03/10/2021 13:34 GMT+7

Vào giảng đường Đại học Bách khoa cùng nỗi nhọc nhằn trên vai cha mẹ

NGỌC THẮNG
NGỌC THẮNG

TTO - Được tuyển thẳng vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Khanh xem đó là món quà tặng cha mẹ, nhưng cũng hiểu rằng tới đây cha mẹ lại chất thêm nỗi nhọc nhằn lên vai.

Thương cha mẹ, Khanh nhiều lần suy nghĩ về việc học tiếp hay đi làm cho cha mẹ đỡ khổ - Video: NGỌC THẮNG - HUỲNH VY - TRINH TRÀ 

Vào giảng đường Đại học Bách khoa cùng nỗi nhọc nhằn trên vai cha mẹ - Ảnh 2.

Hai mẹ con Khanh lo lắng vì không biết lấy tiền đâu để em ăn học trong 4 năm sắp tới - Ảnh: NGỌC THẮNG

12 năm đèn sách, giấc mơ vào đại học của Nguyễn Tuấn Khanh (18 tuổi, trú thôn 1, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã thành hiện thực. Nhưng trong tâm trí em và gia đình vẫn còn những nỗi lo: "Học đại học, học phí hàng chục triệu đồng mỗi năm, nhà nghèo biết lấy tiền đâu?".

Nỗi lo của cha

Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng của gia đình Khanh nằm giữa thôn. Ngoài 2 bức tường dán chi chít giấy khen, giấy chứng nhận học sinh giỏi, bên trong chẳng có thứ gì đáng giá. 

Nơi học tập đơn sơ, một chiếc bàn gỗ ép, trên đầu treo chiếc bóng đèn, bên phải đống sách cũ nằm gọn trên thùng xốp.

Khanh có 3 chị em, trước Khanh còn chị gái đang học năm 3 đại học, em trai út năm nay lên lớp 6. Cả 3 chị em Khanh từ nhỏ đều ham học.

Đông con, nhà lại nghèo nên cả hai vợ chồng chị Phan Thị Phương (43 tuổi, mẹ Khanh) làm quần quật quanh năm, mò từng con cua, bắt từng con ốc để lo bữa ăn cho các con.

Làm việc quá sức nên chị thường xuyên đau ốm, nhưng không dám nghỉ ngơi dù chỉ một ngày. Hiện nay chị nặng chưa tới 40kg.

Cuộc sống cả gia đình Khanh phụ thuộc vào người cha là anh Nguyễn Đình Chiến (44 tuổi) làm thợ hồ. Nhưng gần 2 tháng nay anh Chiến mắc kẹt ngoài Hà Nội vì dịch bệnh, anh ở trong một lán trại dựng tạm khoảng 12m2

Vào giảng đường Đại học Bách khoa cùng nỗi nhọc nhằn trên vai cha mẹ - Ảnh 3.

Giấy khen học sinh giỏi treo kín bức tường nhà Khanh - Ảnh: NGỌC THẮNG

Không có tiền, mỗi ngày anh chỉ dám ăn một bữa, hôm thì ăn mì gói. Ngày Khanh nhận tin đỗ đại học, anh không thể về chúc mừng con.

Nghe tin cha ngày ăn một bữa, nhờ mẹ vay nóng hàng xóm ít tiền mua cho các con bộ quần áo với đôi dép làm quà năm học mới, Khanh quay lưng đi vào phòng, không dám để mẹ thấy mình khóc. 

So với bạn bè cùng trang lứa, chị em Khanh chịu thiệt thòi đủ thứ. Nhà cách trường hơn 10 cây số, bạn bè đi xe máy, xe đạp điện, còn Khanh 3 năm làm bạn với chiếc xe đạp cũ. 12 năm học là 12 lần em được mẹ chở tìm mua sách cũ về học.

Vào giảng đường Đại học Bách khoa cùng nỗi nhọc nhằn trên vai cha mẹ - Ảnh 4.

Chị Phương không ít lần bật khóc khi nghĩ lại quãng thời gian nuôi con ăn học trong khốn khó - Ảnh: NGỌC THẮNG

Chị Phương nhớ lại hè Khanh lên lớp 11, bán lúa được 1 triệu đồng, chị chạy xe chở Khanh vào chợ tỉnh gần 20 cây số để tìm mua sách cũ.

"Trên đường đi làm rơi mất 500.000 đồng, quay lại tìm không thấy tôi khóc đến tận chợ. Người bán sách thương hoàn cảnh nên bán rẻ, cho thêm mấy bộ sách. Cũng may các con hiểu cha mẹ vất vả, không đòi hỏi và sống giản dị từ bé nên vợ chồng tôi phần nào đỡ áy náy", chị Phương chia sẻ.

Ước mơ thành chàng kỹ sư

Biết phận nhà nghèo nên 3 chị em Khanh quyết tâm học tập. 12 năm liền em là học sinh giỏi toàn diện, 2 năm đoạt giải nhất tỉnh môn toán.

Vào giảng đường Đại học Bách khoa cùng nỗi nhọc nhằn trên vai cha mẹ - Ảnh 5.

Khanh ước mơ trở thành kỹ sư máy tính, sau này có công việc ổn định lo cho bản thân và báo hiếu cha mẹ - Ảnh: NGỌC THẮNG

Cha thường xuyên xa nhà nên từ nhỏ mẹ là người động viên, giúp đỡ Khanh trong học tập, chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Thương cha mẹ vất vả, Khanh từng đăng ký trường quân đội học để đỡ gánh nặng học phí, nhưng cân nặng của em không đạt.

Ngày chuẩn bị đi học, Khanh thêm nỗi lo bởi mẹ của em được chẩn đoán có khối u ở tuyến vú, chi phí chữa trị khá tốn kém. Cậu học trò bộc bạch, khi vào học sẽ đăng ký học bổng, cố gắng đi làm thêm. Em ước mong sau này trở thành kỹ sư máy tính, kiếm được tiền và phụng dưỡng cha mẹ.

Nhà nghèo nhưng học giỏi nhất xóm

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Duy Đoàn - chủ tịch UBND xã Tân Lộc - chia sẻ Khanh là cậu học trò đầy nghị lực và giỏi nhất xóm. 12 năm học em đều đạt học sinh giỏi toàn diện, 2 năm đoạt giải nhất học sinh giỏi tỉnh môn toán.

Dù hoàn cảnh gia đình thuộc diện khó khăn trong xã, cha mẹ em quyết làm đủ nghề cho các con ăn học, mong một phép mầu để em có cơ hội được đến giảng đường.

Là bạn thân nhiều năm, khi nhắc đến Khanh, Phạm Khánh Hân đều cảm phục. Hân cho biết, Khanh là người rất giản dị, hiền lành và khiêm tốn, được cả lớp quý mến.

Vào giảng đường Đại học Bách khoa cùng nỗi nhọc nhằn trên vai cha mẹ - Ảnh 7.
Vào giảng đường Đại học Bách khoa cùng nỗi nhọc nhằn trên vai cha mẹ - Ảnh 8.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tân sinh viên khó khăn hoặc người giới thiệu có thể gửi hồ sơ học bổng Tiếp sức đến trường tại đây: .

Cô bé Thục Phi kiên cường ngày nào đã vào đại học Cô bé Thục Phi kiên cường ngày nào đã vào đại học

TTO - Thông tin Thục Phi đậu đại học đang lan truyền khắp tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều người thầm lặng dõi theo Phi lâu nay xúc động và khâm phục.

NGỌC THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên