TTCT - Với giá tới 1,5 triệu USD, cha mẹ có thể mua dịch vụ trọn gói trong 5 năm để tư vấn tuyển sinh ĐH cho con mình từ một công ty ở thành phố New York tên là Ivy Coach (hiểu nôm na là “Luyện vào trường xịn”). Trải thảm xanh vào đại học. Ảnh biếm họa của Financial Times Dịch vụ này - toàn bộ đều hợp pháp - bắt đầu ngay từ lớp 8, khi học sinh được hướng dẫn chọn môn học và hoạt động ngoại khóa cho đúng để giúp các em nổi bật so với những học sinh khác. Sau đó là luyện ngày luyện đêm để thi SAT hoặc ACT; cả hai đều là “kỳ thi có thể luyện được”, theo Brian Taylor, giám đốc điều hành Ivy Coach. Rồi tiếp đến là hiệu đính kỹ lưỡng các bài luận dự tuyển vào ĐH. “Vậy là không công bằng? Chỉ người giàu mới trả tiền nổi? - Taylor không thèm úp mở - Đúng vậy. Nhưng đời là vậy”. Trong thị trường trị giá hàng tỉ USD đó, mọi mặt trong đời sống một thiếu niên có thể được xoay xở và định hình để cô/cậu ấy trở thành một nhân vật được “đánh bóng” sáng choang làm hài lòng con mắt khó tính của một hội đồng tuyển sinh ĐH. Giá cho một buổi tư vấn chuẩn là 300 USD/giờ. Tất cả cho thấy các bậc cha mẹ, cả giàu lẫn nghèo, đã trở nên ám ảnh ra sao về chuyện coi việc được nhận vào ĐH là tấm vé bảo đảm ổn định tài chính cho con cái. “Tư vấn tư nhân về tuyển sinh ĐH gần giống miền Viễn Tây” - Alexis Redding, học giả thỉnh giảng tại Trường cao học Giáo dục Harvard, nói. Bà từng viết về “áp lực thái quá” của cuộc chạy đua dự tuyển ĐH đối với học sinh và gia đình. Nhiều ĐH trong những năm gần đây đã xem kết quả thi chuẩn hóa là không bắt buộc với học sinh dự tuyển. Đây là sự thừa nhận rằng điểm thi có thể chỉ phản ánh các gia đình sẵn sàng chi tiêu bao nhiêu cho con học kèm. Không còn chú trọng tới điểm thi là một cách hạn chế mà các trường đang cố gắng để tăng cơ hội tuyển sinh cho những học sinh không kham nổi việc luyện thi tốn kém. Với nhiều cách hợp pháp để được ưu tiên cho con cái, những minh tinh Hollywood và các đại gia kinh doanh bị nêu tên trong cáo trạng hôm 11-3 dường như đã có những cách khác để gây ảnh hưởng đối với quy trình tuyển sinh. Nhưng trong những năm gần đây, chi phí để được đối xử đặc biệt cho một hồ sơ dự tuyển đã vượt quá mức kham nổi ngay cả với người giàu. Một khoản quyên tặng cho một trường tầm cỡ Ivy League phải cỡ 10 triệu USD trở lên thì một học sinh dự tuyển mới thực sự được cân nhắc đặc biệt, không tính tới thành tích, theo nhiều tư vấn viên tuyển sinh ĐH dày dạn kinh nghiệm. Ông Brian Taylor đồng ý là ngay cả một khoản tiền tặng 10 triệu USD cũng chưa phải là “chắc ăn”. Có vẻ như các bậc cha mẹ muốn chắc ăn khi họ thuê William Singer. Tư vấn viên này hôm 11-3 đã nhận có tội đối với các cáo buộc làm ăn gian lận, rửa tiền và cản trở công lý. “Tôi cung cấp sự bảo đảm” - ông Singer nói tại một tòa án Boston. Tay này mô tả các dịch vụ của mình là khoang hạng nhất cho các đại gia công nghệ, những nhà đầu tư giàu có và các nhân vật tiếng tăm khác muốn chắc chắn giành được một chỗ ít ỏi tại một trường danh tiếng như Yale, Georgetown và ĐH South California. Hồ sơ tòa nói rằng ông hứa đưa học sinh vào với tư cách vận động viên - với thành tích bịa đặt hoặc thêm thắt - và vào “danh sách VIP” của các trường. Singer cũng hứa với các bậc cha mẹ rằng con của họ sẽ đạt điểm ACT trong khoảng 30, hoặc 1.400 điểm hoặc cao hơn cho SAT. Singer thậm chí giả mạo chủng tộc một số học sinh để được hưởng ưu tiên, theo nhà chức trách. Sự lớn mạnh của dịch vụ tư vấn tư nhân, có doanh thu trong năm 2018 vào khoảng 1,9 tỉ USD, một phần là do sự thiếu hụt các hoạt động chọn ĐH/hướng nghiệp ở các trường công lập. Trong niên khóa 2015-2016, mỗi chuyên viên hướng dẫn tại trường công lập đảm trách trung bình 470 học sinh, theo Hiệp hội Quốc gia về tư vấn tuyển sinh ĐH. Dẫu vậy, Steven Mercer - tư vấn tuyển sinh ĐH của hãng tư nhân ở Santa Monica, California - nói thông điệp của ông dành cho thân chủ vẫn như cũ, sau vụ bê bối chạy trường: tên tuổi của một ĐH ít quan trọng hơn nhiều so với việc tìm được trường thật phù hợp với một học sinh. ■ Tags: Gian lận tuyển sinhTuyển sinh đại học MỹDịch vụ tư vấn tư nhânIvyLeagueHiến tặng đại học
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.