Phóng to |
Hơn 38.000 công nhân của Công ty Freetrend (chủ đầu tư là người Đài Loan) tại Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức, TP.HCM đã quay trở lại hoạt động sau hai ngày phải ngừng sản xuất - Ảnh: Đ.Dân |
Các doanh nghiệp (DN) cũng kêu gọi VN tiếp tục ổn định môi trường đầu tư, đồng thời sớm thực hiện các biện pháp hỗ trợ để những DN bị ảnh hưởng trong sự cố vừa qua nhanh chóng ổn định sản xuất.
Hỗ trợ doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất
Đại tá Hồ Văn Mười - phó cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư thuộc Tổng cục An ninh 2 (Bộ Công an) - cho biết đang chỉ đạo khẩn trương tập trung điều tra các đối tượng lợi dụng để gây rối, đồng thời chỉ đạo công an địa phương tiếp tục thu hồi tài sản bị mất để trả lại doanh nghiệp. |
Trao đổi với các DN nước ngoài tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phụng - phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) - cho biết Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp cụ thể về mặt tài chính để hỗ trợ DN ảnh hưởng vừa qua. Cụ thể, cho phép các DN được chậm nộp thuế, được gia hạn tiền nợ thuế và thuế phát sinh trước ngày 30-4, các DN nhập nguyên liệu máy móc thiết bị để khắc phục sự cố trong thời điểm này cũng được giãn thuế trong thời gian ít nhất 60 ngày. Với những tờ khai thuế giá trị gia tăng trong nội địa cũng cho phép DN có phát sinh thì chưa phải nộp ngay. Đây là giải pháp cho DN vay nợ tiền thuế để giảm bớt gánh nặng về tài chính.
“Về thuế thu nhập DN, DN nào có thiệt hại về tài sản, con người, máy móc tùy theo từng khoản sẽ được xử lý cụ thể. Có những khoản đã mua bảo hiểm thì bảo hiểm bồi thường, còn không sẽ được tính vào chi phí kinh doanh để có thể được khấu trừ khi xác minh thu nhập chịu thuế” - ông Phụng nói. Ngoài ra, ngành thuế và hải quan sẽ giúp DN khôi phục thông tin dữ liệu đã bị mất, các DN cũng được hỗ trợ giảm tiền thuê đất trực tiếp từ nhà đất hay qua công ty hạ tầng.
Trong khi đó, ông Lê Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Lao động - tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết Chính phủ đã có nhiều biện pháp tích cực để hỗ trợ vấn đề tiền lương, tiền công cho DN. Cụ thể, đối với những DN ngừng việc trước ngày 25-3, DN tự trả lương cho công nhân trước, sau đó sẽ được khấu trừ vào thuế thu nhập DN. Đối với những DN gặp khó khăn chưa có điều kiện trả lương công nhân trong tháng 4 và 5, Nhà nước sẽ cho các DN này vay từ ngân sách địa phương, khi DN hồi phục sẽ hoàn trả...
Cam kết tiếp tục đầu tư
Phát biểu tại hội nghị, ông Theng Bee Han - chủ tịch Hiệp hội Thương mại Malaysia - cho biết vẫn rất tin tưởng vào môi trường đầu tư ổn định, an toàn và hiệu quả của VN. “Chúng tôi có 11 DN bị ảnh hưởng trong vụ việc đáng tiếc vừa qua, nhưng rất cảm kích những công nhân của VN đã đứng lên giúp công ty bảo vệ nhà máy” - ông Han nói. Theo ông Han, hiện mỗi ngày hiệp hội này vẫn liên tục nhận được điện thoại, email của DN hỏi về việc đầu tư vào VN, chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư vào thị trường này. Tuy nhiên, Chính phủ VN cần đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhằm giữ hình ảnh tốt đẹp về môi trường đầu tư của VN bấy lâu nay.
Ông Hiroto Hyakkoku - chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại VN - cho biết thời gian qua hiệp hội đã liên tục kêu gọi các DN Nhật đầu tư vào VN vì đây là môi trường đầu tư rất ổn định, an toàn và có kinh tế tăng trưởng tốt. “Tuy nhiên sau vụ việc vừa qua, dù VN phản ứng nhanh chóng nên giảm bớt thiệt hại nhưng cũng gây ảnh hưởng nhất định đến môi trường đầu tư. Chúng tôi kiến nghị cần có những giải pháp để ngăn chặn từ đầu những biểu hiện gây rối như sự cố vừa qua” - ông Hiroto nói.
Đại diện Hiệp hội DN Trung Quốc tại VN, ông Wang Hao đề nghị chính quyền tác động các công ty bảo hiểm nhanh hoàn thành thủ tục giải quyết thiệt hại, thành lập ban hỗ trợ các DN, đồng thời tiếp tục tăng cường bảo đảm vấn đề an toàn cho DN. “Chúng tôi tin Nhà nước VN sẽ làm tốt điều này để các DN Trung Quốc tiếp tục an tâm đầu tư” - ông Wang Hao nói. Theo ông Geoffrey Paul - chủ tịch Hiệp hội DN Hong Kong tại VN, giải pháp nhanh nhất để các DN nhanh chóng ổn định sản xuất là ngay sau khi chứng minh được thiệt hại, các công ty bảo hiểm sẽ chi trả ngay 50% và 50% còn lại chi trả dần.
“Việc cấp bách trước hết là vấn đề bảo đảm tiền lương cho công nhân trong tháng 5 và 6, đồng thời thành lập một ban hỗ trợ DN về các thủ tục hỗ trợ liên quan để phục hồi sản xuất. Ngoài ra, cần có các giải pháp ưu đãi về thuế để hỗ trợ tiền lương cho các DN thiệt hại nặng” - bà Nicola Connolly, chủ tịch Hiệp hội Thương mại châu Âu (EuroCham), nói. Theo bà Nicola Connolly, cần giãn thời hạn visa cho những chuyên gia nước ngoài đến đây hỗ trợ DN khôi phục sản xuất. Họ là những kỹ sư, chuyên gia ở các nhà máy mẹ đến để giúp khắc phục các máy móc hư hỏng.
Bình Dương thu hút gần 15% vốn FDI Thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương cho biết dự kiến ngày 4-6, Bình Dương sẽ trao chứng nhận đầu tư đợt 2 của năm 2014 cho 43 DN đăng ký mới và 38 DN tăng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn đầu tư là 258 triệu USD. Như vậy tính từ đầu năm tới nay Bình Dương đã thu hút được hơn 978,4 triệu USD vốn đầu tư FDI, tiếp tục là địa phương dẫn đầu (chiếm khoảng 14,8%) về thu hút FDI của cả nước. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Hùng Dũng, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Bình Dương, cho biết những biện pháp hỗ trợ tích cực và kịp thời của Chính phủ và các ngành chức năng địa phương sau sự cố vừa qua đã phần nào lấy lại niềm tin, hình ảnh đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư đã làm việc ở Bình Dương lâu năm vẫn tin tưởng và ủng hộ Bình Dương. Trong số các dự án sẽ được trao chứng nhận sắp tới, có rất nhiều DN mở rộng sản xuất với số vốn tăng thêm khoảng 131 triệu USD. |
Phóng to |
Chị Phạm Thị Hồng, chủ tịch công đoàn Công ty bao bì Việt Long, cho biết anh chị em công nhân công ty sẽ có nhiều hành động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất - Ảnh: N.T.Phúc |
Đồng Nai: vận động công nhân chung tay giúp đỡ doanh nghiệp thiệt hại
Chiều 30-5, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng Ban quản lý Khu công nghiệp huyện Nhơn Trạch gặp gỡ lãnh đạo các DN cùng công đoàn các công ty để bàn biện pháp vận động người lao động ủng hộ chủ đầu tư, các DN bị thiệt hại sớm ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần duy trì môi trường đầu tư của tỉnh. Theo đó, vận động công nhân viên lao động trong các DN bị thiệt hại chung tay giúp đỡ DN với nhiều hành động cụ thể như: đóng góp 1-3 ngày lương những ngày không đi làm, hoặc không nhận lương khi đi làm bù, làm tăng ca để DN không trễ hạn đơn hàng...
Tại buổi gặp gỡ, chị Phạm Thị Hồng - chủ tịch công đoàn Công ty bao bì Việt Long - cho biết sau sự kiện vừa qua, công nhân công ty phải nghỉ việc bốn ngày nhưng ban lãnh đạo công ty vẫn quyết định trả lương đầy đủ cho anh chị em. Các công nhân đã quyết định không nhận lương trong hai ngày nhưng phía lãnh đạo không nhận. “Trong thời gian tới, công đoàn công ty sẽ vận động anh chị em công nhân tăng ca, làm bù trong 1-2 ngày nghỉ... để đóng góp một phần nhỏ cùng công ty vượt qua khó khăn lúc này” - chị Hồng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận