Cát san lấp huy động cho vành đai 3 TP.HCM không đủ đáp ứng tiến độ
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2021-2025, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ triển khai thi công 21 dự án, dự án thành phần giao thông trọng điểm. Tổng nhu cầu vật liệu đắp nền cho các dự án trên khoảng 76,95 triệu m³. Trong đó, đất đắp khoảng 7 triệu m³, cát đắp khoảng 69,95 triệu m³. Riêng trên địa bàn TP.HCM đang triển khai 6 dự án (4 dự án thành phần vành đai 3 TP.HCM, dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch và cao tốc Bến Lức - Long Thành) với nhu cầu vật liệu cát đắp nền khoảng 11,45 triệu m³.
Để bảo đảm nguồn cát đắp cho các dự án, lãnh đạo Chính phủ đã hết sức quan tâm, trực tiếp kiểm tra, làm việc và có nhiều văn bản chỉ đạo các tỉnh bố trí đủ nguồn vật liệu để đẩy nhanh tiến độ các dự án và giao chỉ tiêu cho các tỉnh ưu tiên bố trí cho các dự án. Đến nay, tổng khối lượng vật liệu đã xác định được nguồn cung là 42,76/69,95 triệu m³.
Tuy nhiên theo Bộ Giao thông vận tải, mặc dù trữ lượng cát của các tỉnh trong khu vực còn tương đối lớn (tỉnh Tiền Giang khoảng 40 triệu m³, tỉnh Sóc Trăng hơn 38 triệu m³…) nhưng đến nay các dự án vẫn chưa xác định được đủ nguồn cát đắp nền theo nhu cầu.
Đối với vành đai 3 TP.HCM dài 76km hiện đang được tăng tốc thi công, đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành phần cao tốc vào năm 2025. Tuy nhiên, nguồn cát san lấp nền cho dự án đang gặp nhiều khó khăn. Tổng nhu cầu cát san lấp cho dự án khoảng 9,3 triệu m³, trong đó năm 2024 cần hơn 6 triệu m³. Thời gian qua, các nhà thầu đã đưa về dự án khoảng 0,4 triệu m³ cát san lấp, không đáp ứng tiến độ thi công.
Liên quan đến việc thiếu cát san lấp cho dự án vành đai 3 TP.HCM, tại buổi làm việc ngày 1-4, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu lập tổ công tác liên ngành phối hợp với các địa phương vận dụng các cơ chế gia hạn/cấp lại giấy phép, nâng công suất khai thác mỏ cát phục vụ dự án theo cơ chế đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép...
Nhà thầu cần chấp nhận giảm lợi nhuận để huy động vật liệu từ các nguồn khác nhau
Không chỉ kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành gỡ vướng, TP.HCM cũng đã yêu cầu chủ đầu tư các dự án rà soát, làm việc với các nhà thầu để đảm bảo nguồn cát.
Tại thông báo kết luận buổi làm việc với một số đơn vị thi công, về tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các chủ đầu tư các dự án rà soát hợp đồng đã ký, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan theo hợp đồng. Trong đó, yêu cầu nhà thầu cần thực hiện đúng quy định tại hợp đồng đã ký.
Cụ thể, khi dự thầu đã có phương án đảm bảo vật tư, nhân công cho công trình... Vì vậy, nhà thầu phải tự nỗ lực cao nhất giải quyết vấn đề khó khăn về vật tư, đặc biệt là cát san lấp...
Lãnh đạo UBND TP.HCM giao chủ đầu tư các dự án trao đổi, đàm phán yêu cầu các nhà thầu thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công.
Đồng thời khẩn trương hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung phụ lục hợp đồng đối với các gói thầu, dự án đẩy nhanh được tiến độ, báo cáo trước ngày 10-4.
Cùng chia sẻ trách nhiệm với TP trong giai đoạn khó khăn, khan hiếm về vật liệu, giá thành cao; chấp nhận giảm lợi nhuận, khẩn trương huy động vật liệu từ các nguồn khác nhau để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Nghiên cứu nguồn cát nhập từ Campuchia
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện phía Campuchia có thiện chí xuất khẩu cát sang Việt Nam với trữ lượng khoảng 100 triệu m³ thời gian khai thác trong một năm. Hiệp hội cũng đã đề nghị TP.HCM là đầu mối làm việc với phía bạn để thực hiện các thủ tục, đồng thời giao cho một doanh nghiệp làm đầu mối ký hợp đồng để phân phối.
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét xử lý. Nếu khả thi thì đây là nguồn cung lớn cho các dự án. Tuy nhiên, việc nhập khẩu cát để cấp trực tiếp cho dự án cần rà soát, thực hiện các thủ tục và liên quan nhiều bộ, ngành của hai nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận