25/12/2011 06:24 GMT+7

Vân tay bắt đầu vào cuộc sống

HỒNG NHUNG
HỒNG NHUNG

TT - Hiện nay đã có trên 100 quốc gia sử dụng hộ chiếu điện tử bằng công nghệ nhận dạng vân tay. Sử dụng vân tay được đánh giá là một giải pháp bảo mật hữu hiệu và xác nhận nhân thân chính xác. Tại VN, công nghệ vân tay đang đi vào đời sống với chấm công, điểm danh...

1RUWfH29.jpgPhóng to
Trong quý 2-2012, dự kiến sẽ có bốn ngân hàng VN triển khai bảo mật vân tay cho máy ATM - Ảnh: HỒNG NHUNG

Khác với mọi lần trước, bà Trịnh Thị Tố (ngụ đường Lý Tự Trọng) ra UBND phường Bến Thành, quận 1 (TP.HCM) để photo và chứng thực giấy tờ thì được cô cán bộ ở đây hướng dẫn bà chụp hình, scan chứng minh nhân dân và lấy dấu vân tay bằng máy quét vân tay.

Ban đầu bà chẳng hiểu phải thực hiện những thủ tục rắc rối này để làm gì, thế rồi sau khi được giải thích cặn kẽ, bà gật gù khen hay.

Bớt thủ tục hành chính

Tháng 11-2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử VN” với tổng dự toán đầu tư 1.024 tỉ đồng, thực hiện từ tháng 1-2011 đến tháng 12-2014.

Chỉ với một lần nhập dữ liệu này, những lần sau, nếu cần bản sao có công chứng chứng minh nhân dân hay hộ khẩu, bà Tố chỉ cần ra UBND phường, đến chiếc máy tính dành cho người dân, đưa ngón tay trỏ vào máy nhận diện vân tay, lập tức các thông tin cá nhân của bà sẽ hiện lên trên máy tính. Sau đó cần bao nhiêu bản sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân bà chỉ cần gõ số vào, lập tức máy sẽ cho bà biết lệ phí bao nhiêu, đồng thời dữ liệu này sẽ được chuyển đến cán bộ xử lý. Bà chỉ cần ngồi đợi kêu tên, đóng tiền và nhận giấy tờ ra về.

UBND phường Bến Thành hiện là đơn vị đầu tiên ứng dụng công nghệ sinh trắc học nhận diện vân tay vào phần mềm quản lý địa bàn dân cư nhằm số hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ và thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân.

Không chỉ thế, công nghệ nhận dạng vân tay đã được phường áp dụng luôn trong việc chấm công, quản lý việc mở cửa ra vào trụ sở UBND phường và quản lý việc dùng thiết bị điện.

Ông Lê Trương Hải Hiếu, bí thư Đảng ủy phường, cho biết để quản lý việc dùng máy lạnh, phường đã “độ” thêm bộ nhận dạng vân tay vào cầu dao máy lạnh. Hệ thống chỉ chấp nhận vân tay của sáu lãnh đạo phường để mở cầu dao máy lạnh. Mỗi lần quét vân tay, hệ thống sẽ lưu dữ liệu vào máy chủ và hằng tuần sẽ xuất báo cáo ai mở máy lạnh nhiều nhất, thời điểm mở máy lạnh...

“Việc này sẽ giúp mọi người ý thức hơn trong việc tiết kiệm điện” - ông Hiếu nói.

Chiếc chìa khóa an toàn

Trên thế giới, công nghệ sinh trắc học mà phổ biến nhất là nhận dạng vân tay đã được các nhà khoa học, nhà quản lý nghiên cứu và biến vân tay của mỗi người thành những chiếc chìa khóa riêng chỉ duy nhất một người dùng được.

Công nghệ quét và nhận dạng vân tay đã được ứng dụng trong lĩnh vực an ninh, bảo mật và quản lý thông tin cá nhân. Các thiết bị điện tử, tin học ứng dụng công nghệ này phổ biến nhất là máy tính xách tay, thiết bị lưu trữ USB, khóa cửa, máy chấm công và mới đây các ngân hàng cũng đã gắn máy đọc vân tay để gia tăng bảo mật tại các máy rút tiền tự động ATM.

Chuyên gia công nghệ thông tin Lê Hoàn cho biết khi ông đi định cư tại Mỹ, ngay khi làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay, hải quan đã yêu cầu ông quét vân tay và đối chiếu với vân tay lãnh sự quán tại VN đã chuyển qua để tạo hồ sơ cá nhân của ông. Dấu vân tay này được lấy một lần duy nhất để cấp số an sinh xã hội và sử dụng cho tất cả các dịch vụ công mà mỗi người dân sử dụng về sau.

Tại Mỹ, dấu vân tay không được in lên giấy tờ cá nhân để tránh bị làm giả mà lưu trong hệ thống máy tính dưới dạng mã hóa. Các dịch vụ công ở các cơ quan sở di trú, an sinh xã hội, cảnh sát, hải quan... dùng máy đọc vân tay để xác định chính xác người họ đang làm việc có đúng hay không.

Tại VN, ngoài các doanh nghiệp sử dụng vân tay để chấm công, nhiều trường đại học trên cả nước dùng công nghệ nhận dạng vân tay để điểm danh sinh viên. Ban đầu khi áp dụng công nghệ này, các trường, các doanh nghiệp vấp phải sự khó chịu của nhân viên, sinh viên, nhưng về sau người ta nhận ra việc này thuận tiện hơn điểm danh, chấm công bằng thẻ từ, thẻ bấm, bởi mỗi người sẽ chẳng bao giờ “để quên” vân tay của mình. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ vân tay ở VN vẫn còn hạn chế và mới tập trung ở khu vực tư.

Theo ông Nguyễn Tử Quảng - giám đốc Công ty cổ phần an ninh mạng BKIS, công nghệ nhận diện vân tay không mới, các đầu quét và đầu đọc vân tay đều được tích hợp sẵn trong nhiều sản phẩm như máy chấm công, khóa cửa, két sắt... bán rộng rãi trên thị trường, tuy nhiên việc sử dụng công nghệ này còn gặp khó khăn.

Theo ông Quảng: “Công nghệ này không khó, thiết bị đọc, nhận dạng vân tay sản xuất rất dễ và rất rẻ, nhưng để áp dụng trong dịch vụ công ở nước ta lại rất khó bởi nền tảng xã hội, hạ tầng công nghệ còn chưa được bài bản. Một ví dụ cụ thể là dự án chứng minh thư điện tử đã được Bộ Công an triển khai từ lâu lắm nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu”.

Công nghệ sinh trắc học là gì?

Rv0wJ3MT.jpgPhóng to
Ảnh: CHÂU ANH

Công nghệ sinh trắc học (biometric) là công nghệ sử dụng những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học riêng của mỗi cá nhân như vân tay, mống mắt, khuôn mặt... để nhận diện (ảnh). Đây là công cụ xác thực nhân thân hữu hiệu nhất mà người ta sử dụng phổ biến vẫn là nhận dạng vân tay bởi đặc tính ổn định và độc nhất của nó. Sự phát triển của công nghệ đã thay đổi từ việc lăn tay trên mực và lưu trữ trên giấy sang quét trên máy và lưu trữ kỹ thuật số.

Công nghệ nhận dạng vân tay hoạt động theo nguyên tắc: khi đặt ngón tay lên trên một thiết bị đọc dấu vân tay, ngay lập tức thiết bị này sẽ quét hình ảnh ngón tay đó và đưa vào hệ thống. Hệ thống sẽ xử lý dấu vân tay, chuyển sang dạng dữ liệu số rồi đối chiếu các đặc điểm của vân tay đó với dữ liệu đã được lưu trữ trong hệ thống. Nếu dấu vân tay này khớp với dữ liệu sẽ cho phép hệ thống thực hiện các chức năng tiếp theo.

HỒNG NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên