Nhưng tiền ở đâu đi học? Câu hỏi chất chứa và khiến cả nhà suy nghĩ suốt từ lúc con trai có kết quả trúng tuyển đại học. Trong căn phòng trọ ở đường Tô Hiệu, quận Tân Phú (TP.HCM), cậu tân sinh viên vừa quệt mồ hôi vừa xếp đồ đạc cho hôm sau nhận việc mới.
Ly hương từ nhỏ
Bảo Anh vừa xin vào làm nhân viên bán hàng của một cửa hàng tiện lợi gần nhà trọ. Tranh thủ chưa vào học, đi làm kiếm được đồng nào hay đồng nấy. "Nhưng cũng chỉ lo đỡ chút tiền sinh hoạt thôi chứ học phí thì thiệt tình cả nhà chưa nghĩ ra phải làm sao" - bạn tỏ bày.
Gia đình thuộc diện nông dân nghèo ở xã Tân An, thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang). Năm Bảo Anh học lớp 3, cuộc sống ở quê khó quá cha mẹ dẫn theo con trai út ly hương lên TP.HCM kiếm sống như bao gia đình người miền Tây khác.
Bảo Anh còn hai anh trai đã lập gia đình, người làm công nhân ở Bình Dương, người làm thợ hồ ở Lâm Đồng, đều vất vả.
Không muốn con phải bỏ học, bà Võ Thị Mỹ Hạnh (48 tuổi, mẹ Bảo Anh) cố kiếm trường công lập cho con theo học. Hai vợ chồng xin vào làm tại xưởng sản xuất bao bì từ đó đến nay. Lương công nhân còm cõi, họ chắt chiu từng khoản tiền trọ, ăn uống, nuôi con học hành.
Bảo Anh là người duy nhất trong nhà học qua hết THPT. Thấy con ham học, hai vợ chồng vẫn gắng theo con dù đôi lần bà muốn khuyên con học nghề vì sợ không kham nổi bốn năm đại học.
Nuôi ước mơ trong căn trọ 5m²
Bảo Anh đã quen cảnh cha mẹ đi làm, một mình tự đạp xe đi học. Nhà trọ vốn là nhà người ta, chủ ở dưới, trên lầu ngăn vách chia thành năm phòng nhỏ có một nhà vệ sinh chung. Mỗi phòng chừng 5m², nóng bức vô cùng song giá rẻ. Phòng chật, việc nấu ăn, giặt đồ diễn ra ngay lối đi chung trước cửa phòng.
Hiểu hoàn cảnh, cậu chưa bao giờ than vãn, trách móc mà coi đó như động lực để quyết tâm vào đại học mong đổi thay đời mình.
Để đỡ đần cha mẹ, từ năm lớp 10, cứ nghỉ hè bạn xin làm thời vụ cho một công ty sản xuất đồ dùng nhựa gần chỗ trọ. Nếu làm đủ 28 ngày, lương sẽ là 5.040.000 đồng.
"Người ta thương hoàn cảnh nên nhận cho vô làm hai tháng hè. Có nhiêu đó tiền dành lo đi học cũng đỡ dữ lắm. Lãnh lương về đưa mẹ giữ dành tựu trường, chỉ khi nào cần gì lắm mới xin lại chút ít" - bà Hạnh kể về con.
Hơn một năm nay, xưởng bao bì vợ chồng bà Hạnh làm dời về Cần Đước (Long An). Không nỡ để con lại thành phố một mình, lo con bỏ bê sức khỏe, hai vợ chồng mỗi ngày cả đi lẫn về gần 40km thay vì thuê trọ gần nơi làm. Nhưng gần đây, xưởng ít đơn hàng nên họ cũng giảm chỉ còn làm 4 - 5 ngày/tuần. Lương từ 7,3 triệu giảm còn 5,5 triệu đồng.
Cả ba và mẹ đều đang ráng xoay vì ngoài học phí còn đang tính mua cho con cái laptop cũ để học. Người mẹ đã dọ hỏi vay vài người quen. Kể với chương trình Tiếp sức đến trường, bà cho hay cũng nghĩ đến chuyện vay vốn học tập sinh viên nhưng chưa biết có được không.
Bảo Anh khoe mới xin được việc ở cửa hàng tiện lợi, lương 23.800 đồng/giờ, chỉ làm bốn tiếng. "Khi vào học rồi mình sẽ xin đi phục vụ tiệc cưới ở nhà hàng kiếm thêm" - Bảo Anh dự tính.
Động lực tinh thần
Kỳ thi vừa rồi, Bảo Anh đạt 21 điểm ba môn toán, văn, tiếng Anh và đã nhận thông báo trúng tuyển ngành khoa học hàng hải, chuyên ngành điều khiển và quản lý tàu biển Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM.
Cậu nói tìm hiểu và thấy ngành này đang cần nhiều nhân lực, tỉ lệ có việc làm cao và thu nhập cũng tốt. Nếu làm còn có cơ hội đi đây đó, làm việc trong môi trường đa quốc gia, tiếp xúc với nhiều người với dự báo phát triển mạnh trong tương lai.
Cô Đàm Thị Phương Thúy - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Bảo Anh tại Trường THPT Trần Quang Khải - khen cậu học trò học khá đều các môn học, hiền lành, ít nói nhưng rất có trách nhiệm trong việc chung của lớp. "Học bổng của báo Tuổi Trẻ sẽ là sự hỗ trợ tinh thần quý giá, tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin để Bảo Anh vững vàng hơn trong tương lai" - cô Thúy chia sẻ.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Giới thiệu Tiếp sức đến trường 2024: Tân sinh viên khó khăn, có Báo Tuổi Trẻ. Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận