Nội dung trên được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo cơ chế, chính sách giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững, tầm nhìn năm 2050 do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 28-7.
Là một trong những nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Việt Dũng - phó chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Halcom Việt Nam - bày tỏ sốt ruột khi Quy hoạch điện 8 sau một thời gian dài mới ban hành, đến nay vẫn chưa có kế hoạch triển khai thực hiện.
Nhà đầu tư sốt ruột chờ chính sách
"Việc chính sách kéo dài ảnh hưởng đến vòng quay vốn, ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư không muốn đầu tư nữa. Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thay đổi chính sách thế nào, hợp đồng mua bán điện sẽ cân bằng và hài hòa lợi ích hay không.
Hướng dẫn cụ thể về thực hiện Quy hoạch điện 8 vẫn chưa có, nếu kéo dài thì càng khó khăn, rồi cơ chế chính sách thu hút đầu tư thế nào cần phải rõ" - ông Dũng nói.
Đại diện dự án điện gió Thăng Long Wind thì cho hay là dự án duy nhất đã tiến hành khảo sát ngoài khơi. Dự án đã được phê duyệt trong quy hoạch và dự kiến sẽ nộp hồ sơ xin chấp nhận chủ trương đầu tư vào cuối năm.
Tuy nhiên điều quan ngại của chủ đầu tư là việc hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, nhà nước và người dân ra sao, đặc biệt là hiện nay việc triển khai vướng mắc liên quan đến đường dây truyền tải.
"Chúng tôi mong muốn được thí điểm lựa chọn nhà đầu tư xây đường dây truyền tải, vì làm đến 1,5 năm nay mà không thực hiện được" - vị này nói.
Đánh giá Quy hoạch điện 8 dù "có nhiều tiến bộ", song ông Nguyễn Quốc Thập - chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - bày tỏ nghi ngại về tính khả thi trong triển khai.
Nguyên nhân là do cơ chế điều phối triển khai thực hiện có bất cập, chưa bám sát vào nguyên tắc của thị trường.
"Trong quá trình triển khai dự án năng lượng đều mắc ở tất cả các khâu, xung đột lợi ích và khung pháp lý có khoảng trống.
Dẫn tới người chủ trì không quyết được, cứ đưa dự án xong lại yêu cầu quay trở về nghiên cứu và tiếp tục nghiên cứu" - ông Thập nêu.
Với hàng loạt các dự án điện chậm tiến độ trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia năng lượng, cho rằng có những khó khăn trong huy động vốn cho mỗi dự án lên tới hàng tỉ USD.
Xử lý dứt điểm tồn tại, bắt tay làm ngay quy hoạch mới
Nhiều dự án khó khăn về nguyên liệu khi nhập khẩu không ổn định, các thủ tục phức tạp, rủi ro như việc ký kết hợp đồng BOT, thiếu quy định hướng dẫn vay vốn ODA, chỉ đạo điều hành còn quyết liệt...
Việc không sớm giải quyết những vướng mắc và thúc đẩy dự án, sẽ khó đảm bảo cung ứng điện và việc cấp điện cho miền Bắc trong những năm tới sẽ có nhiều thách thức.
Từ thực trạng thiếu điện ở miền Bắc thời gian qua, ông Trần Viết Ngãi - chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho rằng cần sớm xử lý dứt điểm những tồn tại của những dự án trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, đẩy nhanh tiến độ các dự án này sớm đưa vào vận hành.
"Cần làm rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan, làm sao để dự án kéo dài trong nhiều năm mà chưa hoàn thành? Nếu không xử lý thì Quy hoạch điện 8 sẽ còn kéo dài chưa biết bao năm nữa.
Vì Quy hoạch điện 8 chỉ nêu tên danh mục, nhưng ai đầu tư, đầu tư thế nào thì chưa rõ? An ninh năng lượng là một trong những trụ cột rất quan trọng, nếu không làm thì nhiều năm nữa Việt Nam vẫn sẽ thiếu điện" - ông Ngãi cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận