Tại đây, các địa phương TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An đều bày tỏ quyết tâm thực hiện, đồng thời đề xuất nhiều nhóm việc để vành đai 4 TP.HCM khởi công đúng vào năm 2025.
Các địa phương thống nhất phương án
Báo cáo trong buổi làm việc, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết từ tháng 9-2021, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ địa phương nghiên cứu triển khai các dự án độc lập. Theo đó, các địa phương quyết liệt triển khai vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... và có bước chuẩn bị cho dự án vành đai 4 TP.HCM.
Sau tháng 9-2021, các tỉnh họp hội đồng vùng đề xuất cập nhật quy mô vành đai 4 TP.HCM với chiều dài 207km, mặt cắt ngang đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe, giải phóng 1 lần là 8 làn xe.
Đây là dự án kết nối với tất cả các tuyến cao tốc, quốc lộ của vùng nên nếu triển khai đoạn nào hoàn thành trước thì có thể đưa vào khai thác ngay, phát huy hiệu quả của các tuyến hướng tâm.
Theo ông Lâm, thời gian qua các địa phương phối hợp trách nhiệm, đoàn kết trong quá trình chuẩn bị cho dự án vành đai 4 TP.HCM. Đến nay, tỉnh Bình Dương phê duyệt xong bồi thường giải phóng mặt bằng, hiện đang lập dự án xây lắp.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện cũng sẵn sàng để trình chủ trương đầu tư, chỉ còn băn khoăn về cơ chế và nguồn vốn. Tỉnh Đồng Nai thì đang nghiên cứu, nghiên cứu tiền khả thi của Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai cơ bản đã xong.
Về phía TP.HCM xong nghiên cứu tiền khả thi, đang điều chỉnh hướng tuyến nhằm giảm bồi thường giải phóng mặt bằng dân cư hiện hữu, phát huy quỹ đất tốt nhất. Như vậy, trong quý 2-2024 và quý 3-2024 có thể trình chủ trương đầu tư, cơ bản là có thể cân đối được nguồn vốn. Riêng đoạn tỉnh Long An (78km) vốn hơn 48.000 tỉ đồng đã có nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu.
Về phương án đầu tư, các địa phương đồng loạt ủng hộ chọn phương án 1 với ưu điểm các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường vành đai 4 TP.HCM. Riêng đoạn qua địa bàn huyện Nhà Bè dài khoảng 3,8km (do tỉnh Long An có thẩm quyền) đề xuất tách thành phần dự án và giao UBND TP.HCM thực hiện bằng vốn ngân sách TP.
"Phương án này có ưu điểm lớn là đoạn nào hoàn thành trước thì đưa vào khai thác trước để phát huy hiệu quả ngay. Dù vậy nhược điểm phương án này là khi dự án đi qua hai địa bàn phải có cơ quan chủ quản. Ngoài ra, tỉnh Long An gặp khó khăn chưa thu xếp được vốn", ông Lâm nói.
Nỗ lực khởi công năm 2025 với nhiều cơ chế đặc thù
Để quá trình làm vành đai 4 TP.HCM thuận lợi hơn, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất thống nhất chọn một đơn vị tư vấn tổng thể. Cần có cơ chế, chính sách đặc thù riêng áp dụng cho dự án được Quốc hội thông qua (UBND cấp tỉnh được làm chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác thực hiện đầu tư vành đai 4, dùng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác đầu tư công (cầu Thủ Biên giữa địa bàn Đồng Nai và Bình Dương).
Ngân sách trung ương hỗ trợ TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu 50% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án. Riêng tỉnh Long An đề xuất ngân sách hỗ trợ 90%. Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ cần vận dụng thêm cơ chế đặc thù như vành đai 3 TP.HCM để triển khai nhanh một số nhóm việc dự án.
"Đối với nguồn vốn, các địa phương tuy khó khăn song cần rà soát để cân đối nguồn vốn trung hạn giai đoạn này và sau, xem cần trung ương hỗ trợ bao nhiêu kịp xin ý kiến hội đồng vùng. Sau năm 2025, TP.HCM và các địa phương có thể khởi công dự án vành đai 4 TP.HCM.
Có một số việc có thể triển khai được ngay mà không cần chờ đợi. Vì vậy, các địa phương cần gấp rút làm nhiều nhóm công việc ngay thời điểm này", giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM đặt mục tiêu.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các địa phương đã nghiên cứu vành đai 4 cần rà soát, thống nhất lại về mốc triển khai, tiến độ. Đồng thời cần đưa ra các đầu bài cụ thể để cùng triển khai vành đai 4 TP.HCM đủ chuẩn.
"TP.HCM cũng mong muốn Bộ Giao thông vận tải tiếp tục quan tâm, cùng các địa phương rà soát lại. Tất cả cần nỗ lực, có thể "làm ngày, làm đêm" để kịp trình Quốc hội thông qua dự án vành đai 4 vào tháng 6-2024 và khởi công vào năm 2025", ông Mãi nhấn mạnh.
5 tỉnh thành hợp lực làm vành đai 4 TP.HCM
Qua nghiên cứu phương án đầu tư vành đai 4 TP.HCM, 5 địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An đồng thuận cao chọn phương án 1.
Đồng thời lãnh đạo các địa phương khẳng định tiếp tục chủ động rà soát, có đề xuất hoàn chỉnh báo cáo triển khai tại địa phương mình.
Ông Nguyễn Văn Dành - phó chủ tịch UBND Tỉnh Bình Dương - nhận định vành đai 4 là tuyến giao thông quan trọng, cấp bách để khơi thông hạ tầng giao thông phát triển kinh tế Bình Dương. Chính vì vậy, tỉnh mong sớm thống nhất về mốc tiến độ, hồ sơ để triển khai dự án này. Tỉnh Bình Dương cũng đề xuất thêm được Trung ương hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Lâm - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết dù còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, tỉnh Long An đã rất khẩn trương trong các quy trình để đẩy nhanh tiến độ dự án.
"Chúng tôi đã thống nhất quy mô, mặt cắt, phương án, hướng tuyến… và tiếp theo cần thống nhất và chuẩn bị ngay phương án thủ tục để làm. Đặc biệt, chúng ta có thể xin cơ chế, nguồn vốn để làm đường này được nhanh chóng. Các đơn vị ở tỉnh Long An đã họp nhiều ngày này và quyết tâm làm, rất mong muốn Trung ương hỗ trợ 90% nguồn vốn", ông Lâm bày tỏ.
Vành đai 4 TP.HCM mở ra nhiều hướng liên kết
Cũng trong buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đề nghị sở giao thông vận tải các tỉnh có tuyến vành đai 4 TP.HCM đi qua khẩn trương đối chiếu, rà soát quy hoạch hiện hữu để triển khai dự án.
"Bộ Giao thông vận tải kỳ vọng vành đai 4 không chỉ là tuyến liên kết vùng Đông Nam Bộ mà còn mở ra hướng kết nối thông thoáng với khu vực Tây Nguyên", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nêu quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận