Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bài "Cận cảnh tuyến vành đai 2 ở TP.HCM đình trệ nhiều năm sắp được tháo gỡ", rất nhiều bạn đọc mong muốn ngoài những công trình triển khai mới, TP cần khẩn trương gỡ các vướng mắc để khởi động lại, tránh lãng phí.
Khoảng 7 năm trước, dự án đoạn 3 đường vành đai 2 TP.HCM dài 2,7km được TP ký hợp đồng triển khai theo hình thức BT và bắt đầu thi công vào cuối năm 2017. Dự án có tổng mức đầu tư 2.765 tỉ đồng, bao gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.
Năm 2019, sau khi có kết luận của Kiểm toán Nhà nước, dự án đoạn 3 vành đai 2 triển khai một số thủ tục pháp lý để điều chỉnh về tổng mức đầu tư, cập nhật số liệu tài chính, thời gian thực hiện hợp đồng…
Từ tháng 3-2020, nhà đầu tư đã hoàn thiện công tác điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư và trình Sở Kế hoạch và Đầu tư TP thẩm định và phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Cũng trong năm 2020, nhà đầu tư đã tạm dừng thi công, khi dự án đạt khối lượng 43,7%. Về lý do tạm dừng, phía Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái (doanh nghiệp dự án) nói do nhiều nguyên nhân, trong đó chờ cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh thời gian thực hiện, ký phụ lục hợp đồng BT, thanh toán quỹ đất.
Theo nhà đầu tư, hiện nay, việc điều chỉnh dự án vẫn chưa xong, nên chưa thể ký phụ lục hợp đồng BT làm cơ sở để nhà đầu tư tiếp tục triển khai thi công.
Ông Trần Đức Thắng, tổng giám đốc Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái, cho hay hơn 6 năm qua kể từ khi ký kết hợp đồng, nhà đầu tư đã tập trung toàn lực thực hiện dự án, phối hợp thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, huy động vốn, thi công công trình… Đến nay, giá trị giải ngân đạt 1.474 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay).
"Việc gỡ vướng mắc quá lâu dẫn đến dự án phát sinh lãi vay rất lớn và theo hợp đồng, TP phải chịu chi phí này. Theo tính toán của nhà đầu tư, lãi vay đến thời điểm này là 725,2 tỉ đồng, trung bình 14,2 tỉ đồng/tháng. Nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp không thể trả nợ hoặc cơ cấu lại các khoản vay. Khả năng doanh nghiệp dự án phải dừng hoạt động là nguy cơ rất cao", ông Thắng cho hay.
Ông Hà Ngọc Trường, phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, nói đường vành đai 2 TP.HCM là trục đường huyết mạch mang tính chiến lược thúc đẩy sự phát triển kinh tế, góp phần phân luồng hạn chế xe vào nội thành.
Việc đẩy nhanh tiến độ thi công, đầu tư khép kín các đoạn còn lại là hết sức cần thiết.
Do đó, các sở ngành TP cần khẩn trương xử lý vướng mắc, tránh chậm trễ làm dự án đình trệ kéo dài, vừa ảnh hưởng kinh tế - xã hội vừa ảnh hưởng môi trường đầu tư.
Còn theo TS Võ Kim Cương - nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, một dự án đang đình trệ mà thủ tục điều chỉnh kéo dài 3 năm là việc rất vô lý. Cho nên, cần phải xác định rõ nguyên nhân và rà soát lại xem cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này.
Nghị quyết 98 sẽ tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án
Nhiều dự án giao thông, đô thị tại TP.HCM triển khai theo hợp đồng BT trước thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực đang vướng mắc về quy trình thanh toán quỹ đất (là tài sản công).
Nay theo các cơ chế mà nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua, TP.HCM sẽ có đủ thẩm quyền để quyết định việc giao đất, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang vướng mắc trong thời gian qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận