Vì sao phải "nhiều cửa"?
Về cơ bản, các cơ sở đào tạo chỉ có bốn hướng xét tuyển: sử dụng điểm THPT, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy và điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhưng mỗi trường lại có nhiều phương thức kết hợp dựa trên bốn dữ liệu trên.
Khái niệm "phương thức xét tuyển kết hợp" xuất hiện lần đầu ở một vài cơ sở đào tạo lớn, dẫn đầu là Trường ĐH Kinh tế quốc dân, giờ trở thành phổ biến. Vì thế từ năm 2022, Bộ GD-ĐT đã thống kê có tới trên 20 phương thức xét tuyển khác nhau. Có trường có 6-7 phương thức. Có những ngành không chỉ xét nhiều phương thức mà còn nhiều tổ hợp.
Bức tranh xét tuyển đại học đa dạng mang đến nhiều cơ hội cho thí sinh nhưng cũng nhiều rối rắm vì khi quá nhiều phương thức, tổ hợp, chỉ tiêu như chiếc bánh bị cắt nhỏ.
Đức Tuyên (Hà Nội) là một thí sinh từng trượt hết các nguyện vọng xét tuyển sớm năm trước và trượt luôn cả thi tốt nghiệp do đăng ký vào ngành có điểm chuẩn cao chót vót. Nói về trải nghiệm đã qua, Tuyên gọi vấn đề tuyển sinh hiện nay là "thế trận" cần phải cân nhắc hợp lý:
"Học sinh phổ thông Hà Nội khó có thể cạnh tranh với học sinh các tỉnh khi đấu "tay bo" ở phương thức xét điểm tốt nghiệp. Có nghĩa dùng điểm thi tốt nghiệp thuần túy mà không có kèm theo chứng chỉ ngoại ngữ hay các điểm cộng từ giải thưởng, học sinh trường chuyên. Vì thế để "chắc thắng" cần cố gắng găm vài nơi trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm, trong đó thế mạnh là chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc điểm đánh giá năng lực.
Ngược lại, học sinh các vùng nông thôn, khó khăn lại thua học sinh thành phố ở những phương thức dùng chứng chỉ, nên chỉ còn cách luyện để thi tốt nghiệp. Những học sinh ở các tỉnh có điều kiện tài chính cũng tập trung đầu tư đăng ký lớp luyện thi "VIP" - kiểu bảo đảm đỗ, chứ khó chạy đua để có các loại chứng chỉ quốc tế".
Phân tích của Tuyên không sai. Sự đúc rút này cũng được khá nhiều phụ huynh, thí sinh xác nhận trong các nhóm mạng xã hội có cùng mối quan tâm đến tuyển sinh đại học.
Và cũng chính vì có những đặc điểm khác nhau giữa điều kiện của thí sinh ở các khu vực khác nhau nên để tạo điều kiện cho nhiều nhóm thí sinh được tiếp cận giáo dục đại học, các trường buộc phải có nhiều phương thức xét tuyển. Chỉ có điều với quá nhiều phương thức như hiện nay, chưa có cách nào để đo sự tương đương. Từ đó, việc đảm bảo thi bình đẳng, tuyển công bằng cũng khó xác định.
Bà Vũ Thị Hiền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, chia sẻ: chính vì không thể đo sự tương đương nên không còn cách nào khác phải tuyển sinh độc lập từng "cửa". Có nghĩa chỉ thí sinh cùng đi một cửa cạnh tranh công bằng với nhau.
Năm 2021, vì không tin tưởng kết quả thi tốt nghiệp THPT khi kỳ thi này giao hẳn cho địa phương tổ chức sau khi đã xảy ra nhiều vụ gian lận thi cử động trời, nhiều trường đại học đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh phương thức này chỉ còn 15-20%. Và điều này đã khiến Bộ GD-ĐT phải khuyến cáo nâng tỉ lệ này nhằm tăng cơ hội tiếp cận đại học cho thí sinh ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn.
Nhiều trường thuộc tốp đầu đã thực hiện việc "nâng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp" theo cách dùng phương thức kết hợp. Đây cũng là cách "cân bằng" với các phương thức như xét bằng điểm thi đánh giá năng lực, tư duy do các trường tổ chức hay các chứng chỉ quốc tế - một cách để tiến gần hơn mục tiêu thi bình đẳng, tuyển công bằng.
Bà Hiền cho biết: "Mỗi năm, chúng tôi phải tổ chức đánh giá chất lượng học tập của sinh viên năm thứ nhất để có căn cứ đánh giá chất lượng đầu vào của mỗi phương thức xét tuyển. Nếu thấy bất hợp lý lại điều chỉnh (về phương thức, về chỉ tiêu) cho năm sau. Hiện tại thì chỉ có thể làm như vậy thôi".
Những sắc màu trong khuôn khổ
Không thể cân cho các phương thức bằng nhau, nhiều trường lớn chú trọng những điểm đặc trưng hoặc ít nhất là thể hiện quan điểm riêng trong phương thức tuyển sinh của mình.
Những thí sinh đăng ký vào Học viện Ngoại giao nếu có nhiều chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc chứng chỉ năng lực quốc tế rất lợi thế vì không phải chọn một trong các chứng chỉ để quy ra điểm cộng xét tuyển mà sẽ được tính hết miễn là chứng chỉ hợp lệ và trong hạn cho phép.
"Em có chứng chỉ IELTS và SAT, nên sau khi quy ra thang điểm 10, em được cộng đến 9 điểm vào tổng điểm xét tuyển. Có những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh, Pháp, Nhật... đều được cộng hết. So với thí sinh khác, thí sinh có các chứng chỉ để được cộng điểm có lợi thế hơn hẳn khi đăng ký xét tuyển vào Học viện Ngoại giao" - Thanh Hà, một thí sinh đăng ký xét tuyển sớm vào Học viện Ngoại giao, chia sẻ.
Năm 2023, có nhiều trường hơn lựa chọn phương thức xét tuyển kết hợp có phỏng vấn. Phần lớn nội dung phỏng vấn của các trường để xác nhận trực tiếp hơn mong muốn nhập học của thí sinh qua hiểu biết, sở thích về ngành, trường. Đây cũng là yếu tố ưu tiên bên cạnh các tiêu chí khác.
Có một số trường dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên với học sinh giỏi THPT, học sinh trường chuyên, có giải thưởng cấp quốc gia. Vì quan niệm đó là đối tượng tài năng, đã được sàng lọc từ cấp phổ thông.
Có một xu thế nổi trội ở giai đoạn xét tuyển đại học hiện nay là đề cao ngoại ngữ. Luồng quan điểm ủng hộ thì cho rằng đó là công cụ để người học tiếp cận các nguồn tài liệu khác nhau, vươn ra thế giới và đáp ứng công việc ở thời kỳ hội nhập mạnh mẽ. Nhưng ở luồng quan điểm trái chiều, nhiều người cho rằng xu thế lấy ngoại ngữ làm tiêu chí quan trọng để xét tuyển là sai lầm.
"Không có quốc gia nào đặt việc học ngoại ngữ làm trọng tâm để phát triển khoa học cho đất nước" - ông Đặng Minh Tuấn, giảng viên Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận xét.
Trao đổi về những căn cứ để xây dựng phương thức xét tuyển kèm theo phân bố chỉ tiêu, ông Nguyễn Phong Điền, phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng đến nay chưa có cơ sở nào công bố các nghiên cứu bài bản hay công cụ mang tính khoa học để có thể trả lời được câu hỏi vì sao chọn phương thức này mà không chọn phương thức kia? Và căn cứ nào để đảm bảo phương thức tuyển sinh này hay kia thỏa mãn yêu cầu về chất lượng đào tạo?
"Phần lớn các cơ sở đào tạo dựa trên các nhóm nhu cầu, tổng chỉ tiêu tuyển sinh để xây dựng phương án xét tuyển cho từng phương thức", ông Điền nhận xét. ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay vẫn chủ yếu chỉ sử dụng phương thức xét điểm thi, gồm điểm thi đánh giá năng lực, tư duy và điểm thi tốt nghiệp THPT (chiếm 85 - 90% chỉ tiêu).
Như vậy dù sắc màu nhiều hơn trước, nhưng các trường vẫn tự chủ trong khuôn khổ để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng tuyển sinh. Điều này vừa có ý nghĩa nhân văn, nhưng cũng phục vụ mục tiêu thu hút các nguồn tuyển khác nhau.
Khi nào có thể áp dụng "một cửa"?
Theo bà Vũ Thị Hiền, việc áp dụng một phương thức, kiểu "một cửa", trong tuyển sinh là mong muốn của nhiều cơ sở đào tạo. Nhưng trong bối cảnh phải thỏa mãn nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng và cũng chưa có công cụ để công nhận tương đương giữa các điều kiện xét tuyển khác nhau nên khó thu về một mối mà vẫn phải áp dụng chia nhỏ, tuyển độc lập với từng "cửa".
"Các trường đại học của Mỹ có thể tuyển thí sinh có điểm SAT hoặc ACT vì họ có những công cụ để xác định được sự tương đương giữa SAT và ACT. Nên thí sinh có thể dùng cái này hay cái kia để tuyển sinh đều được. Nhưng ở Việt Nam thì chưa làm như vậy", bà Hiền ví dụ để cho thấy hiện chưa phải lúc có thể hợp nhất các phương thức để thi bình bẳng, tuyển công bằng.
Ông Nguyễn Phong Điền thì cho rằng về nguyên tắc phải có cơ sở khoa học để đo lường được sự tương đương giữa các tiêu chí sử dụng trong phương thức xét tuyển thì mới có thể áp dụng "một cửa" trong tuyển sinh. Cũng chia sẻ về điều này, ông Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng sớm muộn Việt Nam cũng phải hướng đến điều đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận