Không có sự hợp tác kinh tế nào giữa Hàn Quốc với các nước Đông Nam Á khác có thể so sánh được hợp tác giữa Hàn Quốc với Việt Nam. Hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Đông Nam Á là hướng vào Việt Nam, và gần 40% tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Đông Nam Á cũng tập trung vào dải đất hình chữ S.
Theo truyền thống, Hàn Quốc xuất khẩu hàng hóa bán thành phẩm sang Trung Quốc và Đông Nam Á, nơi sản phẩm cuối cùng được sản xuất và sau đó xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ hay các thị trường khác. Nhưng hiện nay cơ cấu này không còn hoạt động hiệu quả nữa, buộc Hàn Quốc phải đưa ra chiến lược mới.
Hàng bán thành phẩm trước đây được gửi đến Trung Quốc giờ đây sẽ được chuyển đến Đông Nam Á để thiết lập mạng lưới sản xuất mới ở đó. Trong kịch bản này, Việt Nam sẽ trở thành đối tác quan trọng hơn nữa đối với Hàn Quốc.
Gần đây khi Indonesia nổi lên như một chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, sự quan tâm của Hàn Quốc đối với Indonesia đã tăng lên. Tuy nhiên mạng lưới sản xuất do các công ty Hàn Quốc thiết lập ở Việt Nam không thể dễ dàng di dời đi nơi khác nên Việt Nam vẫn là trọng tâm tại Đông Nam Á.
Hơn nữa, từ góc độ của Hàn Quốc, hợp tác với Việt Nam cũng rất quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn.
Mặc dù Việt Nam quan tâm đến quá trình back-end (quá trình cuối trong sản xuất bán dẫn - PV) nhưng lại đang thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao. Để Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, yếu tố quan trọng nhất chính là nhân tài.
Ngoài ra, nhân tài có trình độ cao cũng rất quan trọng để chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ phụ thuộc vào lao động đơn giản, lương thấp sang cơ cấu sản xuất các sản phẩm tiên tiến, có giá trị gia tăng cao. Chính phủ Việt Nam cho thấy sự quan tâm đến việc này và đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn.
Nếu phát triển được nguồn nhân lực thông qua hợp tác với Hàn Quốc, vành đai hợp tác bán dẫn có thể được hình thành giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Điều này thậm chí có thể dẫn đến sự hình thành một mạng lưới sản xuất chất bán dẫn mới, trải rộng gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á xung quanh.
Trong quá trình phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam cần theo đuổi các sáng kiến giáo dục kết hợp với các công ty sản xuất chất bán dẫn. Bằng cách này, các công ty có thể sử dụng sinh viên tốt nghiệp ngay sau khi họ rời ghế nhà trường.
Tiền lương cho lao động Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn. Tỉ lệ tăng dân số của Việt Nam đang giảm dần và với tổng tỉ suất sinh là 1,7 nên dân số dự kiến sẽ giảm đi. Thậm chí có ý kiến cho rằng Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa nên việc tăng lương là điều tất yếu.
Tuy nhiên nếu năng suất có thể tăng lên hoặc các sản phẩm có giá trị gia tăng cao có thể được sản xuất nhiều hơn, việc tăng lương sẽ không thành vấn đề và Việt Nam có đủ sức hấp dẫn để cân bằng những chi phí ngày càng tăng này.
Thế giới vẫn đang thay đổi một cách nhanh chóng. Các khoản đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam vẫn đang lấy sản xuất làm trung tâm và đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Nhưng khi dân số Việt Nam giảm sẽ có những hạn chế trong việc vận hành một nền kinh tế tập trung vào sản xuất. Do đó Việt Nam cần phải thúc đẩy các ngành công nghiệp mới tạo ra giá trị gia tăng cao.
Để thu hút các ngành công nghệ cao trước tiên phải đảm bảo đủ nguồn cung cấp điện. Không chỉ trí tuệ nhân tạo mà sản xuất chất bán dẫn cũng cần rất nhiều điện. Do đó, những khu vực có thể đảm bảo đủ điện sẽ có thể thu hút nhiều vốn FDI hơn.
Bảo hộ công nghệ là điều kiện tiên quyết để quá trình chuyển giao công nghệ diễn ra và đảm bảo khuyến khích phát triển công nghệ mới.
Bởi lẽ, nếu một công ty dành nguồn lực khổng lồ để phát triển công nghệ và một công ty khác sử dụng nó mà không nhận được bất kỳ khoản thù lao nào, sẽ không có công ty nào sẵn sàng đầu tư. Nói cách khác, hệ thống bảo hộ công nghệ phải được chuẩn bị một cách tích cực.
(Tiến sĩ Kwak Sung Il là giám đốc Vụ Chiến lược an ninh - kinh tế thuộc Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc. Ông cũng là một trong các tác giả chính của báo cáo "30 năm hợp tác kinh tế và xã hội Hàn Quốc - Việt Nam: Nghiên cứu cho hợp tác tương lai bền vững").
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận