Sổ tay
“Văn nghệ Sông Cửu Long” - đứa con cần “giá thú”
Phóng to |
Trang chủ website vannghesongcuulong |
TTO - Trong khi Hội Nhà văn VN hay chi hội các vùng miền khác chưa làm được trang web cho mình thì www.vannghesongcuulong.org - website văn học nghệ thuật Đồng bằng sông Cửu Long do Ban Liên lạc Hội Nhà văn VN tại Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện có thể xem là thành tựu đi trước khá “hoành tráng”.
Trang web với hơn 600 đề mục khác nhau giới thiệu đủ các thành viên của 13 tỉnh đồng bằng, với tất cả lĩnh vực văn học - nghệ thuật: văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, khảo cổ…
Có thể tìm thấy ở đây tác phẩm của các tác giả đồng bằng quen thuộc: Lê Chí, Trịnh Bửu Hòai, Hoài Vũ, Nguyễn Trọng Tín, Phan Trung Nghĩa, Võ Đắc Danh, Nguyễn Ngọc Tư…Và có thể click vào mục âm nhạc để nghe lại những bài ca nổi tiếng của đất phương Nam: Dạ cổ hoài lang, Tình anh bán chiếu...
Tuy nhiên, từ ngày xuất hiện - tháng 6-2004 - đến nay, trang web này vẫn bị xem là “đứa con ngoài giá thú”, do Ban Liên lạc tại ĐBSCL không có tư cách pháp nhân để nhận thêm tài trợ, bán tác phẩm… - điều kiện quan trọng để có kinh phí tồn tại. Càng không có bộ phận để nhận bài vở đưa lên mạng và chỉ chờ các nhà văn tự đưa lên. Trong khi đa số các nhà văn của chúng ta… chưa rành vi tính, lại càng ít “dính líu” tới Internet, kết quả là từ tháng sáu đến nay, nhiều đề mục vẫn còn trống hoặc vẫn chỉ có vài thông tin ít ỏi.
Để khắc phục tình trạng này, một cuộc họp do Ban Liên lạc và báo Văn Nghệ chủ trì vừa được tổ chức qui tụ một số nhà văn của đồng bằng và cả TP.HCM, với mục đích kêu gọi cộng tác tin bài thường xuyên và tiếp thêm những sáng kiến để trang web có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn.
Hưởng ứng , nhà thơ Lê Giang hứa sẽ “cống hiến” một phần kho tư liệu sưu tầm về văn nghệ dân gian, còn nhà văn Lê Thành Chơn thì gửi tặng... hai cuốn tiểu thuyết mới in.
Tuy nhiên, với lượng đề mục quá lớn, chừng ấy vẫn quá ít, vẫn cần sự cộng tác sâu rộng, nhiệt tình hơn, nhất là của những người làm văn học - nghệ thuật các tỉnh đồng bằng. Cũng có ý kiến cho rằng, các cấp lãnh đạo của mỗi tỉnh cần nhìn thấy tầm quan trọng của trang web, tạo điều kiện cho Hội văn nghệ tỉnh nhà “thu gom” và gửi tác phẩm đến nhiều hơn.
Cuối cùng, dù không phải người đồng bằng, những người sáng tác trẻ ở mọi nơi đều có thể gửi tác phẩm lên trang web này, trong mục “Bút mới”.
HOÀI HƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận