Phóng to |
Thí sinh trao đổi sau khi thi xong một môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại hội đồng thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
"Các trường tùy theo yêu cầu, đặc thù đào tạo có thể căn cứ vào kết quả thi phổ thông như một điều kiện ban đầu, sau đó có thể tổ chức thêm tiêu chuẩn kiểm tra khác" |
Từng là người tham gia xây dựng và đề xuất phương án đổi mới thi đầu những năm 2000, PGS.TS Đỗ Văn Chừng cho biết: “Vào cuối năm 2001, phương án đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ được trình Chính phủ. Ngay ở thời điểm đó, những người xây dựng đề án đã đặt lộ trình giai đoạn đầu đổi mới tuyển sinh thực hiện từ năm 2002 với phương thức thi “ba chung” và giữ ổn định cho đến khoảng năm 2007 thì chuyển sang giai đoạn 2, việc xét tuyển ĐH có thể chỉ cần dựa vào kết quả học tập THPT, trong đó có kỳ thi tốt nghiệp THPT, nghĩa là chỉ có một kỳ thi quốc gia duy nhất. Tuy nhiên, sau đó tôi được phân công nhiệm vụ khác. Ý tưởng về kỳ thi “hai trong một” đã không được thực hiện vì nhiều lý do khác nhau”.
* Thưa PGS, có phải tiêu cực trong thi cử là nguyên nhân khiến kỳ thi “hai trong một” không được thực hiện?
- Tôi cho rằng nếu quyết tâm làm thì vấn đề tiêu cực không phải là điều đáng ngại. Ở nhiều nước họ cũng chọn phương án một kỳ thi quốc gia để sử dụng kết quả thi phổ thông xét tuyển vào các trường ĐH. Cách đây khoảng 10 năm, khi tôi sang Nga làm nhiệm vụ quản lý lưu học sinh, tình cờ cũng là lúc bên Nga đang tính đến phương án rút gọn hai kỳ thi quốc gia xuống còn một kỳ thi. Và đến năm 2009 thì họ đã công bố môn thi của một kỳ thi quốc gia này. Có nơi chỉ sử dụng kết quả thi phổ thông như một điều kiện cần và có thêm những quy định tuyển chọn khác, có trường chỉ cần căn cứ vào kết quả thi phổ thông là cho học sinh ghi danh.
* Trong bối cảnh Bộ GD-ĐT đang xây dựng phương án đổi mới thi cử như một giải pháp đột phá trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, có ý kiến nhắc lại phương án “một kỳ thi quốc gia duy nhất cho hai mục đích”. Theo GS, trước những yêu cầu mới, việc này có thể thực hiện được không?
Việc tổ chức thi ở phổ thông cũng có thể thi nhiều môn, bài thi khác nhau để đáp ứng yêu cầu nhiều cơ hội tuyển sinh khác nhau. Ví dụ trường thiên về các môn khoa học tự nhiên có thể chỉ căn cứ vào kết quả thi các môn khoa học tự nhiên trong kỳ thi phổ thông của học sinh để xét tuyển điều kiện “cần”. Còn trường thiên về khoa học xã hội có thể chỉ căn cứ vào điểm thi các môn xã hội. Như vậy, tuy thi nhiều môn nhưng học sinh không bị áp lực vì việc xét đạt tốt nghiệp THPT sẽ nhẹ nhàng, còn học sinh có sở trường, học tốt môn học nào, có lợi thế tuyển sinh vào khối ngành gần với môn học đó chứ không nhất thiết phải có kết quả thi tất cả các môn cao như nhau.
* Nhưng thực tế VN có những khác biệt với thế giới, nhu cầu học ĐH sau khi tốt nghiệp THPT của học sinh quá cao, trong khi các trường ĐH lại không có sự sàng lọc trong quá trình đào tạo, việc này có thể nảy sinh tiêu cực trong kỳ thi phổ thông. Ông nghĩ thế nào về việc này?
- Kết quả thi phổ thông chỉ là điều kiện “cần”, trong khi các trường để đảm bảo chất lượng phải có cả điều kiện “đủ”. Vì thế tôi mới nhấn mạnh việc giao chủ động cho các trường xây dựng phương án tuyển sinh. Tới đây các trường cũng phải xây dựng và thực hiện cơ chế đào tạo sàng lọc tốt hơn. Trường ĐH Bách khoa Leningrad thường xuyên sàng lọc tới 30% số sinh viên trong hai năm đầu. Còn ở Trường ĐH Bách khoa Paris yêu cầu sinh viên học dự bị hai năm, nếu đạt mới được học tiếp, không đạt yêu cầu thì chấp nhận bị đào thải. Cơ chế đào tạo chặt chẽ thế thì không lo chất lượng có vấn đề. Việc đổi mới thi cử muốn có hiệu quả cần có sự điều chỉnh đồng bộ ở nhiều khâu, nhiều cấp. Giải quyết vấn đề tiêu cực trong thi phổ thông không chỉ ở khâu coi thi nghiêm mà còn phải đổi mới cách ra đề thi, hình thức thi. Việc tổ chức thi trắc nghiệm khách quan, ứng dụng công nghệ thông tin vào thi cử cũng là một cách để giảm tiêu cực.
PGS VĂN NHƯ CƯƠNG: Không thể nay thế này, mai thế khác Việc đổi mới thi cử được coi như đột phá khi giải quyết được những bức xúc đang tồn tại ở các kỳ thi quốc gia hiện nay: đó là sự tốn kém, nặng nề, nhiều tiêu cực. Nhìn thoáng qua phương án thi tốt nghiệp Bộ GD-ĐT đưa ra, có vẻ như có sự đột phá cho một kỳ thi nhẹ nhàng, không căng thẳng, giảm số môn thi từ sáu môn còn 4-5 môn. Song kỳ thực nếu đặt mục tiêu ngoại ngữ là môn cộng điểm thì hầu như ai cũng thi vì có 0 điểm cũng chẳng hại gì nên sự căng thẳng, tốn kém chẳng giảm được bao nhiêu. Chưa kể có lẽ bộ chưa lường trước được việc nếu triển khai theo phương án 1, hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn mà không đi kèm điều kiện gì sẽ khiến kỳ thi tốt nghiệp phải kéo dài số buổi môn thi, nghĩa là không bớt được tí nặng nề nào. Bộ GD-ĐT sẽ không thể tổ chức thời gian thi của bất kỳ môn tự chọn nào trùng nhau vì thí sinh có thể chọn môn thi bất kỳ. Việc tự chọn hai môn bất kỳ cũng sẽ dẫn đến xu hướng thắng thế việc lựa chọn các môn tự nhiên. Từ đó, các môn khoa học xã hội càng trở nên lép vế. Học sinh bước vào lớp 10 sẽ xác định học lệch luôn mà chẳng lăn tăn gì. Tại sao Bộ GD-ĐT không yêu cầu trong hai môn bắt buộc phải là một môn khoa học xã hội và một môn khoa học tự nhiên để có thể sắp xếp giờ các môn tự chọn thuộc khối khoa học tự nhiên cùng lúc và các môn khoa học xã hội cũng tương tự như vậy. Về ý kiến cá nhân, tôi không tán thành phương án 2 yêu cầu thi ba môn toán, văn, ngoại ngữ là bắt buộc và thêm một môn tự chọn. Nhưng để thực hiện phương án 1 thì cũng không nên xem ngoại ngữ là môn tính điểm ưu tiên, mà đưa thành môn tự chọn. Điều tôi quan tâm không chỉ với tư cách người thầy mà với cả tư cách phụ huynh là lần thay đổi này bộ xem là bước đầu thí điểm, còn những năm sau sẽ thay đổi thế nào? Đổi mới thi cử không thể nói hôm nay là ngày mai làm ngay. Học sinh lớp 12 đã bước vào học kỳ II mà cũng chưa biết mình sẽ thi tốt nghiệp thế nào thì quá thiệt thòi cho các em. Bộ GD-ĐT khi đưa ra đổi mới ít nhất phải cam kết đổi mới đó thực hiện trong ba năm, chứ không thể nay thế này, mai thế khác. Về lâu dài, việc thi hay xét tuyển ĐH không thể không căn cứ vào những bài thi tích hợp, một bài thi với những câu hỏi ở nhiều môn học. Nếu nói khả năng VN chưa thể làm đề thi tích hợp trong một bài thi thì có thể tích hợp trong hai bài thi. Nhiều người nói đến việc thống nhất hai kỳ thi quốc gia thành một kỳ thi cho nhẹ nhàng. Tôi cho rằng việc thực hiện đổi mới này còn tùy thuộc theo cách thi. Việc tổ chức thi tốt nghiệp như nhiều năm nay vẫn làm cho kết quả đỗ đến 98% thì tại sao không miễn thi đến 80%, chứ đặt điều kiện miễn thi 20% làm gì? Khi đó, thực chất coi như bỏ kỳ thi tốt nghiệp và cần một kỳ thi ĐH nghiêm túc để tuyển chọn người học ĐH. Cách thứ hai là lấy kết quả thi tốt nghiệp, kết quả THPT làm điều kiện xét tuyển vào các trường ĐH. Nếu làm theo cách này, không có hướng nào khác là phải tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT đổi mới hẳn so với trước, thực hiện một kỳ thi tốt nghiệp thật sự nghiêm túc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận