29/08/2016 12:04 GMT+7

Vào “biệt khu” Sanjiang

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Trong khi người bản xứ ví von Sanjiang giống “biệt khu” thương mại China giữa thủ đô Lào, tôi lại có cảm giác mình đang lạc chân vào thủ phủ kinh tế Quảng Châu..

Ở Lào, nơi nào cũng thấy bảng hiệu tiếng Trung Quốc - Ảnh: Q.VIỆT
Ở Lào, nơi nào cũng thấy bảng hiệu tiếng Trung Quốc - Ảnh: Q.VIỆT

“Chưa đến Sanjiang thì chưa thể hiểu sức mạnh thương mại Trung Quốc ở Lào” - những ngày ở Vientiane tôi được anh Nguyễn Trung Dũng, cán bộ của chi nhánh Ngân hàng VietinBank, đưa đi thực tế trung tâm thương mại lớn nhất của Trung Quốc giữa Vientiane. 

Trung tâm thương mại China “lớn nhất Đông Nam Á”

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là chữ Hoa đỏ ngập khắp nơi, từ tên trung tâm thương mại đến các bảng hiệu quảng cáo hàng hóa, cửa tiệm, chủ hàng... Họa hoằn mới thấy vài chữ Lào hoặc Anh với cỡ chữ nhỏ hơn hẳn, còn ngôn ngữ Việt lại cực kỳ hiếm hoi.

Như hiểu sự ngạc nhiên của tôi, người bạn Việt kiều đồng hành nói: “Đây là nơi nhà buôn Trung Quốc bán sỉ. Thương nhân Lào đã khó vào đây, Việt kiều lại càng khó cạnh tranh”.

Khác hẳn chợ Talat Sao với nhà buôn Trung Quốc dùng sức mạnh tiền bạc của mình để lấn át người bản xứ, nơi Việt kiều đã làm ăn từ trước, Sanjiang là trung tâm thương mại hoàn toàn của người Trung Quốc.

Khai trương từ năm 2007, trung tâm buôn bán này được Tập đoàn Sanjiang (Trung Quốc) đầu tư xây dựng và hiện có khoảng 90% người Trung Quốc đang kinh doanh, ăn ở luôn tại đây.

Mặc dù không tiết lộ chính xác số tiền đầu tư, nhưng ngày khai trương ông Ding Guo Jiang, chủ tịch tập đoàn này, đã mạnh miệng khẳng định: “Đây là trung tâm thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á”.

Ông ta cũng không ngại nói rõ mục đích lấy trung tâm này làm nơi “quần tụ” giới thương nhân Trung Quốc ở Lào. Ngay từ lúc mới xây dựng, họ đã dành sẵn một diện tích đất vàng để xây thêm một khách sạn cao cấp cùng tên Sanjiang Grand.

Anh Khăm Sắk, một người Lào kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc tại Đà Nẵng và hiện là nhà tư vấn kinh doanh ở Vientiane, kể:

“Ngay khi mới khai trương, Sanjiang đã có sức hút khủng khiếp. Quy mô và lượng hàng hóa của nó áp đảo hẳn các chợ cũ ở Lào. Nhưng người Trung Quốc vẫn chưa dừng lại, đến nay họ vẫn đang tiếp tục mở rộng thêm”.

Thực tế mà Khăm Sắk mô tả hiện rõ trước mắt tôi. Liền kề khu trung tâm đang buôn bán sầm uất là các công trình mới đang được hối hả xây dựng. Trong đó có cả một công trình cao tầng đang mọc lên trên diện tích rộng hàng ngàn mét vuông ở phía tây.

Theo chân người bản xứ, tôi định vào công trình này nhưng đã bị chặn ngay từ ngoài. Một bảng hiệu tiếng Trung đỏ chói án ngang mặt tiền tòa nhà.

“95% người Việt lúc mới sang Lào đều “tay không bắt giặc”, túi rỗng khởi nghiệp, giỏi giang và tằn tiện lắm thì cũng phải từ năm năm sau mới có được chút vốn.

Trong khi hầu hết người Trung Quốc mới sang đều đã mạnh tiền. Họ làm cái gì cũng “tung đòn” phủ đầu ngay, từ tiệm lớn, hàng nhiều đến cho thanh toán gối đầu, trả chậm

Tiểu thương Lê Văn Minh

Mặc dù có bán lẻ, nhưng giới thương nhân Trung Quốc ở đây chỉ chú trọng đến bán sỉ và khách mối. Người bạn đồng hành kể với tôi rằng ít nhất 70% hàng hóa ở đây xuất xứ từ Trung Quốc, còn lại là hàng Thái Lan và một ít hàng hóa Lào, Việt Nam.

Phải nhờ một người bạn gốc Hoa đã ở Lào từ nhỏ chuyển ngữ, tôi mới có điều kiện tìm hiểu sâu được cung cách giao dịch của trung tâm thương mại này.

Trong vai một thương nhân sinh sống tại thành phố Pakse, đang tìm thêm nguồn hàng thời trang từ Trung Quốc, người bạn Li Minh nhanh chóng bắt chuyện được với dân bán buôn ở Sanjiang.

“Chỉ phải thanh toán một hai chuyến hàng đợt đầu để làm tin thôi. Sau sẽ được gối đầu, trả chậm thoải mái. Cứ khi nào lấy hàng đợt sau mới phải trả tiền cho đợt trước” - vừa trò chuyện với nhà buôn Trung Quốc, Minh vừa dịch luôn cho tôi nghe.

Một chủ shop có tên phiên âm Sang Xue nói với Minh rằng vợ chồng bà ta đã thuê mặt bằng ở trung tâm thương mại này từ lúc mới khai trương với giá 20.000 USD mỗi năm. Có người thuê đắt hơn hoặc rẻ hơn tùy diện tích và vị trí.

Tuy nhiên, thời gian đầu chủ Sanjiang khuyến mãi rất mạnh tay cho đồng hương. Bà Li kể mình chỉ phải trả một nửa giá và được trả chậm, khuyến mãi thêm chỗ đậu xe miễn phí, tiền vệ sinh...

Sức mạnh tiền bạc

“Cách đây mấy năm, tôi đã nghe râm ran thông tin người Trung Quốc sang Lào làm ăn được chính phủ trợ cấp vốn. Số tiền cụ thể là 50.000 hay 100.000 USD tùy họ đi cả gia đình hay đi một mình.

Ngoài ra, khi cần vay vốn, họ cũng được ngân hàng cho vay ưu đãi rất nhiều. Đó chính là sức mạnh tài chính của họ” - Li Minh kể.

Trung tâm thương mại Sanjiang rất lớn nhưng vẫn đang được xây dựng thêm - Ảnh: QUỐC VIỆT
Trung tâm thương mại Sanjiang rất lớn nhưng vẫn đang được xây dựng thêm - Ảnh: QUỐC VIỆT

Anh Lê Văn Minh (Việt kiều đã 25 năm ở Lào, hiện đang buôn bán tại chợ Khủa Đin ở Vientiane) cho biết 95% người Việt lúc mới sang Lào đều “tay không bắt giặc”, túi rỗng khởi nghiệp, giỏi giang và tằn tiện lắm thì cũng phải từ năm năm sau mới có được chút vốn.

Trong khi hầu hết người Trung Quốc mới sang đều đã mạnh tiền. Họ làm cái gì cũng “tung đòn” phủ đầu ngay, từ tiệm lớn, hàng nhiều đến cho thanh toán gối đầu, trả chậm.

“Mới hơn 10 năm trước, tiểu thương nhỏ người bản xứ chủ yếu còn lấy hàng của giới bán buôn người Thái và Việt kiều. Mỗi lần họ mua hàng trị giá vài chục triệu đến vài trăm triệu tiền kíp Lào là bình thường. Nhưng giờ nhiều mối lái đã nghiêng sang phía nhà buôn Trung Quốc.

Tuy đến sau nhưng phương thức cho thanh toán quá thoải mái của họ đã giành mất nhiều khách mối của nhà buôn đi trước mình” - anh Lê Văn Minh chia sẻ.

Chỉ một ngày thực tế ở Sanjiang, tôi cũng đủ chứng kiến sự mở rộng như vòi bạch tuộc của nó.

“Biệt khu” thương mại đi mỏi chân bên trong như vẫn còn chật, nhiều thương nhân Trung Quốc lấn ra cả mặt tiền các con phố xung quanh. Vẫn những bảng hiệu chữ Hoa đỏ rực, họ bày bán đủ loại máy móc nông lâm nghiệp, phụ tùng ôtô, đồ điện tử, nội thất gia đình...

Anh Nguyễn Trung Dũng cho biết cứ nơi nào người Trung Quốc quần tụ thì dân Lào, kể cả Việt Nam, Thái Lan cũng khó chen vào. Lợi thế đặc biệt của họ là ngoài được trợ cấp từ trước ở nước nhà, họ còn có các chi nhánh ngân hàng Trung Quốc “chống lưng” ngay tại Lào.

“Người bản xứ hay Việt kiều, Thái Lan khó tiếp cận nguồn vốn vì điều kiện vay ngặt nghèo, trong khi ngân hàng Trung Quốc lại rất thoáng cho nhà đầu tư đồng hương - anh Dũng tâm sự - Với lợi thế như vậy, “cơn bão” Trung Quốc lấn lướt ở Lào là điều dễ hiểu”.

Và một hình ảnh dễ thấy nhất là nhiều đường phố trung tâm mới hôm trước còn đầy bảng hiệu chữ Việt, chữ Lào thì chỉ thời gian ngắn sau đã được thay bằng những bảng chữ Hoa đỏ rực...

Thế giới riêng của người Trung Quốc

“Khu Sanjiang có vị trí đắc địa mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng phải mơ ước. Nó ở quận Sikhottabong, chỉ cách vị trí trung tâm thủ đô Lào 3km và sân bay 1,5km. Hồi xưa đây là vùng đồi có nhiều cây cổ thụ rất lớn.

Khi người Trung Quốc đến, mọi thứ thay đổi nhanh chóng. Cây rừng biến mất để thay vào đó là những dãy phố, tòa nhà ngập đầy hàng hóa” - anh Khăm Sắk tâm sự.

Vientiane nhiều đặc sản, nhưng lại có một thứ rất khó tìm là taxi. Ai đến thủ đô này nếu không có xe công vụ hay người thân đưa đón, chỉ còn cách đi bộ hoặc tìm loại xe giống Tuk Tuk của Thái Lan nhưng cũng rất hiếm ở đây.

Tuy nhiên, Trung tâm thương mại Sanjiang lại có hẳn cả đội xe taxi riêng của mình để đưa đón khách. Đó là người từ Trung Quốc qua hoặc là mối lái thương nhân ở đây. Nhìn từ ngoài lẫn bên trong Sanjiang đều như một thế giới tách biệt của người Hoa ở thủ đô Lào.

>> Kỳ tới: Những chủ thầu nói tiếng Hoa

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên