16/04/2019 14:00 GMT+7

Văn phòng hạng A tái xuất ở khu trung tâm Hà Nội sau 5 năm vắng bóng

THÚY AN-BDS
THÚY AN-BDS

Thị trường văn phòng Hà Nội quý I-2019 chứng kiến giá thuê tăng nhưng công suất thuê giảm.

Văn phòng hạng A tái xuất ở khu trung tâm Hà Nội sau 5 năm vắng bóng - Ảnh 1.

Thị trường văn phòng Hà Nội quý I-2019 chứng kiến giá thuê tăng nhưng công suất thuê giảm. Ảnh minh họa: internet

Quý I-2019 cũng là thời điểm giá thuê thiết lập mức cao kỷ lục trong 5 năm qua, giá thuê gộp trung bình là 20 USD/m2/tháng, tăng 2% theo quý và 5% theo năm. Tăng trưởng giá thuê mạnh nhất là tại phân khúc hạng A. Một dự án hạng A mới và 3 dự án hạng B mới đã bổ sung thêm 81.000m2 nguồn cung văn phòng. Phân khúc hạng B và khu vực phía Tây tiếp tục duy trì nguồn cung lớn nhất. Trong khi công suất thuê và nhu cầu vẫn ở mức cao, giá thuê trung bình được dự báo sẽ tăng trong ngắn hạn do nhiều chủ đầu tư nâng giá. Khu vực trung tâm có mức giá thuê cao hơn nhưng khu vực ngoài trung tâm lại ghi nhận tăng trưởng giá thuê mạnh hơn. Hà Nội có 6.339 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 16,2% theo năm, với số vốn 52,6 nghìn tỉ VND, tăng 0,2% theo năm - đây là nguồn cầu lớn của thị trường văn phòng.

Ông Bùi Trung Kiên, Giám đốc bộ phận cho thuê thương mại cho biết với lợi thế về cơ sở hạ tầng (tuyến metro trong tương lai), việc kết nối giữa khu vực trung tâm - nơi có nguồn cung văn phòng chất lượng lớn nhất Hà Nội và khu phía Tây đang trở nên thuận tiện hơn. Khu vực cận trung tâm (khu phía Tây) đang trên đà trở thành một trung tâm hành chính kinh tế lõi.

Đáng chú ý, khu vực trung tâm chào đón dự án hạng A đầu tiên sau 5 năm. Hiện tại, thị trường ghi nhận hiện tượng không có diện tích trống lớn trên cùng mặt sàn trong các tòa nhà hạng A tại khu vực phía Tây và trung tâm ngoại trừ dự án mới là Thaisquare. Các tòa nhà hiện tại đều đã cũ và thiếu các tiện ích hiện đại trong khi các dự án tương lai gặp rào cản pháp lý và chi phí xây dựng cao do quỹ đất khan hiếm. Khách thuê có dự định mở rộng văn phòng có thể phải cân nhắc việc di chuyển đến khu vực khác hoặc các giải pháp chia sàn linh hoạt.

Bên cạnh đó, không gian làm việc chung đang ngày càng phổ biến với nhiều thương hiệu khác nhau như Regus, Up, Toong, Cogo, Tiktak, CEO Suite, Dreamplex và WeWork. Do không gian làm việc chung vẫn còn khá mới mẻ nên mức tăng trưởng được dự kiến sẽ còn mạnh mẽ trong những năm tới. Trong hiện tại và tương lai gần, Hà Nội sẽ đón nhiều không gian làm việc chung mới như Regus khai trương trung tâm mới tại Hà Nội dưới thương hiệu Spaces, Cogo mở rộng tại FLC Twin Towers, Sun Plaza Ancora và nhiều nơi khác, thương hiệu mới Rehoboth mở ba trung tâm tại Hà Nội (sau 2019), Toong tích hợp trong chuỗi khách sạn mới ‘Wink’ (sau 2019).

Đến năm 2020, thị trường dự kiến sẽ đón nhận thêm khoảng 392.000m2 sàn văn phòng. Khách thuê đang có xu hướng di chuyển từ khu vực trung tâm cũ (Hoàn Kiếm) đến các khu vực kinh tế mới - nội thành và phía Tây. Các yếu tố thúc đẩy nguồn cầu bao gồm cơ sở hạ tầng cải thiện (các tuyến đường sắt trên cao), sự gia tăng của những dự án thương mại và nhà ở, hay những diện tích thuê lớn với mức giá hợp lý. Nhu cầu đối với văn phòng làm việc có thể tăng tại các quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Long Biên, Hà Đông và Tây Hồ vì nguồn lao động lớn tại các khu vực này.

THÚY AN-BDS
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên