23/02/2020 11:36 GMT+7

Vào bếp càng ít, mở app thì nhiều

HOÀNG MY
HOÀNG MY

TTO - Cuối tuần tôi được một chị bạn mời tới nhà dùng bữa. Bạn tôi vốn là tác giả từng viết sách về ẩm thực cũng là mẫu đàn bà thành đạt, đi nhiều, trải nghiệm khá, lại có phần "hợp cạ" với thời bây giờ khi tuyên bố mình biết nấu và cả... biết ăn.

Vào bếp càng ít, mở app thì nhiều - Ảnh 1.

Tranh minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Nhà có khi sắm bộ bàn ăn rất đẹp, gỗ tốt ghế êm, nhưng mấy khi sử dụng. Chờ nhau một bữa cơm nhà ngày càng hiếm gặp. Người ta thậm chí vô cùng quen mắt với cảnh “ăn cơm với điện thoại” mất rồi.

Hôm ấy tôi bất ngờ khi thấy chị giản dị đứng nấu vài món ruột với nguyên liệu chính là mắm cá miền Tây, thơm nức. Chồng chị và hai đứa con phụ bếp, dọn bàn. Hóa ra ngoài lúc chị mặc đồ đẹp để làm truyền thông, cả nhà chị vẫn thường ngồi quanh mâm cơm, trong căn bếp ấm áp đèn vàng.

Phải thừa nhận riêng "chuyện ăn" thôi nay cũng đã khác rồi, đi xa lắm so với những tưởng tượng nhớ nhung của người ta về cái nhu cầu căn bản hàng đầu. Có ai hôm đấy bâng quơ rằng giờ là thời của "ăn bằng ứng dụng". Nghĩa là muốn ăn gì thì mở mấy cái ứng dụng gọi món ship (giao) tận nơi ra mà lựa chọn. Phải nói là vô số, chế biến bắt mắt, bao bì đẹp đẽ, giá cả chấp nhận được, thậm chí rẻ hơn so với tự chuẩn bị.

Ngày nay cái gì cũng nâng lên hàng "công nghệ" hết. Công nghệ ẩm thực, du lịch ẩm thực, xe ôm công nghệ... Nên đừng vội khăng khăng cho rằng phải tự mình chạm tay vào các nguyên liệu, hít hà từng thứ gia vị, nghe mùi khói mới đích thực là vào bếp. Bếp ở phố lấy đâu ra khói, thậm chí ngay cả ánh lửa cũng đã dần hiếm hoi.

Tôi nhớ từng đọc được ở đâu đó một câu chuyện đáng suy ngẫm về bếp của bây giờ. Bà mẹ quá tuổi hưu sống một mình trong căn hộ tươm tất, với cái bếp hiện đại do con cái sắm cho. Cái bếp đó biết nói, biết chào hỏi, trò chuyện. Nó nhắc cho bà mẹ cô độc biết giờ cần làm gì, phải chỉnh nhiệt độ bao nhiêu, đã tới công đoạn nào. 

Và người đàn bà chưa quá già nhưng không còn trẻ kia nhờ cái giọng nói ấy mà thấy vẫn còn có tiếng người xung quanh, chẳng tới mức cảm giác một mình. Tôi chưa tìm hiểu xem chúng ta hiện đã có cái bếp biết tương tác cỡ đó chưa, nhưng quả là cứ thấy rưng rưng khi hình dung bóng đàn bà thui thủi ra vào, giữa những sáng loáng tinh tươm sạch sẽ sang trọng của chén bát vật dụng đắt tiền.

Có đúng là chúng ta đang nấu bếp, vào bếp ngày càng ít đi nhưng xem phim coi clip về ẩm thực ngày càng nhiều? Nghe đâu đó cái món "siêu to khổng lồ" mới lạ gì đấy liền tò mò ngó nghiêng. Hoặc minh tinh nọ, siêu sao kia, chính khách này mới ghé quán A nhà hàng B nếm thử ẩm thực Việt thì "đu" theo cho nó hợp thời, đúng theo "trend" (xu hướng). Các món cũ kỹ đơn giản quen thuộc thì dần quên đi. Hoặc chỉ "ăn nhớ ăn thương" trong mấy hồi ức, kỷ niệm nhắc nhớ này nọ.

Vậy chứ bảo mua về nấu, hoặc ra tiệm gọi thức đó ra ăn lại thấy nó lạc lõng xa lạ. Nhà có khi sắm bộ bàn ăn rất đẹp, gỗ tốt ghế êm, nhưng mấy khi sử dụng. Chờ nhau một bữa cơm nhà ngày càng hiếm gặp. Người ta thậm chí vô cùng quen mắt với cảnh "ăn cơm với điện thoại" mất rồi. Xong lại tiếc nuối than, giờ ăn gì cũng chẳng ngon, tìm đâu hương vị, không khí quây quần ngày xưa nữa. Mất thời gian lại phải dọn rửa, chi bằng cứ mở app hoặc ra tiệm cho nhanh gọn lẹ nào.

Chẳng lẽ lại nói "thôi đành".

Căn bếp Thạch Sanh của mẹ Căn bếp Thạch Sanh của mẹ

TTO - Những ngày cuối năm với bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu cuộc hẹn gặp đối tác, bạn bè, liên hoan tổng kết, tất niên, tân niên. Đến những bữa tiệc thức ăn đầy bàn, lòng tôi nôn nao nhớ đến căn bếp của mẹ tôi…

HOÀNG MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên