Đây là lời nhắn nhủ của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng với các văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học, cũng như những mong mỏi của văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học với Đảng, Nhà nước tại "Hội nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Quý Mão năm 2023" diễn ra ngày 16-2 tại Hà Nội.
Dự hội nghị còn có Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà… và 210 đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Ban Tuyên giáo Trung ương. Bắt đầu từ năm 2023, hội nghị sẽ được tổ chức định kỳ vào dịp đầu xuân.
Tại hội nghị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã lắng nghe các ý kiến phát biểu đóng góp, kiến nghị của đại diện các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ để tháo gỡ khó khăn, ngày càng phát huy được vai trò quan trọng của đội ngũ này với sự phát triển của đất nước.
Lắng nghe văn nghệ sĩ, trí thức mọi lúc, mọi nơi
Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Quốc Sĩ (giáo sư Đại học Năng lượng quốc gia Moskva, Liên bang Nga, chủ tịch Viện Công nghệ VinIT) đại diện cho tiếng nói của trí thức kiều bào đã có ý kiến phát biểu tại hội nghị.
Trong đó ông kiến nghị Đảng, chính quyền các cấp và toàn thể xã hội nên thể hiện thống nhất mọi lúc mọi nơi sự trân trọng, cầu thị, lắng nghe trí thức, chứ không phải chỉ chỗ này chỗ kia, lúc này lúc khác trân trọng, lắng nghe.
Trí thức kiều bào cũng rất cần được đánh giá khách quan, khen thưởng kịp thời, có chế độ đãi ngộ hợp lý.
Đặc biệt, ông kiến nghị Đảng, Nhà nước chú ý sử dụng lực lượng trí thức kiều bào trong số khoảng 5,3 triệu người tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 500.000 trí thức có trình độ đại học và trên đại học.
Cần có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa
PGS.TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam - nói cần thẳng thắn nhìn nhận rằng những thành tựu đạt được trong lĩnh vực văn hóa - văn học nghệ thuật trong những năm gần đây còn chưa thực sự tương xứng với những kỳ tích của dân tộc.
Nó cũng chưa đáp ứng được yêu cầu và sự kỳ vọng của nhân dân, của Đảng và Nhà nước, nghệ thuật bị nghiệp dư hóa, nhiều sự nhảm nhí lên ngôi…
Để khắc phục tình trạng này, ông "tha thiết đề nghị Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương cùng toàn xã hội tăng cường những giải pháp mạnh mẽ để chăm lo đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ", ông kiến nghị cần đặt toàn bộ sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam vào trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia.
Đã đến lúc cần thiết có một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, văn học nghệ thuật. Cần đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, tôn vinh tài năng và cống hiến của họ…
NSND Trịnh Hồng Lựu (Nghệ An) cũng mong có sự quan tâm cơ chế chính sách cho văn nghệ sĩ, trí thức… để có công trình xứng tầm hơn.
Văn nghệ sĩ, trí thức giữ cốt cách như tùng như bách
Phát biểu tổng kết hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhận định các ý kiến phát biểu hôm nay đều hay, sâu sắc, giàu cảm xúc.
Thường trực Ban Bí thư vui mừng khi các ý kiến đều bày tỏ niềm vui trước những dấu ấn mà đất nước đạt được trong thời gian qua, cùng những dự cảm tốt đẹp, những đề xuất thiết thực, có ý nghĩa cho năm 2023.
Ông hoan nghênh, biểu dương đóng góp quan trọng của trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ vào thành tựu chung của đất nước những năm qua. Đồng thời trân trọng cảm ơn, đánh giá cao và ghi nhận những kiến nghị, đề xuất xác đáng.
Ông cũng đề nghị văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học tiếp tục tận tâm, tận hiến, giữ vững cốt cách tinh thần như tùng, như bách, sẵn sàng gánh vác trọng trách trong tương lai, vì một nước Việt Nam phồn thịnh, hạnh phúc.
Văn nghệ sĩ cần được Đảng, Nhà nước "đầu tư niềm tin"
Không kiến nghị đầu tư về tài chính, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nêu mong mỏi của các nhà văn, nhà thơ đó là được Đảng, Nhà nước "đầu tư lòng tin" vào họ.
"Đặt lòng tin của Đảng và Nhà nước vào các nhà văn là sự đầu tư lớn nhất, quan trọng nhất. Đầu tư đó sẽ tạo ra cảm hứng lớn nhất, tạo ra sự thấu hiểu lớn nhất cho các nhà văn. Khi chúng ta đặt lòng tin thì họ sẽ mở lòng tất cả, bày tỏ tất cả và dấn thân", ông Thiều nói.
Đầu tư thứ hai mà các nhà văn cần là không gian sáng tạo.
Ông Thiều nói đó không phải ngôi nhà, biệt thự, trại sáng tác đầy đủ khách sạn mà không gian sáng tạo ấy là không gian tự do sáng tạo. Chưa bao giờ các nghệ sĩ được quyền sáng tạo, được quyền bày tỏ, được quyền phản biện như bây giờ, nhưng họ mong muốn không gian sáng tạo lớn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận