"Lửa cách mạng sáng choang bờ cõi/ Chiếu lên cờ Độc lập Tự do", những câu thơ hào hùng của Bác Hồ trong bài Nhóm lửa đã khẳng định vị thế thiêng liêng của lá cờ đỏ sao vàng, gắn liền với lịch sử đấu tranh và phát triển của dân tộc Việt Nam.
Với ý thức sâu sắc về điều đó, những người thợ lành nghề tại Vietflag luôn đặt trọn tâm huyết vào từng công đoạn sản xuất.
Từ đơn hàng đầu tiên đến nhà xưởng 2.000m²
Những ngày cận kề năm mới, đội ngũ nhân viên tại nhà xưởng sản xuất của Vietflag ở quận Bình Tân, TP.HCM càng trở nên nhộn nhịp hơn hẳn, ngập tràn trong hai màu đỏ vàng chủ đạo để sản xuất số lượng lớn các lá cờ Tổ quốc đáp ứng các đơn hàng liên tục.
Câu chuyện của Vietflag bắt đầu từ đơn hàng sản xuất cờ Tổ quốc cho một cơ quan nhà nước.
Khi ấy, anh Đàm Xuân Quang, giám đốc Công ty TNHH Lá Cờ Việt (Vietflag), nhận ra thị trường cờ tại Việt Nam còn rất tiềm năng nhưng lại thiếu những đơn vị sản xuất chuyên nghiệp.
Với nền tảng kinh nghiệm, năm 2012, anh cùng đội ngũ bắt đầu tham gia vào sản xuất gia công các sản phẩm lá cờ và nhen nhóm ý tưởng thành lập một thương hiệu không chỉ cung cấp lá cờ chất lượng, mà còn mang trong mình sứ mệnh gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Lá cờ là biểu tượng thiêng liêng, chứa đựng giá trị tinh thần to lớn, điều này khiến công việc sản xuất trở nên đặc biệt hơn một lĩnh vực kinh doanh thông thường.
Ban đầu, Vietflag gặp không ít khó khăn về vốn và nhân lực. Đầu tư máy móc hiện đại là một thách thức lớn, chưa kể đến việc đào tạo đội ngũ thợ lành nghề.
Nhưng may mắn và cơ hội đã đến khi chỉ một năm sau khi tham gia vào lĩnh vực này, đội ngũ của anh Quang được Chính phủ tin tưởng lựa chọn là nhà cung cấp cờ cho sự kiện Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye thăm Việt Nam. Đây là bước ngoặt giúp công ty dần khẳng định uy tín trên thị trường.
Chính thức thành lập Vietflag vào năm 2015, đến nay, công ty sở hữu nhà xưởng rộng hơn 2.000m2 tại TP.HCM với hơn 50 nhân sự, sản xuất trên 2.500 lá cờ mỗi ngày.
Anh Quang cho biết sản lượng hằng năm có thể thay đổi tùy theo nhu cầu thị trường. Các sản phẩm của Vietflag đã xuất hiện từ thành thị đến vùng biên giới, hải đảo xa xôi.
Đối mặt với thử thách
Những năm gần đây, thị trường sản xuất cờ ngày càng cạnh tranh gay gắt. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã khiến doanh số sụt giảm nghiêm trọng do giãn cách xã hội và sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Để thích nghi, Vietflag nhanh chóng chuyển hướng sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế, đồng thời áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch.
Vượt qua giai đoạn khó khăn, Vietflag tiếp tục khẳng định vị thế khi trở thành một trong những đơn vị tham gia chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển".
Để sản xuất những lá cờ có kích thước lớn, chịu đựng được nắng gió khắc nghiệt nơi biển đảo, từng khâu từ chọn vải đến cắt may đều được chăm chút kỹ lưỡng.
Tuy nhiên trong quá trình điều hành, anh Quang từng mắc phải sai lầm khi mở rộng quy mô sản xuất quá nhanh mà chưa đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng tồn kho lớn, gây áp lực lên tài chính.
Nhưng anh Quang đã kịp thời điều chỉnh chiến lược, rút ra bài học quan trọng: sự phát triển cần phải bền vững, có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường và dự đoán rủi ro.
"Thất bại là một phần của quá trình trưởng thành. Quan trọng là phải biết học hỏi từ những sai lầm để không lặp lại trong tương lai" - anh Quang chia sẻ.
Chú trọng đổi mới
Thị trường sản xuất lá cờ tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong các năm qua. Anh Quang quan sát, nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng và khắt khe hơn về chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng.
Cùng với sự phát triển của công nghệ sản xuất, các doanh nghiệp buộc phải liên tục đổi mới để đáp ứng những yêu cầu này. Sự cạnh tranh cũng trở nên gay gắt hơn với sự xuất hiện của nhiều đơn vị sản xuất mới.
Để tồn tại, các doanh nghiệp như Vietflag cần tối ưu hóa chi phí sản xuất mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Quy trình sản xuất mỗi lá cờ Tổ quốc đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, từ việc pha vải, đo đạc, cắt cho đến khâu thêu, chèn sao. Đặc biệt, khâu đính sao vàng ở chính giữa đòi hỏi sự căn chỉnh cẩn thận, đảm bảo tính cân đối.
Đầu tư vào thiết bị như máy thêu, máy cắt vải laser, máy in kỹ thuật số không chỉ giúp đảm bảo chất lượng mà còn giúp tăng năng suất sản xuất.
Trong đó, công nghệ in kỹ thuật số, in chuyển nhiệt giúp in logo, slogan lên cờ với độ sắc nét cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng.
Theo anh Quang, thị trường sản xuất lá cờ tại Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng với nhu cầu ngày càng tăng từ các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị cho đến doanh nghiệp và cá nhân.
Mỗi nhóm khách hàng đều có yêu cầu riêng về loại cờ phù hợp với mục đích sử dụng khác nhau.
Đặc biệt, khách hàng tổ chức thường có yêu cầu cao về chất lượng, thời gian giao hàng và khắt khe về giá.
Vietflag cũng đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ lớn cũng như những công ty có quy mô sản xuất lớn trong nhiều sản phẩm và kinh nghiệm lâu năm trên thị trường.
Ngoài ra, thị trường còn có sự tham gia của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tập trung vào một số sản phẩm hoặc khu vực địa lý nhất định, cùng với sản phẩm giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc và một số nước khác.
Đại diện Vietflag đánh giá sản phẩm lá cờ giá rẻ nhập khẩu tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước (đặc biệt là về giá), tuy nhiên thường có chất lượng kém, độ bền thấp, màu sắc nhanh phai.
"Chúng tôi tin rằng khách hàng ngày càng thông thái và sẽ lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng, mặc dù giá có thể cao hơn. Vietflag tin rằng chất lượng và uy tín là yếu tố then chốt để thành công trong dài hạn", anh Quang chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận