Giá vàng trong nước biến động mạnh sau khi NHNN điều chỉnh tỉ giá. Trong ảnh: giao dịch tại một cửa hàng vàng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Sau khi NHNN Điều chỉnh biên độ tỉ giá, lập tức giá USD trên thị trường đã vọt lên gần đụng trần 22.100 đồng/USD, giá vàng cũng đu theo...
* Ứng phó với rủi ro từ bên ngoài
Ngay sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) mạnh nhất trong vòng ba thập kỷ qua, ngày 12-8, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh biên độ tỉ giá từ ±1% lên ±2%. Ngay lập tức giá USD trên thị trường đã vọt lên gần đụng trần 22.100 đồng/USD, giá vàng cũng đu theo, riêng chứng khoán sụt giảm mạnh...
Việc Ngân hàng (NH) Nhà nước tăng tỉ giá, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu mừng vì được lợi hơn một chút, nhưng DN nhập khẩu, các bà nội trợ lại lo hàng tiêu dùng sẽ tăng giá.
Giá USD gần đụng trần
Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, ngay sau khi NH Nhà nước nâng biên độ tỉ giá USD/VND, giá bán USD tại các NH đã đồng loạt tăng lên sát trần. Tuy nhiên đến cuối ngày, giá bán USD đã giảm khá mạnh. Cụ thể, tại Vietcombank giá bán USD ngày 12-8 có thời điểm lên đến 22.100 đồng/USD, nhưng đến 13g20 giảm về mức 22.090 đồng/USD, giá mua vào ở mức 21.990 đồng/USD.
Tại các NH khác, giá USD cũng diễn biến trái chiều. Tại NH ACB có lúc giá bán USD chỉ còn 22.060 đồng/USD, thấp hơn giá bán USD tại các NH khác ở cùng thời điểm từ 20-30 đồng/USD nhưng đến chiều giá bán USD lại đi lên, đạt 22.090 đồng/USD, cao hơn 30 đồng/USD so với giá bán của Vietcombank. Tại Eximbank, cuối ngày giá bán USD đứng vững ở mức 22.080 đồng/USD, giá mua USD nhích 10 đồng/USD so với buổi trưa, đạt 21.990 đồng/USD.
Như vậy so với mức trần cho phép là 22.106 đồng/USD, giá bán USD tại các NH vẫn đang thấp hơn từ 16-46 đồng/USD. Phó tổng giám đốc một NH có thế mạnh về xuất nhập khẩu cho biết thời điểm tăng tỉ giá, nhiều DN tỏ ra ngạc nhiên vì thông thường trước đây trước mỗi đợt điều chỉnh thường xuất hiện những dấu hiệu như thị trường căng thẳng, ngoại tệ khan hiếm nhưng lần này các NH vẫn niêm yết giá bán dưới giá trần, NH vẫn đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ.
Tại thị trường tự do, giá bán USD trưa qua tại một số tiệm vàng khu vực xung quanh chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) ở mức 22.100 đồng/USD, giá mua USD tiền mặt ở mức 22.000 đồng/USD. Đến cuối ngày giá USD mua vào vẫn giữ nguyên nhưng giá bán USD giảm 20 đồng/USD so với buổi trưa, còn 22.080 đồng/USD.
Thời điểm buổi trưa, tại một số quầy thu đổi ngoại tệ phía cửa tây chợ Bến Thành, giao dịch khá nhộn nhịp, trong đó chủ yếu là người bán ra do USD tăng giá. Trong khi đó người mua rất ít.
Thêm một khoản lợi nhuận
Công ty giày Liên Phát (Bình Dương) hiện đã có hợp đồng xuất khẩu 1 triệu đôi giày sang các nước châu Âu và Mỹ đến tháng 2 năm sau. Với giá hợp đồng đã ký kết, việc NH Nhà nước tăng tỉ giá VND/USD sẽ đem lại cho đơn vị này một khoản lợi nhuận.
Bà Trương Thúy Liên, giám đốc Công ty Liên Phát, cho hay do công ty thực hiện hợp đồng xuất khẩu giày theo phương thức gia công (nhà đặt hàng bao trọn gói nguyên phụ liệu), nên khi tỉ giá USD/VND được điều chỉnh thì công ty được “dễ thở” hơn.
Với giá gia công khoảng 3 USD/đôi, khi thanh toán hợp đồng, phần chênh lệch tỉ giá công ty được sẽ trên 1,2 tỉ đồng. “Tôi sẽ dùng khoản tiền dôi ra từ tỉ giá để bù đắp cho các chi phí sản xuất phát sinh tăng cao trong thời gian qua” - bà Liên cho biết.
Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN (Lefaso), việc tỉ giá vừa điều chỉnh chắc chắn sẽ không thể thay đổi được với các đơn hàng đã ký, hoặc những đơn hàng nguyên phụ liệu đang trên đường cập cảng tới VN. “Nhiều nhà sản xuất sẽ được hưởng lợi với tỉ giá mới thay đổi này” - ông Kiệt xác nhận.
Với ngành thủy sản, đa số các DN đều cho rằng việc điều chỉnh biên độ tỉ giá lần này sẽ giúp ích rất nhiều cho họ trong những tháng sắp tới.
Ông Trần Thiện Hải, tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Minh Hải (Cà Mau), cho biết hành động này thể hiện sự phản ứng kịp thời của Chính phủ đối với diễn biến đột ngột của Trung Quốc trong điều hành tỉ giá. Nếu không có tác động này, thủy sản VN sẽ khó lại càng khó trong những tháng cuối năm.
Theo ông Hải, từ đầu năm đến nay các quốc gia trên thế giới đã hạ giá đồng nội tệ của họ so với USD để tăng cường xuất khẩu. Tại VN, dù đã điều chỉnh tỉ giá nhưng đồng VN vẫn đang được định giá cao so với USD và với các đồng tiền của các quốc gia cạnh tranh về xuất khẩu của VN.
“Chẳng hạn mặt hàng tôm của Ấn Độ và Indonesia dù họ xuất khẩu không thấp hơn giá của VN nhưng do tỉ giá có lợi hơn nên tiền mà DN xuất khẩu của các quốc gia nói trên thu được khi quy đổi ra nội tệ là nhiều hơn so với DN VN” - ông Hải dẫn chứng.
Lo chi phí giá thành
Nhưng không phải DN nào cũng hưởng lợi khi giá USD tăng lên so với VND.
Ông Nguyễn Trí Kiên, giám đốc Công ty TNHH may túi xách Minh Tiến (Miti), cho biết trong cơ cấu sản xuất hiện nay công ty phải nhập khẩu đến 40% nguyên phụ liệu sản xuất từ Trung Quốc.
“Do phải thanh toán bằng đồng USD nên chắc chắn chúng tôi sẽ phải bị đội chi phí giá thành sản xuất lên, trong khi giá bán vẫn không tăng được mà sức mua tại thị trường nội địa hiện đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái” - ông Kiên lo lắng nói.
Còn ông Đàm Văn Hoạt, giám đốc Công ty TNHH Trại Việt (Vietfarm), cho hay các DN nhập khẩu sẽ phải trả nhiều tiền VN hơn để mua USD thanh toán cho các đối tác. Vì vậy, tăng tỉ giá sẽ tác động đến giá thành nhập khẩu nguyên liệu.
Tuy nhiên, ông Hoạt cũng cho biết việc điều chỉnh biên độ tỉ giá từ 1% lên 2% tác động không quá lớn đến giá nhập khẩu. Nhất là trong bối cảnh giá các loại nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc như bắp, đậu nành đã giảm rất thấp trong thời gian qua thì nếu có tác động đến giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng sẽ không ảnh hưởng đến giá thành chăn nuôi trong thời gian tới.
Với những DN nhập khẩu hàng tiêu dùng lại có nỗi lo riêng. Theo các công ty nhập khẩu thịt, với tỉ giá mới vừa áp dụng sẽ khiến giá thịt đưa từ nước ngoài về VN đắt hơn trước do các giao dịch phần lớn đều thanh toán bằng USD. Do đó, giá bán lẻ thịt nhập khẩu tại VN trong thời gian tới sẽ tăng nhẹ chứ không thấp như thời gian qua.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, mức tăng giá USD trong đợt điều chỉnh này là quá nhỏ để tác động đáng kể đến cơ cấu giá bán thịt gà, heo và bò đang nhập khẩu về VN.
Chẳng hạn, 1kg thịt gà nhập về VN đang được bán ra với giá khoảng 1 USD (khoảng 21.500 đồng/kg), khi tính theo tỉ giá mới các DN nhập khẩu sẽ bán ra với giá 21.700 đồng/kg, tức là chênh lệch không đáng kể so với trước.
Bà Nguyễn Thị Hồng (phó thống đốc NH Nhà nước):
Ứng phó với rủi ro từ bên ngoài Ngay sau khi NH Nhà nước điều chỉnh biên độ tỉ giá từ ± 1% lên ± 2%, chiều 12-8, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi nhanh với Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Giải thích về lý do điều chỉnh, bà Hồng nói: - Việc tăng biên độ tỉ giá là để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỉ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế. Từ đầu năm đến nay, trên thị trường quốc tế có nhiều diễn biến nằm ngoài dự báo của các tổ chức quốc tế và trong nước. Chẳng hạn giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, sự cộng hưởng của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất, sự suy thoái của kinh tế châu Âu và cuộc khủng hoảng kinh tế Hi Lạp đã làm cho đồng USD tăng giá cao hơn nhiều so với dự kiến của Fed. Ngay từ đầu năm, NH Nhà nước cũng dự báo sẽ có những diễn biến bất thường ảnh hưởng bất lợi đến tỉ giá, xuất khẩu của nước ta nên đã chủ động điều chỉnh phá giá VND 2%. Do vậy, thị trường ngoại hối và tỉ giá về cơ bản là ổn định trong hơn bảy tháng qua. Tuy nhiên việc đồng nhân dân tệ điều chỉnh giảm mạnh vừa qua là một cú sốc mới từ bên ngoài, kéo theo một loạt đồng tiền châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm. Trung Quốc và các nước châu Á lại là nhóm đối tác chiếm tỉ trọng thương mại lớn của VN, hơn nữa VN đang có nhập siêu lớn từ Trung Quốc nên việc giảm giá đồng tiền của các nước này sẽ tác động bất lợi tới tỉ giá và xuất nhập khẩu của VN. Do vậy, NH Nhà nước quyết định nới rộng biên độ tỉ giá từ ±1% lên ±2% để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỉ giá, cho hoạt động xuất nhập khẩu trước các tác động bất lợi trên thị trường. * Bà có thể nói rõ hơn tại sao lại điều chỉnh tăng biên độ tỉ giá mà lại không phá giá? - Như tôi đã đề cập, việc điều chỉnh tăng biên độ tỉ giá thêm ±1% sẽ tạo sự linh hoạt cho thị trường. Bởi vậy, việc nới rộng biên độ tỉ giá là động thái phù hợp, giúp tỉ giá linh hoạt hơn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đối phó tốt hơn với rủi ro và bất ổn của thị trường quốc tế. * NH Nhà nước sẽ thực hiện các giải pháp gì để ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối thời gian tới, thưa bà? - Sắp tới, NH Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỉ giá và thị trường ngoại tệ trong biên độ quy định, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp. |
* Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu:
Xuất khẩu được hỗ trợ Việc NH Nhà nước nới rộng biên độ biến động tỉ giá nhằm bù trừ cho “cơn sóng thần của thị trường tiền tệ” đến từ Trung Quốc (TQ). Quốc gia này đã liên tục phá giá đồng NDT trong hai ngày liên tiếp. Đây là điều chưa bao giờ xảy ra trong vòng 20 năm vì chính sách của TQ là ổn định tỉ giá. Động thái của TQ khiến tất cả hàng hóa của nước này rẻ hơn, qua đó bổ trợ cho xuất khẩu. Tuy nhiên nó cũng gây ra tác động ngược là thu hút nhập khẩu hàng hóa của TQ. Ở “sát vách” TQ, việc phá giá liên tục của TQ sẽ khiến hàng hóa TQ tràn vào VN qua nhiều kênh nhưng ngược lại nó tác động xấu đến xuất khẩu của VN, nhất là xuất khẩu vào TQ vì hàng hóa của VN sẽ đắt đỏ hơn. Trong tình thế này, nếu NH Nhà nước tiếp tục neo giá VND so với USD tức VND lên giá so với NDT thì nhập siêu từ TQ sẽ càng trầm trọng thêm. Việc NH Nhà nước tăng tỉ giá thêm 1% là nhằm bù trừ với NDT, dù tỉ lệ này còn thấp hơn nhiều so với mức độ mất giá của NDT. * Ông Andy Ho (giám đốc điều hành VinaCapital Vietnam Opportunity Fund - VOF):
Sẽ đỡ gánh nặng lạm phát cho VN Khi đồng NDT yếu đi, giá hàng nhập từ TQ về VN sẽ giảm khiến lạm phát ở VN ngày càng giảm đi. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế TQ giảm sẽ dẫn đến nhu cầu nhập nguyên vật liệu từ thế giới giảm kéo theo giá xuống. Nhờ vậy dự báo VN sẽ nhập được hàng hóa, nguyên vật liệu từ thế giới với giá thấp hơn sẽ đỡ gánh nặng lạm phát. Vấn đề là VN nên làm gì với bước đi đó? VN thực chất chưa phá giá mà chỉ nâng biên độ dao động để bảo đảm giúp hàng xuất khẩu VN không mất sức cạnh tranh. Theo tôi, trong bối cảnh đó, giải pháp nằm ở các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bởi có thể giúp đỡ VN xuất khẩu trong bối cảnh tiền đồng bị cao giá. Đây là giải pháp cực tốt khi mà sức cạnh tranh của hàng VN bị giảm sút so với hàng TQ trên thị trường quốc tế. * Chị Nguyễn Ngọc Thư (38 tuổi, làm việc tại phòng marketing Bệnh viện FV, TP.HCM):
Lo hàng nhập khẩu sẽ đắt hơn Hiện đang làm việc cho công ty nước ngoài nhưng các khoản lương, thưởng đều được tính và trả bằng tiền đồng nên các đợt điều chỉnh tỉ giá không làm tôi quan tâm nhiều. Tuy nhiên, theo tôi được biết lý do Nhà nước điều chỉnh biên độ tỉ giá lần này như một cách tăng tỉ giá giữa VND và USD là từ ảnh hưởng của đợt điều chỉnh đồng nhân dân tệ của Trung Quốc hôm trước. Có lẽ từ giờ đi du lịch nước ngoài lại tốn tiền hơn một chút, kế hoạch chi tiêu cũng phải điều chỉnh lại để hợp lý hơn. Và có thể thời gian tới một số hàng nhập khẩu cũng sẽ đắt hơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận