Ông Hai Hòa (phải) cùng bạn bè ôn lại những ngày thanh niên sôi nổi - Ảnh: Tự Trung |
Các ông Hai Hòa (Phạm Xuân Bình, nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận), Sáu Ngọc (Nguyễn Văn Tuấn, nguyên trưởng khoa nội thần kinh Bệnh viện An Bình), Năm Tùng (Phạm Văn Thuyên, cán bộ Công ty xuất khẩu gỗ Savimex) thay nhau kể chuyện, những câu chuyện một thời...
Phấn đấu và vinh dự
Ông Hai Hòa: “Từ thời học đệ ngũ, đệ tứ (lớp 8, lớp 9) ở Trường Nguyễn Trường Tộ, tôi đã tham gia các phong trào bãi khóa, biểu tình, rồi được các anh lớn hướng dẫn để hoạt động có bề sâu. Thời điểm sau sự kiện Mậu Thân 1968, phong trào học sinh - sinh viên nổ ra liên tục, sôi nổi nhưng cũng bị cảnh sát đàn áp rất mạnh tay. Còn nhỏ, còn đi học cũng ngán bị đòn lắm nhưng vào phong trào là quên hết. Đến đệ tam, tôi vào Trường Cao Thắng. Truyền thống hoạt động phong trào của trường rất mạnh, tôi càng hăng hái. Tham gia tổ làm báo, tổ chức biểu tình, bãi khóa theo phong trào Thành đoàn đề ra, gây dựng cơ sở bí mật, tìm thêm anh em cùng chí hướng để phát triển lực lượng... Hăng hái lắm và càng hăng hái hơn với mục đích phấn đấu vào Đoàn”.
Ông Sáu Ngọc: “Đoàn khi ấy với chúng tôi là một điều gì rất thiêng liêng. Không cờ hoa kèn trống, không huy hiệu lấp lánh ngực áo, những người đoàn viên vẫn sáng lên bằng phong cách đam mê, hoạt động lăn xả trong phong trào, trong đội nhóm. Không ai nói với ai, chúng tôi tự biết chính các anh chị ấy là thủ lĩnh của mình, tự nhiên mà thừa nhận, cũng tự nhiên mà gắng phấn đấu noi gương họ. Dù khi ấy vào Đoàn chỉ có mất chứ không có được”.
Ông Hai Hòa: “Thỉnh thoảng tôi nghe các anh chị nhắc “Thành đoàn, về cứ”, những từ ngữ mang một sức hút kỳ lạ dù tôi đã biết “cứ” thật ra là khoảng rừng âm u, là cuộc sống thiếu thốn, biết những người dính líu đến “Thành đoàn” là bị bắt, bị đánh, bị đi tù, có cả những anh chị bị đày ra Côn Đảo. Vậy nhưng vào Đoàn vẫn là vinh dự mà tôi mơ ước...”.
Hai Hòa đã được anh Sáu Triều (tức Hoàng Đôn Nhật Tân - PV) hướng dẫn cách kéo roneo để sản xuất truyền đơn, in ấn báo chí. Đã có nhiều thành tích trong gây dựng cơ sở, tổ chức phong trào, nhưng để trở thành đoàn viên Hai Hòa còn phải trải qua thử thách khả năng hành động một mình, đơn lẻ. Suốt mấy đêm thức in truyền đơn với nội dung đòi hòa bình, chống chiến tranh, mờ sáng Hai Hòa mang tập truyền đơn đi rải trên đường Lê Lợi...
Ông Hai Hòa: “Những tờ truyền đơn tung bay trên mặt đường và tôi cũng kịp thoát đi trước khi cảnh sát đến. Về nhà, vào trường, không thể không thấy lâng lâng vì đã hoàn thành nhiệm vụ, và quan trọng hơn là vượt lên được một bậc trên con đường trở thành một đoàn viên”.
Buổi kết nạp đến với Hai Hòa thật bất ngờ. Một buổi anh Sáu Triều hẹn gặp ở một quán cà phê. Hai anh em chọn một góc khuất để bàn việc như mọi lần, đột nhiên anh Sáu Triều đổi giọng nghiêm trang thì thầm đọc điều lệ Đoàn, tuyên bố: “Kết nạp đồng chí Phạm Xuân Bình vào Đoàn Thanh niên cộng sản”. Không cờ, không hoa, không huy hiệu, không cả tiếng vỗ tay, cái bắt tay đồng chí, nhưng với Hai Hòa niềm vinh dự đầu đời này luôn luôn được coi là niềm vinh dự nhất.
Ông Năm Tùng: “Tôi thì được kết nạp Đoàn khi đã được tổ chức rút vào cứ để tránh bị bắt lính theo lệnh tổng động viên. Ở rừng, xung quanh là anh em mình nhưng cũng không lễ lạt rình rang. Trước là được trao điều lệ để nghiên cứu, làm đơn tự nguyện, sau là tổ chức lễ tuyên thệ. Ngày nay nói vào Đoàn để cống hiến, có bạn trẻ nghe còn nghi ngờ, nhưng với chúng tôi ngày ấy vào Đoàn là để hi sinh...”.
Hi sinh
Trước hết là hi sinh những ngày đi học êm ấm. Ông Sáu Ngọc chỉ vào một bài thơ ký tên Thư An trong tờ tập san: “Thư An sau này là tên con gái tôi, còn ở đây là tên tôi ký vào bài thơ của anh Lê Văn Nuôi gửi từ trong tù ra. Lê Văn Nuôi, thủ lĩnh của chúng tôi, bị bắt khi đang lãnh trách nhiệm chủ tịch Tổng đoàn học sinh Sài Gòn, đến lúc này đã là ba năm...”.
Chẳng yên vì Hiệp định Paris đã được ký nhưng súng vẫn còn nổ. Năm 1974, chính quyền Sài Gòn ra lệnh tổng động viên, các nam sinh đang theo học trong trường cũng bị gọi nhập ngũ.
Phong trào biểu tình, bãi khóa chống quân sự hóa học đường, chống tăng học phí bùng nổ dữ dội. Hai Hòa phải tạm lánh vào hoạt động bí mật. Đến đầu năm 1975, trong một cuộc biểu tình phát động phong trào cứu đói, chống tham nhũng, Hai Hòa bị nhận mặt là người tổ chức. Anh bị bắt ngay tại chợ Cầu Muối.
“Tôi bị chuyển từ bót cảnh sát quận 2 sang Nha đô thành rồi Tổng nha cảnh sát. Đủ mọi mùi tra tấn, biệt giam. Thôi thì cắn răng chịu, chỉ ngán nhất trò đổ nước vào mũi...” - ông Hai Hòa kể, giọng nhẹ như không.
Nhưng người chỉ huy của ông lúc đó, bà Tư Liêm (Trương Mỹ Lệ - PV) lại thường xuyên nhắc về chuyện ấy một cách thật cảm kích: “Hôm sau là ngày tôi hẹn gặp Hai Hòa ở Vũng Tàu. Đến điểm hẹn, chờ suốt một buổi không thấy cậu ấy đâu, tôi đi nơi khác. Hôm sau nữa mới được liên lạc báo tin Hai Hòa bị chỉ điểm và bị bắt trước đó một ngày, đang bị tra tấn dữ dội. Tôi mang ơn cậu ấy đã giữ được khí tiết. Nếu cậu ấy khai ra thì tôi đã bị bắt...”. Năm ấy Hai Hòa 18 tuổi.
Những câu thơ của chàng trai trẻ (Lê Văn Nuôi - PV) gửi ra từ nhà tù nhưng lại nhắc về một nhà tù khác, rộng lớn hơn nhiều: “Có những niềm thương cảm/ Phải nén lại trong lòng/ Có những điều muốn nói/ Phải nghĩ rất âm thầm/ Phố dẫy đầy mưu tính/ Trường chực sẵn vòng tay/ Nên sống đời câm nín/ Đồng nghĩa với tù đày...”. Cũng góp một bài thơ trong giai phẩm này, chàng trai Hai Hòa khi đó thổ lộ ước mơ, tâm sự của mình: “Nắng xuân vươn trên vạn nẻo đường dài/ Muốn chắp cánh như chim bay thanh thản/ Tuổi học trò với ngày mai chưa mãn/ Hai buổi đến trường thầy giảng chẳng yên...”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận