Vầng trăng thơ ấu

ĐỖ PHẤN 04/10/2017 20:10 GMT+7

TTCT- Không ai biết Tết Trung thu thực sự có nguồn gốc từ đâu. Những thuyết Hằng Nga - Hậu Nghệ, cây đa - chú Cuội, sinh nhật Đường Minh Hoàng đều là những phỏng đoán mà thôi. Duy có một điều chắc chắn, đó là cái tết dành riêng cho trẻ con.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 

 Một đất nước nghèo khổ lạc hậu như Việt Nam qua nghìn năm chiến tranh giặc giã lại vẫn dành riêng cho những đứa trẻ một cái tết vui vầy háo hức.

Dù về sau Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6 được du nhập và coi là một ngày lễ có tính quy ước ghi hẳn trong luật, mức độ quan tâm của người lớn đến lũ trẻ vẫn không thay đổi mấy.

Những năm mới tiếp quản Hà Nội 1954, ngày Tết Trung thu được rậm rịch chuẩn bị ngay từ đầu tháng 8 âm lịch. Những làng làm hàng mã nổi tiếng quanh Hà Nội từ Thường Tín sang tận Đông Hồ - Bắc Ninh chuẩn bị vật liệu từ vài tháng trước.

Những tre nứa, cây gỗ dút, giấy bóng kính, giấy trang kim được mua về cắt sẵn chuẩn bị làm các loại đèn rước, đèn lồng, đèn kéo quân. Giấy vụn, phẩm màu, sơn bóng chuẩn bị cho mặt nạ. Đất thó, giấy nhuộm điều chuẩn bị cho trống bỏi. Bột gạo trộn bột nếp chuẩn bị cho những gánh nặn tò he ríu rít phố phường.

Trẻ con háo hức chờ đón Tết Trung thu cũng từ rất sớm. Cha mẹ dẫn chúng lên chợ Hàng Mã từ khoảng mồng 10 chọn mua những chiếc đèn ông sao, đèn ông sư, những tổ chim thiên nga bằng bông trắng muốt lấp lánh kim tuyến, những mặt nạ hề xanh đỏ.

Vài gia đình khá giả sẽ mua những chiếc đèn giấy bóng kính hình con phượng, con thiềm thừ làm rất cầu kỳ công phu mang về treo giữa nhà.

Lũ trẻ chờ mâm cỗ cúng ông bà từ trưa hôm rằm. Mâm bát rổn rảng, băm chặt rộn ràng, mùi thơm nức mũi. Chờ mâm cỗ trông trăng bày vào lúc chiều tối với bánh nướng bánh dẻo, với những quả hồng ngâm, hồng chín có cái tai nhỏ xíu. Nải chuối tiêu to hết cỡ lốm đốm trứng cuốc, quả bưởi hanh vàng, quả cam ửng chín, quả na mở mắt dịu dàng thơm.

Chờ đợi nhất chính là Mặt trăng nhô lên từ phía sông Hồng ngào ngạt gió. Những đám múa sư tử đi vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm rộn ràng trống thúc, inh ỏi thanh la não bạt.

Những chú hề mặt tròn vành vạnh phưỡn rốn nghênh ngang chiếc quạt giấy có tua rua. Chúng rủ nhau tụ tập ngoài phố nô đùa chạy nhảy đến tận lúc phá cỗ.

Người lớn cũng tụ tập trong những phòng khách rộng rãi mở hộp chè tự ướp hương sen hồi tháng sáu ra pha một ấm. Hương sen ngào ngạt hòa với vị cốm xanh, nhấm nháp niềm vui cùng lũ trẻ.

Những năm chiến tranh phá hoại, sinh hoạt Tết Trung thu trên đường phố không còn duy trì được nữa. Không còn những đám múa sư tử và đèn màu thắp sáng quanh hồ. Những đứa trẻ may mắn đi sơ tán gần nhà được phụ huynh cho về Hà Nội chơi chỉ một ngày trong sắc màu xám xịt phố phường.

Mâm cỗ trung thu bày kín trong nhà anh chị em tự xem với nhau. Đó là những mâm cỗ tùng tiệm thiếu trên hụt dưới rất nhiều so với ngày hòa bình. Bánh nướng bánh dẻo được mua hai chiếc theo tiêu chuẩn bìa mua hàng gia đình. Nhà bốn năm người lớn đành nhịn ngồi xem lũ trẻ cầm miếng bánh nhọn hoắt mà đau lòng.

Chợ Hàng Mã thưa thớt vài chiếc đèn ông sao làm ẩu chỉ thắp chưa hết cây nến đã rơi rụng tan tành. Người lớn trầm ngâm ngồi trong bóng tối chiếc đèn dầu nhìn lũ trẻ mà thương đứt ruột.

Những đứa trẻ ở lại nơi sơ tán trong đêm trung thu có phần vui vẻ hơn với đám bạn làng. Tất nhiên những đồ chơi trung thu là thứ vô cùng quý hóa, rất ít đứa có được chiếc đèn ông sao giấy bóng kính trong suốt. Đèn tự làm ở nông thôn nhiều khi dán giấy báo nhuộm hồng tối mịt.

Đám trẻ gái mày mò cắt giấy tự làm những hình gà, hình chim vụng về đặt trong chiếc rổ lót rơm. Trẻ trai túm áo nhau chơi trò “rồng rắn lên mây” trên đường làng đẫm ướt ánh trăng. Cỗ bàn nông thôn chủ yếu chỉ có nhiều hoa quả mà hầu như không có bánh trái.

Hết chiến tranh lại tiếp theo thời kỳ bao cấp cực kỳ khó khăn. Lũ trẻ về phố học hành được hưởng tiêu chuẩn trung thu do Nhà nước bán phân phối về từng hộ gia đình.

Vẫn hai chiếc bánh một nướng một dẻo, bất kể gia đình ấy mấy con. Bánh do xí nghiệp nhà nước sản xuất nhưng hoàn toàn thủ công, nguyên liệu nhiều khi là bột, đường kém chất lượng, bở bục. Nhà nào dành dụm có tiền vẫn phải mua thêm bên ngoài.

Chẳng hiểu sao lúc ấy đến hoa quả cũng thiếu. Mâm ngũ quả nhiều nhà chỉ có duy nhất nải chuối.

Ở nơi vui chơi công cộng là Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố, các anh chị phụ trách phải nghĩ ra mâm cỗ trung thu tượng trưng.

Mâm cỗ to bằng hai cái phản đặt giữa bể bơi lấp xấp nước để ngăn lũ trẻ nhảy vào. Bánh trái hoa quả được làm bằng đất sét độn xốp bên trong và tô màu như thật. Vài đứa quá bé được phụ huynh bế đến “xem” cỗ, khóc ngặt nghẽo đòi ăn.

Nhưng kể cả thời hòa bình trước và thời bao cấp sau này vẫn còn duy trì được không khí của ngày Tết Trung thu - thứ mà bây giờ đã trở nên hiếm hoi.

Mâm cỗ trông trăng giờ rất ít nhà Hà Nội bày ra cho trẻ, đơn giản vì chẳng nhà nào còn đủ trẻ con để phá cỗ. Những sinh hoạt đường phố cũng không còn nhộn nhịp, có tính cộng đồng như trước.

Chợ Hàng Mã thiếu vắng nhiều đồ chơi dân gian tinh xảo. Người đi chợ cũng chỉ còn là đám thiếu niên đang lớn. Bánh trung thu bình dân sản xuất công nghiệp, nhân xay nhuyễn chỉ khác nhau cái vỏ hộp, bày bán đầy đường từ tháng trước, nhưng chẳng hiểu sao cả người lớn và trẻ con ít ai đủ can đảm ăn hết một cái.

Và ở thành phố bây giờ, người ta hình như quên hẳn vầng trăng rồi!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận