Lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái của một siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN
Do thời hạn áp dụng giá mua bán cố định mới sẽ kéo dài trong 20 năm nhưng chỉ áp dụng cho các dự án đấu nối, vận hành thương mại đến hết ngày 31-12-2020, các doanh nghiệp (DN) sẽ phải chạy đua để được hưởng mức giá vừa ban hành.
Tính đầu tư thêm
Đầu năm nay, ông Lê Ngọc Rạng (huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất lắp đặt 6kW (diện tích mái khoảng 30m²). Bỏ ra gần 100 triệu đồng, đã phát điện lên lưới hơn 3.500kWh, do chờ giá mới nên ngành điện chưa thanh toán, ông Rạng cho biết với giá vừa ban hành, dự kiến ông nhận về gần 7 triệu đồng tiền bán điện và sẽ tính toán tiếp tục đầu tư nếu bài toán lợi nhuận khả quan.
Ông N.V.H. (Đắk Nông) cho biết gia đình tính đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái trang trại nuôi heo và phải vay vốn ngân hàng. Thời gian qua, do chưa rõ mức giá bán điện nên ông vẫn chờ chính sách. Nay đã có giá mới dù có giảm chút ít, ông H. vẫn quyết định đầu tư hệ thống với công suất lắp đặt 500kW và tính toán sẽ thu hồi vốn trong khoảng 6 năm do phát sinh lãi vay từ ngân hàng.
Xu hướng đầu tư điện mặt trời trên mái nhà vẫn khá tốt. Ngày 7-4, Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết chỉ riêng trong tháng 3, tổng công ty đã ký biên bản lắp đặt công tơ 2 chiều cho gần 600 khách hàng và tổng số khách hàng lắp đặt điện mặt trời đã lên đến 1.615.
Lũy kế đến tháng 3, tổng công ty đã thanh toán tiền mua điện mặt trời trên mái nhà cho hơn 4.000 khách hàng với gần 145 tỉ đồng.
Lắp đặt điện mặt trời trên tầng tượng cao ốc ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN
Chỉ còn 7 tháng để chạy đua
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Anh Vũ - giám đốc Công ty TNHH Nguồn năng lượng (Source Energy) - cho biết riêng với giá điện mặt trời trên mái nhà, dù không cao như kỳ vọng, song các hộ dân vẫn có thể lắp đặt bởi giá mua bán điện không giảm quá sâu trong khi chi phí thiết bị đã hạ so với trước.
Riêng doanh nghiệp của ông đã lắp theo dạng hình thức đầu tư bán lên lưới, công suất lắp đặt 100kW từ cuối năm ngoái, đến nay đã phát lên lưới 25.000kWh.
Ông Vũ nhận định giá mới sẽ vẫn thúc đẩy làn sóng đầu tư điện trên mái nhà ở hình thức hộ dân lẫn các cao ốc, mái nhà xưởng.
Tuy vậy, ông Vũ đánh giá quyết định có hiệu lực từ ngày 22-5 và kéo dài đến cuối năm, tức thời gian thực hiện chỉ còn hơn 7 tháng sẽ rất khó cho các nhà đầu tư lẫn các DN muốn lắp trên mái nhà xưởng. Theo ông Vũ, hiện nay tình hình dịch đang còn tiếp diễn đã ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt thiết bị, đặt hàng nhập khẩu.
Tương tự, ông Vũ Đình Khánh - giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển năng lượng HIGG - cũng cho rằng hiện nay nhu cầu lắp đặt điện mặt trời của người dân rất cao. Từ tháng 8-2019 đến nay, DN của ông đã lắp đặt hơn 100 công trình điện trên mái nhà, tổng công suất lắp đặt khoảng 1,5MW dù chưa có giá mới. Số lượng công trình sẽ thực hiện ngay sau khi có giá mới này cũng rơi vào khoảng 3,5MW và DN này dự kiến đầu tư hơn 10MW công suất lắp đặt ở các tỉnh.
Tuy vậy, ông Khánh cho rằng cái khó hiện nay là số lượng thiết bị chỉ đủ cho vài chục kWp, nếu nhiều hơn DN phải đặt hàng và thời gian trung bình 20-30 ngày mới có. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, thời gian đặt hàng có thể kéo dài hơn trong khi thời gian hưởng chính sách khuyến khích chỉ kéo dài đến ngày 31-12 là khá ngắn.
Chính sách đã có, ông Khánh đánh giá thị trường lắp đặt điện mặt trời ở miền Nam sẽ sôi động trở lại và đây sẽ là cuộc chạy đua nước rút để hoàn thành trước khi chính sách hết hiệu lực.
Hệ thống điện mặt trời đã hoạt động tại một cao ốc ở Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN
Ông Thái Huy Đức - giám đốc Công ty CP đầu tư Điện Xanh - cũng cho rằng công ty của ông sẽ dồn nguồn lực phát triển các dự án điện áp mái đã lên kế hoạch nhằm kịp hưởng giá ưu đãi, và ông Đức dự đoán giai đoạn này sẽ sôi động không kém thời điểm trước 30-6 năm ngoái.
Tuy vậy, ông Đức cũng băn khoăn đến đầu năm 2021 khi chính sách hết hiệu lực, các doanh nghiệp điện mặt trời sẽ làm gì và phát triển ra sao bởi chính sách rất ngắn hạn, trong khi thời gian chờ ban hành chính sách mới kéo dài rất nhiều tháng.
Trong khi đó, ông Phạm Hữu Hiển - giám đốc Công ty CP Đầu tư năng lượng Bình Phước - cho rằng người dân cần thận trọng khi đầu tư điện mặt trời trên mái nhà và tính toán kỹ tính hiệu quả. Theo ông Hiển, những đối tượng có thể đầu tư điện mặt trời đó là những hộ dân sử dụng nhiều điện vào ban ngày hoặc các nhà máy, cao ốc văn phòng hoặc các nhà xưởng.
1.943 đồng/kWh
Theo Bộ Công thương, mức giá mua điện mặt trời áp mái mới trên dù giảm 143 đồng so với giá cũ nhưng là mức giá hợp lý, phù hợp với xu hướng giá thiết bị, công nghệ giảm và giúp giảm áp lực lên giá điện bán lẻ.
* Ông Bùi Trung Kiên (phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM):
Ký hợp đồng ngay với nhà đầu tư
Trên địa bàn TP đã có 856 dự án điện mặt trời trên mái nhà với công suất lắp đặt là 16,24MW, tiến hành lắp đặt trong quý 1 dù Chính phủ chưa ban hành giá mua điện mặt trời mới.
Từ năm 2019 đến nay, tại TP đã có 6.407 công trình điện mặt trời mái nhà nối lưới với tổng công suất lắp đặt là 81MW. TP.HCM có tiềm năng về nắng, có rất nhiều DN sở hữu diện tích mái nhà xưởng lớn, có số đông hộ dân có nhà ở kiên cố và có điều kiện tài chính nên rất thuận lợi để phát triển điện mặt trời mái nhà.
Bên cạnh ưu đãi về giá mua điện, quyết định của Thủ tướng Chính phủ còn quy định hợp đồng mua bán điện có thời hạn 20 năm kể từ ngày hệ thống đưa vào vận hành, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư. Vì vậy, tôi cho rằng quyết định này sẽ tiếp tục là lực đẩy để điện mặt trời mái nhà phát triển mạnh thời gian tới.
Tổng công ty Điện lực TP.HCM sẽ đồng hành cùng các chủ đầu tư thực hiện ngay việc kiểm tra điều kiện nối lưới, lắp đồng hồ 2 chiều và ký kết hợp đồng mua bán điện mặt trời ngay khi khách hàng yêu cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận