Đường ống dẫn dầu của Iran bị máy bay Iraq ném bom phá hủy năm 1981 - Ảnh: Getty Images
Các bài giảng ghi trên băng cassette của Khomeini được phát tại các nhà thờ Hồi giáo đủ để hạ bệ một triều đại vốn tự cho là vĩnh cửu của quốc vương Iran Mohammad Reza Pahlavi.
Khủng hoảng dầu thô càng nghiêm trọng hơn do nhu cầu tăng mạnh và làn sóng hoảng loạn trên thị trường.
Tạp chí LA REVUE DE TÉHÉRAN
Dầu ngừng chảy từ Iran và Iraq
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Sherbrooke (Canada), nguyên nhân dẫn đến cú sốc dầu thô thứ hai là Cách mạng Hồi giáo ở Iran và chiến tranh bùng nổ giữa Iran và Iraq.
Giữa mùa hè năm 1978 tại Iran, các lao động ngành công nghiệp dầu mỏ bắt đầu tham gia đình công để ủng hộ Cách mạng Hồi giáo.
Ngày 1-10-1978, vào lúc các công nhân và kỹ thuật viên tại nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới Abadan (chế biến 600.000 thùng/ngày) đình công, ách tắc giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên vịnh Persic do các tàu chở dầu mòn mỏi chờ nhận dầu.
Đình công đã làm tê liệt nền kinh tế các nước công nghiệp lớn suốt 33 ngày. Trước tình hình đó, người đứng đầu Công ty dầu mỏ quốc gia Iran đã họp với ủy ban đình công và khẳng định chỉ giải quyết nhu cầu tài chính chứ không bàn đến nhu cầu chính trị. Sau đó, tổng đình công bùng nổ cả nước khiến sản xuất dầu thô ngưng trệ hoàn toàn.
Ngày 16-1-1979, vương triều Pahlavi sụp đổ. Quốc vương Iran cùng gia đình chạy ra nước ngoài sống lưu vong sau gần 40 năm tại vị. Các báo Iran xuất bản cùng ngày chạy dòng tít lớn ngoài trang bìa: "Nhà vua đã ra đi".
Tại thủ đô Tehran, sau khi loa phát thanh công cộng loan tin chế độ quân chủ sụp đổ, người người đổ ra đường ăn mừng. Một tháng sau, giáo chủ Khomeini về nước sau 15 năm tị nạn chính trị ở nước ngoài. Iran chính thức trở thành nước cộng hòa Hồi giáo vào ngày 1-4-1979 và Khomeini trở thành lãnh tụ tối cao.
Iran, với trữ lượng dầu lớn thứ tư chỉ sau Saudi Arabia, Venezuela và Canada, đảm trách cung ứng khoảng 10% sản lượng dầu thô thế giới (5 triệu thùng/ngày). Vào thời điểm Cách mạng Hồi giáo, Iran lại hạn chế sản xuất không quá 700.000 thùng/ngày chỉ để phục vụ nhu cầu nội địa.
Trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Iran cũng đã đổi bên. Thay vì tham gia cánh ôn hòa cùng với Saudi Arabia như trước, Iran chuyển sang nhóm cứng rắn hơn như Algeria và Libya - hai nước chỉ muốn đẩy giá dầu lên cao nhất có thể cho dù tình hình kinh tế thế giới có ra sao chăng nữa.
Chẳng bao lâu, chế độ mới ở Iran đã kêu gọi lật đổ tổng thống Saddam Hussein ở nước láng giềng Iraq để bành trướng phong trào Hồi giáo dòng Shiite sang Iraq (dòng Hồi giáo Sunni).
Tiên hạ thủ vi cường, Hussein quyết định động binh đánh Iran vào ngày 22-9-1980 và tuyên bố vô hiệu hóa hiệp định Algiers về giải quyết tranh chấp biên giới đã được ông Hussein và quốc vương Iran ký kết ngày 6-3-1975.
Dưới tác động tổng hợp của Cách mạng Hồi giáo Iran và chiến tranh giữa Iran và Iraq, sản lượng khai thác dầu thô của Iran và Iraq giảm mạnh và tác động nghiêm trọng đến thị trường dầu thô thế giới.
Mỹ và các nước Tây Âu tỏ ra lo lắng. Tại Mỹ, bộ trưởng Bộ Năng lượng tuyên bố Mỹ sẽ phải bắt buộc áp dụng các biện pháp cấp xăng dầu theo định mức nếu Iran không tiếp tục xuất khẩu dầu trở lại.
Các nước thành viên OPEC đã gia tăng khai thác dầu để bù đắp phần nào sản lượng thiếu hụt, nhưng rốt cuộc tình hình vẫn không ổn định.
Khủng hoảng dầu thô càng nghiêm trọng hơn trong bối cảnh làn sóng phục hồi kinh tế thúc đẩy nhu cầu dầu thô từ các nước công nghiệp phát triển tăng mạnh đến mức thị trường không đủ đáp ứng nhu cầu. Giá dầu tăng cao còn bị tác động bởi làn sóng hoảng loạn bao trùm thị trường.
Ngày 9-5-1979, xe hơi xếp hàng dài bên ngoài trạm xăng tại bang California (Mỹ) vào ngày đầu tiên hạn chế bán xăng - Ảnh: Getty Images
Cú sốc kéo dài gần ba năm
Khủng hoảng dầu thô bùng phát vào ngày 27-3-1979. 13 nước thành viên OPEC quyết định tăng giá dầu thô 9%, mức tăng mà họ cho là "khiêm tốn và vừa phải", và thêm các khoản phụ thu mà họ cho là hợp lý.
Các nước OPEC còn tố cáo các công ty dầu mỏ đã thu nhiều khoản thặng dư ngoài dự kiến không chính đáng. Sau đó, ba nước thành viên OPEC là Algeria, Libya và Nigeria thông báo sẽ áp khoản bù trừ bổ sung 4 USD/thùng.
Do nguồn cung thiếu hụt nên các nước giàu phải mua dầu trên thị trường chợ đen hoặc thị trường không chính thức. Bình thường chỉ 5% tổng số giao dịch được thực hiện trên thị trường chợ đen, thì năm 1979, thị trường này tập trung đến hơn 30% giao dịch dầu mỏ quốc tế.
Tạp chí La Revue de Téhéran (Iran) nhận định do các nước OPEC quan tâm nhiều hơn đến thị trường chợ đen nên OPEC mất dần quyền kiểm soát. Vào tháng 6-1979, OPEC quyết định để các nước thành viên tự định giá với điều kiện không vượt quá 23,5 USD/thùng.
Từ 3 USD/thùng năm 1970, giá dầu tăng lên 13 USD/thùng năm 1978, rồi trong vòng tám tháng từ tháng 9-1978 đến 5-1979 tiếp tục tăng đến 40 USD/thùng.
Năm 1980, một trật tự mới cho giá dầu thô được xác lập. Giá dầu chốt ở mức 30 USD/thùng sau năm 1980. Đến năm 1982, giá dầu mới trở lại bình thường. Khi giá dầu tăng gấp ba lần trong vài tháng, doanh thu dầu mỏ của OPEC tăng hơn 36 lần.
Cú sốc dầu thô thứ hai năm 1979 kéo dài gần ba năm hóa ra nghiêm trọng hơn cú sốc thứ nhất năm 1973. Các dòng xe nối đuôi chờ trước trạm xăng dầu đã trở thành hình ảnh quen thuộc gắn liền với cú sốc thứ hai này.
Chưa kịp hồi phục sau cú sốc thứ nhất năm 1973, các nước phát triển bước vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng. Lãi suất tăng 20%. Tỉ lệ thất nghiệp và lạm phát ở mức hai chữ số.
Cú sốc dầu thô đã biến dầu thô trở thành mặt hàng kém an toàn hơn và đắt tiền hơn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong những năm sau đó, các nước phương Tây đã phần nào đảo ngược tình thế thành công bằng cách thúc đẩy tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, khởi động các nhà máy điện hạt nhân ở châu Âu và Nhật để độc lập hơn về năng lượng, tiết kiệm năng lượng, tăng cường thăm dò các mỏ dầu mới và gia tăng sản xuất dầu tại nhiều khu vực khác trên thế giới như Mexico, Alaska, Biển Bắc.
Sau hai lần khủng hoảng dầu mỏ, OPEC đã mất dần quyền lực chính trị và kinh tế. Từ năm 1979, các cuộc đàm phán về giá dầu được thực hiện trên thị trường tự do và được xác định qua cán cân cung cầu để trở thành giá chính thức.
Từ năm này, giá dầu rất biến động, cả lúc lên cũng như lúc xuống. Thái độ bất đồng giữa các nước thành viên OPEC đối với nhu cầu thế giới sụt giảm là nguồn gốc của cú sốc ngược xảy ra vào năm 1986.
Mỹ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau vụ bắt cóc con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran vào ngày 4-11-1979. Do đó, Mỹ đã tạo nguồn dự trữ dầu chiến lược riêng, đồng thời tăng cường củng cố an ninh về nguồn cung dầu thô trên thị trường quốc tế, đặc biệt củng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ ở vịnh Persic.
Thêm vào đó, do xung đột giữa hai miền nam và bắc Yemen vào tháng 3-1979 và sự kiện quân đội Liên Xô tiến vào Afghanistan vào tháng 12 cùng năm, chính quyền Carter đã thành lập Lực lượng phối hợp triển khai nhanh (RDJTF) vào cuối năm 1979 với các điểm hỗ trợ ở vịnh Persic. Một năm sau, Mỹ tuyên bố vịnh Persic là khu vực có lợi ích quan trọng đối với Mỹ.
*********
Mùa đông năm 1986, giá dầu thô đang ở mức 30 USD/thùng bắt đầu tuột dốc thê thảm. Chỉ trong vài tháng, giá dầu đã giảm hơn phân nửa. Chuyện gì đã xảy ra vậy?
>> Kỳ tới: Giá dầu đảo chiều, kinh tế kiệt quệ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận