Nhà giáo Văn Như Cương vừa qua đời vào ngày 9-10-2017. Tưởng nhớ một nhà sư phạm đầy tâm huyết với giáo dục nước nhà, Tuổi Trẻ xin giới thiệu bài viết về ông của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.
Lương Thiện - Thế Lập - Vinh Quang
Tên tuổi thầy Văn Như Cương (1937 - 2017) được biết đến rộng rãi và ngày càng nổi tiếng từ khi thầy đứng ra lập ngôi trường dân lập Lương Thế Vinh ở Hà Nội.
Trước đó, thầy Cương dạy toán ở Đại học Sư phạm Vinh và Đại học Sư phạm Hà Nội, đã được sinh viên truyền tụng về học thức, cách dạy. Và rồi những câu chuyện truyền miệng về cách ứng xử, ứng đối của thầy trong cuộc sống thường ngày đã lan truyền từ học đường ra xã hội.
Nhưng chỉ từ khi thầy lập Trường Lương Thế Vinh để hiện thực hóa tư tưởng giáo dục, phương pháp giáo dục mà mình tâm huyết, nung nấu theo đuổi cả một đời nghề giáo, thì ba tiếng Văn Như Cương mới thành như một lời cửa miệng, một bảo chứng nghề nghiệp.
Học trò Lương Thế Vinh vây quanh người thầy yêu kính của mình - thầy Văn Như Cương - Clip: YouTube
Thầy Văn Như Cương ra đi, nhưng Trường Lương Thế Vinh còn lại. Từ năm 1989 đến nay, ngôi trường Lương Thế Vinh đã trở thành một giá trị giáo dục, được thử thách và khẳng định qua bao lứa học sinh ra trường. Đó là một mô hình dạy - học đã đứng vững và đang được hoàn thiện, bổ sung theo những đòi hỏi mới của cuộc sống.
Có lần tôi hỏi thầy Cương: Nếu phải nói vắn tắt về ngôi trường của mình, thầy sẽ nói gì? Thầy bảo: Lương Thế Vinh. Tôi ngạc nhiên. Thầy giải thích: Đó không chỉ là tên một nhà toán học giỏi của nước ta thế kỷ XV, mà cái tên đó còn là phương châm của trường ở thời hiện đại: Lương Thiện - Thế Lập - Vinh Quang.
Học sinh Trường Lương Thế Vinh phải là những con người tử tế, lương thiện, biết học tập và suy nghĩ độc lập; để khi ra đời lập thân tốt, vững vàng, dù làm việc gì cũng đem lại vinh quang, vẻ vang cho gia đình, xã hội.
Tôi hiểu cái chất đồ Nghệ trong thầy đã kích thích thầy chơi chữ, để tóm gọn cả một sự nghiệp đời mình như vậy. Trong một môi trường giáo dục như ở nước ta hiện nay, tạo ra một bầu không khí học đường trong sạch, vô nhiễm tuyệt đối là điều bất khả.
Thầy Văn Như Cương và Trường Lương Thế Vinh của thầy, cũng như một vài trường của các thầy cô khác, đã cố gắng tạo ra một bộ lọc của mình trong một môi trường như thế.
Một nhà Nho mang tâm hồn nghệ sĩ
Thầy Cương là một nhà giáo, một nhà sư phạm. Nhưng tự trong bản chất, thầy có phong thái của một nhà Nho, một ông đồ Nghệ mang tâm hồn nghệ sĩ. Do đó thầy cũng có chất gàn của máu nghệ - Nghệ An và nghệ sĩ.
Trong cách để râu tóc, cách chơi, cách dạy, cách làm giáo dục, tôi cảm tưởng thầy không sợ khác người, không sợ độc hành, mà chỉ sợ người khác hành độc. Nhìn thầy ngồi đánh cờ tướng râu tóc bạc xóa rung gió lòa xòa dáng tiên phong đạo cốt. Nghe thầy xướng xuất câu đối, thơ phú lại như thấy các thầy đồ xưa bình văn.
Thầy giao lưu rộng, được giới truyền thông săn đón, vì thầy cởi mở nói lên quan điểm, ý kiến của mình trước các vấn đề của xã hội nói chung, giáo dục nói riêng. Có thể nói, thầy cũng là nhân vật của truyền thông.
Giới văn nghệ cũng thích giao lưu với thầy, vì cái chất nghệ toát ra từ thần thái, phong điệu, nói năng. Thầy đã từng vào vai một ông lão xưa trong bộ phim điện ảnh Của rơi, dựng theo truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Việt Hà.
PGS Văn Như Cương trao đổi về chất lượng giáo viên tại buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc Tuổi Trẻ năm 2013 - Clip: Truyền hình Tuổi Trẻ
Có một lĩnh vực văn chương thầy Cương đem lại nhiều khoái hoạt, thích thú cho mọi người, đó là câu đối. Câu đối, một thể loại văn học trung đại, đòi hỏi trí óc phải mẫn tiệp, sắc sảo, học vấn phải dồi dào, tiếng Việt phải giỏi giang, khả năng ứng đối phải nhanh nhẹn, tinh nhạy. Thầy Cương dạy toán giỏi cả môn này.
Hồi còn dạy học ở tỉnh nhà, thầy Nguyễn Tài Đại, trưởng Ty giáo dục Nghệ An, ra một vế đối vui bằng những cặp từ lái, nói về khó khăn của thầy giáo thời bao cấp: "Thầy giáo tháo giày, tháo cả ủng, thủng cả áo, lấy giáo án dán áo".
Trong khi mọi người đang loay hoay nghĩ, thầy Văn Như Cương đã đối lại: "Nhà trường nhường trà, nhường cả hoa, nhòa cả hương, lĩnh lương hưu lưu hương".
Khoảng chục năm cuối đời, tết nào thầy Cương cũng có xuất đối mời bạn hữu đối cho vui, và thường thì "xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối" (câu đối của Mạc Đĩnh Chi, nghĩa là: "Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước" - TS), thầy lại phải đối lại mình.
Tôi nhớ cặp đối của thầy tiễn năm Tý đón năm Sửu: "Năm chuột qua, cháy nhà vẫn không ra mặt chuột/ Tết trâu đến, gảy đàn liệu có lọt tai trâu". Ai đọc cũng phải tấm tắc thấm thía.
Thầy Văn Như Cương có làm thơ, đã có lần tôi giới thiệu một chùm thơ của thầy trên tạp chí Thế Giới Mới. Thơ thầy giản dị, tình cảm, có những liên tưởng bất ngờ, độc đáo. Như bài thơ thầy viết khi về quê cõng mẹ:
Con sáu mươi cõng mẹ chín tư/ Mẹ ơi mẹ nhẹ thế này ư!/ Thôi con đừng có lo cho mẹ/ Mẹ sợ chân con sẽ mỏi nhừ.
Và đây là bài thơ thầy viết cho vợ:
Em cắm hoa tươi ở cạnh bàn/ Mong rằng toán học bớt khô khan/ Em ơi trong toán nhiều công thức/ Đẹp cũng như hoa lại chẳng tàn.
Thầy Văn Như Cương đã ra đi vào đầu ngày 9-10-2017, để lại sự ngưỡng mộ và tiếc thương cho đông đảo thầy cô giáo, học sinh, cho những ai chia sẻ và muốn tiếp tục phát triển ý tưởng giáo dục của thầy, và cho tất cả mọi người nghe danh thầy mà thích thú thầy.
Sự nghiệp và hình ảnh của thầy Văn Như Cương còn mãi ở đời.
"Văn như Cương, Toán cũng như Cương" - chân dung thầy tự họa sẽ được nhớ mãi.
Luôn phá cách và khác lạ
Những điều thầy Văn Như Cương phát biểu, lên tiếng tại Hội đồng Giáo dục quốc gia - mà nhiều năm thầy là một ủy viên, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trước những sự kiện, hiện tượng nổi cộm trong giáo dục đều có sức nặng, được lắng nghe, tranh cãi, bàn luận và khuấy động tâm trí mọi người.
Và không chỉ nói cho hả miệng (như một số người trên các diễn đàn), thầy đem những điều tâm huyết, tâm đắc ấy từ ý tưởng biến thành hiện thực trong ngôi trường của mình.
Cái cách thầy khai giảng năm học, thầy gửi thư cho học sinh, thầy giao lưu với đồng nghiệp, bạn bè đều không rập khuôn, máy móc, đều có phá cách, khác lạ.
Lễ viếng PGS.TS Văn Như Cương được tổ chức từ 10h30 đến 12h30 ngày 12-10-2017 (tức ngày 23-8 âm lịch) tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu vào hồi 12h30 cùng ngày. An táng tại Đài hóa thân hoàn vũ, nghĩa trang Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận