UBND TP.HCM vừa chấp thuận chủ trương sử dụng ngân sách TP để thuê đơn vị tư vấn thực hiện rà soát, lập báo cáo đánh giá tổng thể, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho dự án vành đai 4 TP.HCM.
Chi phí thuê đơn vị tư vấn tổng thể sẽ được tính vào tổng mức đầu xây dựng trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư đường vành đai 4, đoạn qua địa bàn TP, do UBND TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền.
UBND TP.HCM giao Sở Giao thông vận tải TP khẩn trương chủ trì, phối hợp sở giao thông vận tải các tỉnh: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các sở ngành liên quan của TP trao đổi thống nhất, xác định các vấn đề liên quan (nội dung công việc, tiến độ thực hiện, sản phẩm đầu ra...) để giao nhiệm vụ cho đơn vị tư vấn tổng thể thực hiện; tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn tổng thể theo đúng quy định hiện hành.
Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài gần 207km. Dự án qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 18,7km, Đồng Nai 45,6km, Bình Dương 47,4km, TP.HCM 17,3km và tỉnh Long An dài 78,3km (trong đó đoạn qua Long An là 74,5km, đoạn trên TP.HCM là 3,8km). Dự án được đề xuất theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Về phương thức triển khai, các địa phương sẽ làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện các đoạn qua địa bàn.
UBND TP.HCM được giao là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện dự án. Bộ Giao thông vận tải là cơ quan điều phối chung. Dự án qua nhiều địa phương nên việc có đơn vị tư vấn tổng thể sẽ đảm bảo thống nhất về mặt kỹ thuật và các yếu tố liên quan phương án tài chính của các dự án thành phần PPP.
Ở giai đoạn 1, các địa phương đề xuất triển khai dự án với quy mô tối thiểu bốn làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp bố trí liên tục và dải phân cách giữa hai chiều xe chạy...
Giai đoạn này cũng sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn để thuận lợi cho việc mở rộng trong tương lai. Tổng mức đầu tư dự án vành đai 4 TP.HCM giai đoạn 1 sơ bộ khoảng 127.230 tỉ đồng.
Tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 5-5, TP.HCM và các tỉnh trong vùng đề nghị trung ương hỗ trợ 50% phần vốn giải phóng mặt bằng cho Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai; 75% đối với Long An; TP.HCM xin tự cân đối vốn.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, trong quá trình chuẩn bị, các địa phương nhận thấy chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư dự án đường vành đai 4, và cơ chế sử dụng ngân sách của địa phương này cho địa phương khác.
Từ đó, chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị chấp thuận giao TP.HCM chủ trì phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành, địa phương để xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho vành đai 4 (vận dụng một số cơ chế chính sách đặc thù khi thực hiện vành đai 3).
Các địa phương sẽ cố gắng hoàn thành hồ sơ dự án vành đai 4 TP.HCM và trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2024.
Nghị quyết 98 sẽ giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án vành đai 4 TP.HCM
Hiện nay, TP.HCM đang thực hiện thủ tục đầu tư các dự án lớn như cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ và dự án vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP.
Các dự án dự kiến trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp chuyên đề gần nhất trong năm 2024. TP đang vận dụng nghị quyết 98 để rút ngắn thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án, phấn đấu khởi công các công trình trong năm 2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận