08/01/2014 07:58 GMT+7

Vẫn tuyệt vọng giấc mơ làm bố

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Tháng 5-1997, khi thực hiện hồ sơ “Chất độc màu da cam - sau 30 năm”, chúng tôi đã gặp một người lính trở về sau cuộc chiến mà chuyện đời của anh ngỡ không còn gì bi thương hơn. Anh là Lê Văn Lớp, quê ở xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà (Thái Bình).

oOvuvDhi.jpgPhóng to
Niềm vui của anh Lớp là những đồng đội vẫn không quên anh. Trong ảnh: Tấm bằng chứng nhận của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam với tám chữ “Trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội” anh không đọc được nhưng mỗi ngày đều sờ vào đấy để thấy ấm áp hơn - Ảnh: Ngọc Quang

Trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 31-5-1997, câu chuyện về anh Lớp được dẫn ra trang nhất: “Anh là bộ đội thời chống Mỹ, vợ là “phụ nữ ba đảm đang”, mười lần sinh con là mười lần quái thai, mười lần ngất xỉu, mười lần lặng lẽ mang con chôn cất một mình vì không ai dám nhìn... Bây giờ anh đã mù vì thương con, người vợ anh đã hóa điên vì tiếc con, tủi phận...”.

Nỗi đau nhân mười...

"10 đứa con bất thành nhân dạng, không đứa nào ở được với vợ chồng anh. Và cuộc sống của người chồng bị mù, người vợ hóa điên trong túp lều giữa vườn chuối rậm rạp ấy không mấy ai biết đến. Không chính sách, không chế độ, đớn đau ngập trong im lặng"

Chúng tôi vẫn còn nhớ lần tìm về nhà anh Lớp năm đó. Con đường từ ủy ban xã vào thôn Vải lổn nhổn sống trâu và ổ gà ngập ngụa bùn đất. Anh Bùi Đức Gói, chủ tịch xã, sau khi chỉ đường vào nhà anh Lớp, dường như không yên tâm, quay lại bảo một anh bảo vệ thôn: “Chú đi theo “bảo vệ” anh nhà báo này, nhỡ có chuyện gì!”. “Bảo vệ?”. Chúng tôi ngạc nhiên! Anh Gói nói: “Vợ chồng anh Lớp sinh 10 đứa con, quái thai hết cả, vợ anh Lớp hóa điên, thỉnh thoảng lên cơn bất thần, đập phá ghê lắm!”.

Cái gọi là “nhà” của vợ chồng anh Lớp là một túp lều rách nát lọt thỏm giữa vườn chuối um tùm, có cảm giác mình đang đứng đâu đó trong khu vườn từ đầu thế kỷ 20 trong những truyện ngắn u buồn của nhà văn Nam Cao chứ không phải đang ở một ngôi làng của Thái Bình sắp bước vào thế kỷ 21. Nghe tiếng đằng hắng, một người đàn ông đang vịn vào vách đất rờ rẫm lần ra. Cạnh bể nước, một người phụ nữ đang cầm quạt nan quạt lũ ruồi đậu trên mớ khoai lít nhít như ngón tay đựng trong rổ. Không hỏi tôi cũng biết ngay người đàn ông mù kia là anh Lê Văn Lớp và cái vẻ lơ ngơ lác ngác là chị Dung vợ anh. Nghe đánh tiếng, anh Lớp quay ra hỏi: “Ai đó?”.

Năm 1972, khi chiến trường ác liệt nhất, anh Lớp nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện, anh được đưa vào chiến trường Quảng Nam. Mấy năm trời chiến đấu vùng Tiên Phước, Quế Sơn, đánh dọc lên Tây nguyên rồi về vùng Mộ Đức, Quảng Ngãi. Chiến tranh kết thúc, anh Lớp may mắn trở về. Khám thương tật trước khi xuất ngũ, anh Lớp được xếp bệnh binh loại 4 vì thị lực giảm. Về lại xóm Vải, anh thanh niên đang độ cường tráng, đắp ruộng đào ao và mong cưới vợ. Có trong tay bốn sào ruộng, sáu ao cá, anh Lớp có “vốn” để tự tin đi dạm ngõ xin cưới chị Dung. Đấy là đầu năm 1977. Khi ấy anh Lớp chưa biết những thuốc khai quang, diệt cỏ hay dioxin đã ngấm vào mình trong những năm tháng chiến trường Khu 5 ác liệt sẽ đày đọa ước mơ của cuộc đời anh như thế nào...

Cuối năm ấy chị Dung chuẩn bị sinh con đầu lòng, anh đưa vợ xuống tận Bệnh viện huyện Hưng Hà, xách theo trứng gà, chuối tiêu, phấp phỏng hi vọng và tin tưởng chị Dung sẽ sinh cho anh một thằng cu giống anh như đúc. 12g đêm, từ phòng hộ sinh, cô y tá thét lên một tiếng rồi xỉu, chị Dung cúi xuống nhìn con rồi cũng thét lên và xỉu. Nhiều y bác sĩ chạy đến rồi lặng lẽ nhìn anh Lớp bước vào. Anh không khóc nổi, giỏ trứng gà rơi vỡ toang trên sàn gạch, anh bế thốc cái đứa con không đầu, tay chỉ là cái bàn tay mọc từ vai, không có chân và òa lên nức nở. Cứ thế ôm chạy từ bệnh viện về nhà. Cả làng không ai dám đến. Đến đứa con thứ ba vẫn y như thế. Dắt díu nhau đi chùa chiền cầu tự, xin may rồi đi Bệnh viện Bạch Mai, Viện 108. Mỗi chuyến đi chữa bệnh lại bán bớt một cái ao cá, bù lại là niềm hi vọng nhân lên. Nhưng vẫn là một điệp khúc đau đớn!

Lần vợ anh trở dạ đứa thứ tám, đúng vào đêm cơn bão số 5 (tháng 6-1986) tràn vào. Đưa vợ lên trạm xá, anh tất tả về lo chống căn nhà ọp ẹp sợ đổ. Chưa vào hẳn trong nhà thì... “ụp”, bão xô bức tường vôi sụp xuống đầu anh, đom đóm mắt bay loạn xạ rồi biến mất. Cú va chạm ấy làm anh mù hẳn đến nay. Anh lần ra đường kêu cứu, bà con trong xóm chạy tới dọn dẹp giúp nhà anh. 10 đứa con bất thành nhân dạng, không đứa nào ở được với vợ chồng anh. Và cuộc sống của người chồng bị mù, người vợ hóa điên trong túp lều giữa vườn chuối rậm rạp ấy không mấy ai biết đến. Không chính sách, không chế độ, đớn đau ngập trong im lặng.

JzaeFXYb.jpgPhóng to

Cơn gió chiến tranh thổi buốt cuộc đời

Bài báo về câu chuyện anh Lớp đăng trên Tuổi Trẻ ngày hôm trước thì hôm sau, Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lá thư gửi Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình đề nghị xác minh trường hợp này, nếu đúng như báo phản ánh thì cần có ngay các chế độ chính sách cho bệnh binh Lê Văn Lớp. Cuộc đời anh Lớp đã có “bước ngoặt” kể từ hôm đó.

17 năm sau khi viết bài báo ấy, nhân chuyến công tác ở Thái Bình tuần rồi, chúng tôi lại ghé thăm vợ chồng anh. Con đường từ xã vào thôn Vải đã được “bêtông hóa” theo chương trình nông thôn mới không bùn lầy nước đọng như năm nào. Vườn chuối um tùm cũng biến mất. Một ngôi nhà gạch tuy nhỏ nhưng sạch sẽ soi mình bên chiếc ao cá. Tôi cất tiếng: “Anh Lớp có nhà không?”. Thật kỳ lạ khả năng thẩm âm của người bị khiếm thị. 17 năm, vậy mà khi nghe tiếng, anh Lớp đọc đầy đủ tên họ của tôi như in: “Chú Lê Đức Dục báo Tuổi Trẻ phải không? Mười mấy năm nay muốn gặp chú mà không biết làm sao liên lạc!” (hồi đó, sau khi đăng câu chuyện về anh Lớp, tôi về lại Quảng Trị, phóng viên Võ Hồng Quỳnh đang thường trú tại văn phòng báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội đã trực tiếp về gặp lại anh Lớp để trao quà của bạn đọc hỗ trợ xây nhà, lập sổ tiết kiệm cho gia đình anh).

Anh Lớp run run mở cái hộp sắt đựng những vật dụng mà chúng tôi cho là chừng quý lắm anh mới cất cẩn thận vào đó. Thật bất ngờ, đó là tờ báo Tuổi Trẻ đăng bài báo về anh: “Số phận cay nghiệt của một người lính”. Tấm hình chụp kèm theo bài báo là anh và chị Dung. Nhưng hôm nay, trong căn nhà nhỏ của anh, người phụ nữ đang sống cùng anh lại không giống như trong ảnh.

“Chuyện dài lắm, 17 năm rồi mới gặp lại chú còn gì - anh Lớp nói giọng nghèn nghẹn - Hồi đó bạn đọc báo Tuổi Trẻ cho được 30 triệu đồng (thời điểm 1997), hai vợ chồng xây cái nhà này hết 15 triệu, còn 15 triệu mở sổ tiết kiệm, lấy tiền lãi chữa bệnh cho Dung, vợ tôi. Nhà xây xong khang trang, bệnh tình thần kinh của Dung cũng đỡ hơn nhưng nhà tôi lại suy thận. Thuốc thang hết sức nhưng đến năm 2001 thì vợ tôi mất, cả đời khổ sở, đến khi xây được cái nhà, có được chút tiền từ những người hảo tâm giúp đỡ thì lại không được hưởng, số nhà tôi là số khổ! Vợ chết, mình lại mù. Cái khổ vật chất thì chịu được nhưng cái khổ tinh thần nó ghê lắm chú ạ, giá mà có đứa con, nhà có tiếng người bi bô hôm sớm còn đỡ, đằng này cứ một mình, mù lòa chả đi được đâu”.

Thấy tình cảnh anh Lớp như vậy, mấy đồng đội cũ đến thăm động viên anh nên tiếp tục... đi bước nữa. Nhưng mà cũng không dễ dàng gì!

Anh Lớp lại rủ rỉ: “Hồi đó, sau bài báo của Tuổi Trẻ tôi được biết đến nhiều lắm, rồi đài truyền hình về quay phim, đưa lên tivi. Ai cũng biết tôi nhiễm chất độc da cam nặng, sinh 10 đứa quái thai cả 10 nên muốn đi dạm hỏi, ai cũng ngại, có cô còn bảo: “Lấy anh ấy, nhỡ sinh con ra như thế thì phải tội”. Thế nên dù anh em đồng đội, bà con xóm giềng động viên, nhưng hoàn cảnh tôi ra thế, tìm đến “đám” nào cũng bị tránh né. Rồi tôi cũng được nhà tôi đây xót thương mà về hôm sớm cùng nhau”. Anh đặt bàn tay lên vai chị Lịnh, người đã thay thế chị Dung về làm bạn cùng anh trong căn nhà cô quạnh. Chị Lịnh vốn cũng là bộ đội công binh, khi phục viên về làng cũng là chỗ bạn thân thiết với chị Dung. Những ngày chị Dung trọng bệnh cứ nắm tay chị Lịnh mà bảo: “Nếu tao chết mày cố về sống với anh Lớp, chăm anh ấy giúp tao”. Nhưng chị Lịnh cũng không dám thực hiện lời trăng trối của người bạn mình ngay. Chị vẫn ám ảnh câu chuyện 10 đứa con của bạn.

Nhưng rồi không thể chịu nổi hình ảnh anh Lớp chiều chiều ngồi khóc bên hiên nhà vì nhớ vợ thương con, cuối năm 2002 chị Nguyễn Thị Lịnh về ở với anh Lớp. Khi ấy chị mới ngoài 40 tuổi, vẫn xinh xắn và khỏe mạnh như thôn nữ. Cưới vợ mới, giấc mơ khát khao có một đứa con trong anh Lớp lại bùng lên, dù anh vẫn chưa nguôi ám ảnh quá khứ. Chị Lịnh vẫn còn sinh nở được. Vậy rồi năm 2003 chị Lịnh có thai. Hai vợ chồng lại khấp khởi mừng, khấp khởi hi vọng nhưng cái thai đã không giữ được. Năm sau nữa, lại hi vọng, nhưng niềm hi vọng của hai vợ chồng lần này đã bị tắt hẳn. Bác sĩ bảo không thể nào. Và giấc mơ làm bố của anh Lê Văn Lớp - người cựu binh đại đội tên lửa chống tăng B72, trung đoàn 371 thuộc Bộ tư lệnh Pháo binh - sau gần 40 năm kể từ ngày hòa bình vẫn mãi là giấc mơ.

Chiều cuối đông. Những cánh đồng châu thổ Bắc bộ dường như cho cái cảm giác rét buốt tê tái hơn cả thực tế. Nhưng trong căn nhà ở thôn Vải, xã Hòa Tiến (Thái Bình) ấy, cơn gió chiến tranh dường như buốt hơn những cơn gió ngoài trời, thổi hun hút qua cuộc đời người cựu binh Lê Văn Lớp!

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên