Công viên văn hóa Gò Vấp, TP.HCM nhiều năm nay vẫn trong tình cảnh tạm bợ, bỏ hoang - Ảnh: Q.ĐỊNH
TP.HCM hiện có 500ha công viên trong hơn 10.000ha đất được quy hoạch. Diện tích cây xanh bình quân trên đầu người thấp nhất khu vực nhưng tiến độ thực hiện các công viên rất chậm chạp. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách, mỗi năm diện tích công viên cây xanh chỉ thêm được... 10ha.
Hàng chục năm chưa xong
Được phê duyệt dự án từ năm 2001 và đã giải phóng mặt bằng từ nhiều năm trước nhưng đến nay công viên văn hóa Gò Vấp rộng hơn 37ha vẫn trong tình cảnh tạm bợ. Hiện công viên chỉ mở một cổng ra vào từ đường Nguyễn Văn Lượng, bên phải cổng còn một vựa ve chai lớn, xe tải đến - đi liên tục, các loại phế liệu nằm ngổn ngang. Theo con đường đi sâu vào công viên, bên trái là bãi đất với đám cây keo, cây chuối, tràm, có nơi thành chỗ đổ rác. Con kênh trong công viên đầy lục bình và cỏ dại.
Ngoài khu vui chơi cho trẻ em với vài ghế đá nghỉ chân thì phần còn lại của công viên gần như chưa được đầu tư gì. Tiếp giáp với bờ kênh là bãi hoang, chỉ có lối mòn do người đi câu cá tạo nên, không có biển báo nguy hiểm, không có lan can, thanh chắn...
"Đất công viên rộng nhưng không có tiện ích gì, người dân đến chủ yếu chỉ để dạo mát buổi chiều, xẩm tối lo về vì khu này vắng vẻ", bà Hoàng Vân, ngụ tại đường Nguyễn Văn Lượng, nói.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, công viên văn hóa Gò Vấp là một trong những hạng mục của dự án cải tạo hệ thống kênh Tham Lương. Hiện tại, khu vực này đã được bồi thường giải phóng mặt bằng xong, ban quản lý dự án trồng một ít cây xanh... để bảo vệ tránh người dân lấn chiếm, đổ rác chứ chưa hoàn thành các hạng mục theo thiết kế.
Theo thiết kế, công viên văn hóa Gò Vấp có hệ thống điều tiết, xử lý và thoát nước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự kiến sẽ tài trợ thêm (không hoàn lại) 5 triệu USD để hoàn thiện hướng đến việc tạo ra một công viên đa chức năng với vai trò thu hút và phục vụ hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao ngoài trời của cộng đồng.
Công viên sẽ có nhiều khu chức năng như khu công cộng với quảng trường đa năng, khu thể thao, khu thương mại, bãi xe, cầu vượt bộ hành... Gắn với dự án chính, công viên còn có chức năng thảm sinh học như kênh sinh thái dẫn nước, hồ sen sinh thái, làng hoa học tập cộng đồng...
"Theo tiến độ thì dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát đến năm 2028 mới hoàn thành, cũng thời gian đó, công viên mới hoàn thiện", đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cho biết.
Ngoài công viên văn hóa Gò Vấp còn dang dở, nhiều năm qua diện tích công viên trên địa bàn TP.HCM không tăng lên là bao. Theo Sở Quy hoạch kiến trúc thì mỗi năm, trung bình TP.HCM chỉ làm được gần 10ha công viên cây xanh, chủ yếu là cải tạo, phục hồi những công viên đã có sẵn chứ gần như rất ít làm công viên mới do ngân sách phân bổ cho việc làm công viên không nhiều...
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Quận huyện "nóng ruột"
Lâu nay, công viên cây xanh được xem là công trình công cộng, phải đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Nhưng trong danh sách các công trình cấp thiết cần đầu tư thì danh mục các dự án công viên luôn được xếp ở cuối hàng.
Vì vậy, nhiều công viên trên địa bàn TP.HCM được quy hoạch đã hàng chục năm nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch thực hiện. Ở nhiều quận, đất quy hoạch công viên lên đến vài trăm hecta nhưng công viên hiện hữu thì rất ít như quận 8, 12, Bình Tân...
Quy hoạch công viên phường Thạnh Xuân (quận 12) đã hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn là quy hoạch "treo" và từ 250ha ban đầu đã điều chỉnh giảm còn 150ha. Ông Đậu An Phúc, phó chủ tịch UBND quận 12, cho biết sắp tới, quận sẽ phối hợp với Sở Quy hoạch kiến trúc tổ chức thi ý tưởng quy hoạch 1/500 cho công viên này và sẽ trình UBND TP.HCM cơ chế để huy động vốn xã hội hóa.
Chờ nguồn vốn ngân sách quá lâu, một số quận huyện khác hiện cũng rất "nóng ruột". Ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết đang rà soát và báo cáo đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch công viên 140ha phường Tam Phú, cân đối để có được công viên vừa đảm bảo an sinh cho người dân. Phương châm của TP là làm nhanh nhất, ít tốn ngân sách và giảm tối đa khiếu nại của người dân.
UBND TP Thủ Đức cũng rà soát lại quỹ đất dành cho công viên cây xanh trong các dự án đầu tư nhà ở, đặc biệt là các dự án quy mô lớn, trong đó có công viên tại dự án của Công ty phát triển nhà Phú Nhuận tại phường Thạnh Mỹ Lợi với diện tích khoảng 10ha.
"TP Thủ Đức đang xây dựng đề án phát triển kinh tế dọc sông Sài Gòn tại các phường Thủ Thiêm, Thạnh Mỹ Lợi, An Khánh... có thể điều chỉnh quy hoạch theo hướng công viên cây xanh kết hợp các loại hình dịch vụ và đề xuất cơ chế để đầu tư công viên theo hướng xã hội hóa", ông Tứ nói.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết khuyến khích các quận huyện chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tìm phương án khả thi để đầu tư công viên cây xanh. Từ nay đến năm 2025, TP cũng đặt ra mục tiêu tăng diện tích đất công viên công cộng lên 150ha, tăng mảng xanh công cộng thêm 10ha. Riêng năm 2022 sẽ đầu tư xây dựng mới tối thiểu 10ha công viên công cộng và 2ha mảng xanh công cộng, thực hiện trồng mới và cải tạo 6.000 cây xanh.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đang trình UBND TP để ghi vốn đầu tư công trung hạn đầu tư xây dựng 8 công viên cây xanh với diện tích gần 19ha tại các địa phương như Củ Chi, Thủ Đức, quận 12...
Tất cả 8 công viên này đều đầu tư bằng nguồn vốn công với tổng vốn gần 330 tỉ đồng. Dự kiến, UBND TP sẽ trình HĐND TP bố trí vốn đầu tư trong kỳ họp vào tháng 7. Theo ông Dũng, các dự án này là những công viên cải tạo lại hoặc phần lớn diện tích đất đã có sẵn, không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân.
Công viên văn hóa Gò Vấp, TP.HCM đã bỏ hoang nhiều năm nay - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Xã hội hóa" được không?
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, các công viên phải quy hoạch trên khu vực đất trống, không có nhà dân và phải có ranh giới rạch ròi để không bị lấn chiếm, không cho chuyển mục đích thành đất khác.
Nhà nước có thể cắt ra 3/4 đất để xây dựng ngay công viên, phần còn lại có thể cho thuê ngắn hạn để kinh doanh các dịch vụ công cộng phục vụ cho công viên như tổ chức hội chợ, khu ăn uống, bãi để xe, khu vui chơi trẻ em, chợ đêm. Tiền thu từ cho thuê dùng để đầu tư lại cho công viên. Sau đó, Nhà nước lấy lại đất thuê để tiếp tục làm công viên giai đoạn sau...
Riêng quy hoạch công viên phường Thạnh Xuân do bị "treo" quá lâu nên đã phải điều chỉnh giảm diện tích 100ha, ông Nam Sơn cho rằng nếu muốn giữ 150ha còn lại thì phải đầu tư xây dựng càng sớm càng tốt. Theo ông, quận 12 quy hoạch khu vực bán kính 1km xung quanh công viên Thạnh Xuân thành khu phức hợp cao tầng.
"Một khi công viên được xây dựng thì giá đất những khu vực xung quanh cũng sẽ tăng cao. Những khu đất công trong bán kính 1km quanh công viên được đem bán đấu giá để làm hạ tầng và bồi thường cho người dân. Sau đó tiếp tục thu hồi đất để bán đấu giá...
Toàn bộ khu vực quanh công viên 150ha sẽ trở thành một trung tâm phức hợp cao tầng của quận 12, Nhà nước sẽ bỏ ra rất ít vốn ban đầu và thu được rất nhiều. Người dân được bồi thường xứng đáng sẽ ủng hộ Nhà nước", ông Nam Sơn phân tích.
Cùng quan điểm trên, kiến trúc sư Nguyễn Đình Hòa cho rằng khu vực xung quanh công viên phường Thạnh Xuân rất phù hợp để điều chỉnh quy hoạch, kêu gọi đầu tư. TP có thể lập ra một đơn vị để điều hành dự án cải tạo và phát triển đô thị theo hướng sử dụng tối đa nguồn vốn xã hội hóa, sử dụng tối thiểu vốn ngân sách.
Theo ông Hòa, nếu có kế hoạch cụ thể thì có thể giảm tỉ lệ vốn ngân sách đầu tư dự án công viên cây xanh phường Thạnh Xuân xuống một nửa, thậm chí có thể thu hút đầu tư 100% bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Kiên quyết xử lý công trình lấn chiếm công viên
Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định đối với các công trình xây dựng trong công viên nếu nơi nào không đảm bảo thì kiên quyết xử lý thu hồi, thu hẹp. Tuy nhiên ông Hoan cũng nhận định trong công viên thì nên có những tiện ích để phục vụ cộng đồng.
TP sẽ khảo sát, đối với các công trình có giá trị nên khuyến khích giữ lại, nếu chưa có thì khuyến khích đầu tư. Việc này giúp người dân khi đến với các công viên sẽ có những tiện ích phục vụ các nhu cầu cơ bản.
Biên Hòa nỗ lực trồng cây xanh để đạt chuẩn 10m2/người
Ông Huỳnh Tấn Lộc, phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai), cho biết thời gian qua, Biên Hòa đã nỗ lực trồng cây xanh ở nhiều nơi để đạt chuẩn hơn 10m2/người. Trong năm 2022, TP đặt ra mục tiêu trồng cây xanh ở nhiều khu vực với diện tích 10ha và hiện đã trồng ở khu công viên B5, khu tái định cư Bửu Long và dọc sông Đồng Nai.
Ông Lộc cho biết tỉnh Đồng Nai đã lên phương án di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Theo quy định, đồ án có các công trình, hạ tầng kỹ thuật thì việc quy hoạch cây xanh phải tối thiểu 10% trên tổng diện tích của dự án. "Hiện Khu công nghiệp Biên Hòa 1 còn phải di dời doanh nghiệp, đấu giá đất nhưng việc tạo mảng xanh cho khu vực này chắc chắn phải được địa phương tính toán", ông Lộc nói.
Trước đó, HĐND tỉnh Đồng Nai đã bổ sung danh mục các dự án thu hồi năm 2022, trong đó có việc thu hồi 324ha đất Khu công nghiệp Biên Hòa 1 để chuyển đổi công năng thành khu đô thị, thương mại và trung tâm hành chính của tỉnh. UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định đến cuối năm 2022 là thời hạn cuối cùng để tất cả các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 phải di dời để trả lại mặt bằng thực hiện dự án.
Tỉnh Đồng Nai cho rằng khu công nghiệp này hình thành từ năm 1963, thiếu hệ thống xử lý nước thải, gây ô nhiễm môi trường nên phải chuyển đổi công năng. Năm 2009, Chính phủ có văn bản đồng ý về chủ trương chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị, thương mại dịch vụ. Thế nhưng, do vướng về các chính sách, thiếu kinh phí để thực hiện nên dự án kéo dài nhiều năm qua. (H.MI)
Tạo thêm mảng xanh mọi nơi có thể
Người dân tập thể dục ở công viên Gia Định, TP.HCM - Ảnh: Q.Đ.
Trong khi chờ các công viên công cộng quy mô lớn, nhiều địa phương ở TP.HCM tận dụng các không gian sẵn có để trồng cây nhằm tăng mảng xanh, cải thiện môi trường.
Thực tế cho thấy thời gian gần đây từ đường phố đến các khu dân cư, hay các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện... cây xanh, hoa kiểng được trồng và chăm chút nhiều hơn.
Bờ kênh, bãi rác thành vườn hoa
Sống tại khu vực bờ kênh cuối đường 53, phường Bình Thuận, quận 7 đã 15 năm, bà Mai Thị Hạnh cho biết trước đây bờ kênh này bị lấn chiếm làm nhà tạm nên rất ô nhiễm và nhếch nhác.
Sau đó phường đã vận động di dời dân đi, bờ kênh được cải tạo thành công viên, có rào chắn. Từ một vị trí ô nhiễm một công viên mọc lên giúp cải thiện môi trường. Những cây non mới trồng cũng được người dân thay nhau chăm sóc, giữ gìn. Giờ đây trẻ em đã có chỗ vui chơi mỗi ngày, người dân có chỗ tập thể dục, trò chuyện.
Dọc đường ray xe lửa ở phường 13, quận Bình Thạnh gần đây "thay da đổi thịt" vì được người dân dọn sạch rác và trồng cây xanh hai bên. Đoạn đường sạch sẽ, có cây xanh thêm bảng "Cấm xả rác" làm chùn tay những người muốn đem rác ra đây bỏ.
Nhiều đoạn bờ kênh Hàng Bàng, quận 5 được cải tạo trở thành không gian sinh hoạt của người dân, công viên được trồng cỏ, cây xanh, vườn hoa được cắt tỉa gọn gàng. Các khoảng trống được bố trí ghế đá, đặt dụng cụ tập thể dục, các trò chơi trẻ em để người dân khu vực sử dụng.
Thực tế tại TP.HCM hiện nay, để xây dựng một công viên cây xanh quy mô công viên Tao Đàn, Gia Định... rất khó, mất thời gian. Vì vậy, lãnh đạo TP và các quận huyện đã tập trung phát triển các mảng xanh, công viên tại các khu dân cư, khu đất dọc kênh rạch, những khu đất đầu thừa đuôi thẹo ở góc phố... để tạo cảnh quan, tạo thêm điểm vui chơi, giải trí cho người dân.
Xanh từ đường phố vào công sở
Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết trong giai đoạn 2021 - 2025 TP.HCM sẽ có thêm khoảng 10 triệu cây xanh các loại. "UBND TP khuyến khích các cơ quan, đơn vị trồng cây xanh ở bất cứ nơi nào cây sống được như bồn hoa, sân thượng, lối đi để khi đến với các cơ quan hành chính, bệnh viện, trường học... người dân sẽ cảm nhận được bầu không khí tươi mát, dễ chịu, thoải mái", Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nói tại buổi lễ phát động trồng cây nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Bác Hồ hôm 19-5.
Một lãnh đạo UBND quận 12 cho biết trong năm 2021, quận đã đầu tư phát triển 25 mảng xanh trên địa bàn các phường, trồng mới 839 cây. Tính đến thời điểm hiện tại toàn quận có tổng cộng 36 công viên cây xanh, 54 mảng xanh công cộng. Ngoài ra, quận cũng phát triển cây xanh trong 7 khuôn viên ở các trụ sở, nhà truyền thống và trồng phủ cây xanh vỉa hè trên 69 tuyến đường.
"Trong năm 2022 chúng tôi sẽ trồng mới cây xanh trên các tuyến đường cặp kênh rạch và vỉa hè với số lượng 610 cây, trồng thêm 2.898 cây bổ sung trong công viên, mảng xanh trên các khu đất công. Quận vận động người dân và các nguồn vốn xã hội hóa để chỉnh trang, hoàn thiện dần các khu đất công đã trồng cây xanh để phát triển thành công viên hoàn chỉnh", vị lãnh đạo quận 12 nói.
TP Thủ Đức cũng đặt mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh từ nay đến năm 2025. Vào chủ nhật đầu tiên của tháng, các địa phương đều tổ chức trồng cây và hiện đã trồng hơn 350.000 cây. Các khu vực công sở, bệnh viện, trường học cũng được vận động trồng thêm cây xanh để điều hòa không khí, tạo sự xanh mát. (LÊ PHAN)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận