Tham gia chuyến về nguồn này có 35 văn nghệ sĩ ở 9 hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM.
Văn nghệ sĩ TP đã xúc động tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của tàu không số vào bến sáng 28-11 tại Vũng Rô do tỉnh Phú Yên tổ chức.
Bản hùng ca những chuyến tàu không số
Có thể nói Đường Hồ Chí Minh trên biển với những chuyến tàu không số như bản hùng ca, là nghĩa tình của hậu phương miền Bắc chi viện vũ khí, thuốc men, hàng hóa... tiếp sức cho chiến trường miền Nam trong những năm dài chiến tranh đánh đuổi quân Mỹ xâm lược.
Từ năm 1961 đến năm 1975 đã có biết bao chuyến tàu không số kiên trung, vượt bao bủa vây của quân địch để tiếp tế cho miền Nam. Khởi đầu từ bến Hải Phòng, rồi cập các bến Vũng Rô (Phú Yên), Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau.
Trong buổi lễ, văn nghệ sĩ đến từ thành phố mang tên Bác đã có dịp lắng nghe những tâm sự của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, thuyền trưởng tàu 41, đã cập bến Vũng Rô 3 lần, mà lần đầu tiên vào ngày 28-11-1964.
Ở tuổi 90, ông Thạnh vẫn thể hiện sự dẻo dai và minh mẫn khi nhớ về ký ức hào hùng. Ông nhớ lại 3 lần tàu vào bến là ba lần đấu trí căng thẳng tột độ giữa ta và địch.
Để che mắt địch, chúng ta phải ngụy trang thành tàu đánh cá, chiến sĩ đem lưới ra vá, đem cá ra phơi, người thì cầm chai vờ như là chai rượu gọi bạn xuống... nhậu!
Khi tàu cập bến cũng phải ngụy trang và chọn thời điểm để có thể qua mắt địch. Trong thời gian ít ỏi phải nhanh chóng vận chuyển mấy chục thậm chí cả trăm tấn vũ khí, hàng hóa lên bờ để thuyền kịp rời đi.
Khi bị phát hiện, chiến sĩ ta anh dũng nổ chìm tàu để xóa dấu vết.
14 năm trường kỳ như thế, Đường Hồ Chí Minh trên biển thật sự là kỳ tích của quân ta. Biết bao người đã nằm xuống giữa lòng biển lạnh để bảo vệ những chuyến hàng từ Bắc vào Nam. Và khúc ca bi tráng đó xứng đáng được người ngàn sau ghi nhớ mãi.
Cảm xúc mãnh liệt từ những huyền thoại
Ông Lê Nguyên Hiều, chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM, cho biết liên hiệp đã tổ chức cho văn nghệ sĩ đến Vũng Rô khoảng 2, 3 lần. Lần nào cũng có những cảm xúc rất mãnh liệt.
"Mỗi lần đi là mỗi lần thêm một tư liệu quý cho các nghệ sĩ bổ sung vào những tác phẩm của mình.
Việc đến trực tiếp những nơi sự kiện lịch sử đã diễn ra, nghe trực tiếp tâm sự của những nhân chứng sống sẽ có tác động mạnh mẽ hơn vào tình cảm của văn nghệ sĩ.
Chẳng hạn, tôi đã nghe ông Hồ Đắc Thạnh trò chuyện nhiều lần nhưng lần nào cũng cảm thấy thú vị và lại có thêm thông tin mới" - ông Hiều chia sẻ.
Từ những chuyến đi này mà biên đạo Lê Hải đã dựng một tác phẩm rất xúc động về những chuyến tàu không số tham gia Liên hoan múa TP.HCM mở rộng. Soạn giả Đăng Minh bày tỏ qua những chuyến đi này ông thấy hồi xưa khó khăn, thiếu thốn đủ thứ nhưng quân đội ta quyết tâm rất cao để bảo vệ đất nước.
"Cứ đi như vậy mình càng yêu quý, kính trọng tiền nhân, và thấy có trách nhiệm sáng tạo ra những tác phẩm để ghi nhớ công ơn của họ. Từ những chuyến đi về Vũng Rô, hải đảo mà tôi đã viết vở Hải đội Hoàng Sa được giải B và Đoàn cải lương Hương Tràm dàn dựng, biểu diễn rất thành công trong nhiều năm.
Ngoài ra còn có vở Hồn biển từ những sự kiện có thật về cuộc chiến bảo vệ biển đảo của hải quân Việt Nam" - ông Đăng Minh chia sẻ.
Ngoài tham dự sự kiện tại Vũng Rô, đoàn văn nghệ sĩ TP.HCM do bà Dương Cẩm Thúy, phó chủ tịch liên hiệp, giữ vai trò trưởng đoàn đã dẫn đoàn đến các địa chỉ lịch sử cách mạng ở Phú Yên như Địa đạo Gò Thì Thùng, Nhà thờ Bác Hồ ở cao nguyên Vân Hòa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận