Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến cước vận tải hàng hóa. Trong ảnh: xuống hàng tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP.HCM vào sáng 4-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chưa kịp phục hồi sau dịch, giá xăng dầu tăng liên tiếp trong vòng một tháng qua đã giáng đòn nặng nề khiến nhiều doanh nghiệp (DN), trong đó có nhiều doanh nghiệp sản xuất, bị ảnh hưởng nặng nề. Không chỉ lợi nhuận bị "bào mòn", doanh nghiệp ứng trước nỗi lo với các đơn hàng đã ký trước nhiều tháng không thể đàm phán điều chỉnh tăng giá và có nguy cơ bị thua lỗ.
Chi phí nhiên liệu tăng mạnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một hãng bay cho biết chi phí xăng dầu chiếm 37% tổng chi phí. Thời điểm cuối năm 2021, giá nhiên liệu khoảng 90 USD/thùng nhưng nay 110 USD/thùng. Theo tính toán của hãng bay, chi phí một chuyến bay với máy bay thân hẹp Airbus A320, A321 một chiều chặng TP.HCM - Hà Nội sẽ tương ứng tăng thêm 16 - 19 triệu đồng/chuyến.
Dòng máy bay to A330, Boeing 787 sẽ có mức tăng cao hơn 1,5 - 2 lần so với máy bay thân hẹp. Như vậy, nếu bình quân một hãng bay khai thác 10 chuyến bay/ngày, chi phí nhiên liệu tăng thêm khoảng 160 - 190 triệu đồng. Trong khi đó, hàng không vẫn đang trong giai đoạn thấp điểm, thấp thỏm chờ "bung sức" bay quốc tế đón khách du lịch từ ngày 15-3.
Cũng theo vị này, trong giai đoạn kích cầu, tăng giá vé máy bay sẽ là rào cản lớn cho việc phục hồi nhưng giờ không tăng thì quá lỗ. Với tình hình chiến sự giữa Ukraine - Nga vẫn diễn biến phức tạp, dự báo tình hình giá nhiên liệu vẫn còn biến động.
"Đây là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm, không tăng giá tương ứng với mức tăng của nhiên liệu thì lỗ nặng" - một đại diện hãng nói.
Giá xăng dầu liên tục tăng mạnh đã tạo áp lực lên giá cả các loại hàng hóa - Ảnh: T.T.D.
Ông Trần Vĩnh Hà - tổng giám đốc Công ty Vĩnh Phát Motor (chuyên sản xuất, lắp ráp xe tải) tại TP.HCM - cho biết sức ép giá xăng dầu tăng cao khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp sẽ bị xáo trộn. Với nhiều đơn hàng vận chuyển linh kiện phụ tùng ôtô trong thời gian tới, Vĩnh Phát Motor cũng đang chờ đối tác logistics bàn bạc lại giá cước vận chuyển phù hợp với tình hình thực tế.
Khó kềm giá cước
Đại diện Công ty Phương Trang (Futa Bus) - doanh nghiệp vận tải hành khách có quy mô lớn tại Việt Nam - cũng kêu trời khi cho rằng giá xăng dầu tăng cao kỷ lục là "cơn ác mộng" của các DN vận tải. Dù không nói cụ thể tác động thế nào nhưng vị này cho biết áp lực đang đè nặng lên chi phí vận hành, kinh doanh khiến DN gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Đức Chí - phó tổng giám đốc Công ty CP Transimex, chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng lớn với khoảng 30 - 35% trong chi phí hoạt động của doanh nghiệp logistics. Xăng dầu tăng giá liên tục đã gây áp lực tâm lý rất lớn với cả doanh nghiệp logistics và khách hàng, trong khi việc tăng giá cước không phải là việc dễ dàng và cần có thời gian thương lượng với khách… Do vậy, doanh nghiệp logistics phải tìm cách giảm tối đa các chi phí liên quan.
Doanh nghiệp vận tải hành khách và doanh nghiệp vận tải đều đang kêu trời khi xăng dầu tăng giá - Ảnh minh họa: CÔNG TRUNG
Trong khi đó, ông Trần Văn Thành - tổng giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu (quận 12, TP.HCM) - dự đoán giá xăng dầu từ nay đến cuối năm vẫn còn tăng. Ngoài việc đàm phán điều chỉnh giá cước vận chuyển, ông Thành cho biết đang rà soát lại toàn bộ quy trình hoạt động vận tải của công ty để giảm chi phí giá thành, giá thành vận tải không đột biến như giá xăng dầu.
Theo ông Thành, để tối ưu khối lượng vận chuyển hàng Nam - Bắc, công ty tổ chức phân bổ nguồn hàng vận chuyển lẻ để chở theo hành trình, hạn chế chạy container rỗng ở chiều ngược lại. Ngoài việc "tự thân vận động", các doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng sớm giảm thuế, phí xăng dầu nhằm ngăn đà tăng của các sản phẩm này.
Tăng cũng khó, không tăng càng khó
Ông Tạ Long Hỷ - phó tổng giám đốc Vinasun - cho biết doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với xe khoán bởi giá xăng dầu tăng cao thì tài xế càng chạy càng lỗ. Nếu không tăng giá cước, doanh nghiệp sẽ phải hỗ trợ tiền xăng cho tài xế.
"Nếu không hỗ trợ, lái xe sẽ không chạy, doanh nghiệp càng chồng chất khó khăn. Nhưng doanh nghiệp cũng đang điêu đứng vì dịch bệnh, hoạt động lỗ triền miên hàng trăm tỉ đồng, lấy tiền đâu mà hỗ trợ tài xế", ông Hỷ than và đề nghị sớm giảm thuế, phí xăng dầu.
Theo ông Lê Duy Hiệp - chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), trong khi chi phí vận tải biển vẫn đang tiếp tục tăng, xăng tăng dẫn đến chi phí vận tải và giá thành hàng hóa tăng cao, đối tượng chịu thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng. "Khi chi phí vận tải cao, chắc chắn hàng hóa đến tay người tiêu dùng sẽ tăng giá. Điều này hoàn toàn không có lợi cho thị trường khi sức mua chưa hồi phục hoàn toàn", ông Hiệp khuyến cáo.
Hãng taxi thêm khó khăn chồng chất khi xăng dầu tăng giá - Ảnh: CÔNG TRUNG
Tăng cước là chuyện "cực chẳng đã"
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Minh Thắng, chủ nhà xe chạy tuyến cố định Hà Nội - Nam Định, cho biết dự kiến tăng 20% giá cước lên 85.000 - 90.000 đồng/lượt bởi vì nếu không tăng giá vé thì chỉ còn nước cho xe "đắp chiếu".
Đây là giải pháp cực chẳng đã trong bối cảnh giá dầu diesel tăng lên hơn 21.000 đồng/lít, tăng thêm gần 4.000 đồng so với cuối tháng 12 năm ngoái. "Giá vé qua trạm BOT được giảm một chút do thuế dịch vụ này giảm từ 10% xuống 8% từ ngày 1-2. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng cao suốt từ đầu năm đến giờ khiến DN vận tải chưa biết có phục hồi nổi không" - ông Thắng than thở.
Ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng xăng dầu là đầu vào quan trọng của gần như tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế - xã hội, đặc biệt là vận tải. Trong cơ cấu giá thành cước vận tải, chi phí xăng dầu chiếm tới 35 - 40% nên giá xăng dầu tăng liên tiếp 6 lần kể từ 2 tháng qua khiến các DN vận tải hàng hóa và vận tải hành khách kiệt quệ.
Theo các doanh nghiệp, việc tăng giá cước vận tải sẽ khiến tác động đến mặt bằng giá cả nói chung bởi vì mớ rau, con cá, cân thịt đến tận tay người tiêu dùng đều phải sử dụng nhiên liệu để chạy xe đi mua con giống, thức ăn rồi mang đến chợ, siêu thị.
L.THANH
Ông Nguyễn Đặng Hiến (tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh):
Doanh nghiệp sản xuất chịu áp lực lớn
Ngay sau khi xăng tăng giá vào ngày 1-3, doanh nghiệp đã nhận được thông báo tăng giá vận chuyển của hầu hết các đơn vị vận chuyển. Dù không thể phàn nàn với đối tác bởi xăng dầu đã 6 lần liên tiếp tăng theo giá dầu thô thế giới, nhưng doanh nghiệp cũng phải thương lượng để giảm 1 - 2% trên mức giá tăng mà đối tác đề xuất nhằm giảm áp lực lên sản xuất.
Trong thực tế, các doanh nghiệp sản xuất đang rất khó khăn và đứng trước áp lực lớn về chi phí khi giá nguyên liệu đầu vào "trên trời", chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa tăng cao trong khi sức tiêu thụ lại chưa phục hồi. Giá xăng tăng kéo theo giá cả hàng hóa dịch vụ tăng, trong khi thu nhập người dân vẫn còn khó khăn. Doanh nghiệp cũng đã tăng lương từ 7 - 10% cho người lao động nhưng "chưa thấm thía" với tình trạng trượt giá hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Bé (chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM):
Kìm giá xăng để thúc đẩy sản xuất
Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất ở TP.HCM đều chịu tác động tiêu cực bởi giá nhiên liệu tăng, tùy đặc thù của từng doanh nghiệp mà mức độ ảnh hưởng khác nhau, trong đó nặng nhất là doanh nghiệp chịu nhiều chi phí vận tải.
Do đó, Nhà nước cần sớm áp dụng các biện pháp giảm thuế, phí với mức giảm trên 50%, thậm chí mạnh hơn để hạn chế giá nhiên liệu tăng vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Cần nhìn nhận mặt tích cực của các chính sách này là kìm đà tăng của giá xăng dầu, góp phần hạn chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng… sẽ tạo nên nguồn thu mới.
N.HIỂN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận