước mùa mưa bão để khi xảy ra không bị động, bất ngờ" - ông Hiệp nói.
Những vấn đề mới ở đô thị miền núi
Với vấn đề ngập lụt đô thị, ông Hiệp đề nghị các địa phương phải có các giải pháp như nạo vét kênh mương, đặc biệt là những điểm nghẽn, để thoát nước, thoát lũ.
Cùng với đó, khi dự báo đợt mưa lớn có khả năng gây ngập lụt ở khu đô thị hay khu dân cư ở nông thôn thì chính quyền địa phương phải thông báo, cảnh báo cho người dân mưa lũ như thế thì nước dâng tới đâu để người dân chủ động kê cao đồ đạc.
"Đây là kinh nghiệm mà các địa phương cần lưu ý. Người dân nói lũ về không kịp trở tay trong khi đã có dự báo trước, tại sao lại để người dân không kịp trở tay? Rõ ràng có câu chuyện về chỉ đạo, điều hành, truyền thông tới người dân" - ông Hiệp nói.
Đối với khu vực miền núi phía Bắc, ông Hiệp cho hay hiện nay có vấn đề lớn mới xuất hiện là ngập lụt ở các đô thị miền núi (Thái Nguyên, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên...). Tốc độ phát triển đô thị nhanh hơn với tốc độ phát triển hạ tầng cùng với vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch về thoát lũ của các địa phương chưa tốt là nguyên nhân chính.
"Các địa phương phải rà soát lại toàn bộ dòng chảy thoát lũ. Ở miền núi vẫn có hình ảnh sông suối khô nhưng đô thị lại lụt, như vậy có vấn đề ở chỗ là nước từ khu đô thị không thoát được ra sông suối" - ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, sạt lở đất cũng là một vấn đề đối với khu vực miền núi phía Bắc như vụ sạt lở làm bốn người trong gia đình chết vừa qua ở Bắc Kạn. Các tỉnh cần rà soát lại, nhất là các nhà dân, khu dân cư mới mọc lên thì không được phép cắt taluy để làm nhà, với điều kiện mưa như hiện nay thì chỉ cần đất ngậm đủ nước thì xảy ra sạt lở. Đối với những khu vực có nguy cơ sạt lở thì trước mỗi đợt dự báo có mưa lớn phải di dân đến nơi an toàn.
"Câu chuyện sạt lở đất ở miền núi đang rất khó vì thói quen, tập quán ở của bà con từ hàng trăm năm nay. Nhưng bây giờ không thể để thói quen mà gây ra thiệt hại mãi. Cũng vậy, khi có dự báo, cảnh báo mưa lũ dài ngày thì những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất dứt khoát phải di dân đến nơi an toàn như trường học, trạm xá, nhà văn hóa... để tránh thiệt hại về người" - ông Hiệp nhấn mạnh.
Phải tuân thủ đúng kịch bản
Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết với hiện tượng thiên tai nguy hiểm thì Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia có thể dự báo trước 3 - 5 ngày nếu thiên tai xảy ra ở quy mô lớn, từ 2 - 3 ngày đối với thiên tai có quy mô vừa. Do đó các địa phương, người dân cần chủ động theo dõi dự báo và có phương án ứng phó khi có dự báo thiên tai.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng các địa phương thường xuyên bị thiên tai, đặc biệt là lũ lụt, thì năm nay phải đưa ra kịch bản, tình huống cao nhất để tính toán, chuẩn bị trước mùa mưa lũ. Trong các kịch bản ứng phó của các địa phương đều có "bốn tại chỗ", trong "bốn tại chỗ" thì phải rõ nhân lực và trang thiết bị cứu hộ cứu nạn phải chuẩn bị đầy đủ.
Ví dụ như những chỗ có nguy cơ ngập sâu phải bố trí xuồng cứu hộ và áo phao nhiều hơn, còn những nơi khả năng bão mạnh đổ bộ thì cần chuẩn bị trang thiết bị để chằng chống nhà cửa… Các địa phương phải tuân thủ đúng kịch bản đã xây dựng, ứng với từng loại hình thiên tai để chủ động ứng phó khi xảy ra tình huống.
Rùng mình nhớ lại năm 2020
- Mưa từ 6-10 đến 15-11.
- Chín cơn bão, hai áp thấp nhiệt đới kèm mưa lớn xuống miền Trung.
- Bão số 9 (bão Molave) đổ bộ vào Quảng Nam - Quảng Ngãi với sức gió mạnh 11-12, kéo dài 6 tiếng, mạnh nhất trong 20 năm qua.
- Bảy tỉnh thành ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi với tổng lượng mưa phổ biến từ 1.000 - 2.500mm, nhiều nơi trên 3.000mm.
- Lũ trên 16 tuyến sông chính miền Trung vượt mức báo động 3.
- Ngày 12-10 có trên 317.000 hộ/1,2 triệu người chịu ngập lụt, kéo dài nhất đến 15 ngày.
- Sạt lở ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, Trạm kiểm lâm số 67 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), Đoàn Kinh tế - quốc phòng 337 (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị)… Hàng chục người dân, cán bộ, chiến sĩ mất sinh mạng. Nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng
- Ước thiệt hại hơn 30.000 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận