15/08/2017 15:27 GMT+7

Tranh Việt giả: Hoang mang thì tất cả phải coi lại mình!

VŨ VIẾT TUÂN thực hiện
VŨ VIẾT TUÂN thực hiện

TTO - Xung quanh việc các hoạ sĩ lo lắng khi nạn tranh giả vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra xử lý, trưa 15-8, hoạ sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT&DL) có cuộc trao đổi thẳng thắn với PV Tuổi Trẻ online.

Hoạ sĩ Vi Kiến Thành - Ảnh: MINH ƯỚC
Hoạ sĩ Vi Kiến Thành - Ảnh: MINH ƯỚC

* Ngày 11-8, tác giả Richard C. Paddock có bài viết trên tờ The New York Time với tựa đề: “”. Cảm nhận của ông ra sao về bài viết này?

- Tôi thấy bài báo đó đã cơ bản phản ánh tương đối chính xác vấn đề tranh thật, tranh giả ở VN.

Thực ra vấn đề tranh thật, đã nói đến từ lâu. Ai cũng phải thừa nhận đó là một vấn nạn có tác động rất xấu đến đời sống mỹ thuật, đặc biệt khi chúng ta đang hướng đến xây dựng một thị trường mỹ thuật trong nước.

Tôi vẫn thường nói thị trường mỹ thuật vừa là động lực vừa là mục tiêu của ngành mỹ thuật. Bởi vì một nền mỹ thuật muốn phát triển bền vững thì phải có thị trường mỹ thuật vươn ra quốc tế. Tôi tin những người làm mỹ thuật đều mong muốn điều đó.

Hiện nay, thị trường mỹ thuật cũng phải vận hành theo quy luật chung của kinh tế thị trường. Mà đã là thị trường thì

Vấn đề là chúng ta xử lý những phát sinh không tốt như thế nào?

Tôi cho rằng chúng ta phải thay đổi nhận thức từ các nghệ sĩ bán tác phẩm, các gallery phải thay đổi cách bán hàng. Người mua phải thay đổi cách mua. Cơ quan quản lý phải vào cuộc để xử lý.

Giai đoạn các nghệ sĩ và các gallery bán tác phẩm rất hồn nhiên theo cách chẳng có giấy tờ, văn bản gì đi kèm đã không còn phù hợp nữa.

Nếu vẫn tiếp tục duy trì những cách thức này thì hệ lụy sẽ còn kéo dài.

Còn người mua tranh có quyền đòi hỏi người bán là phải có hoá đơn, chứng từ chứ không thể chỉ là đưa tiền và nhận tranh.

Một tác phẩm khi mua bán cần thiết phải kèm theo hoá đơn bán hàng để chứng minh các giao dịch đã diễn ra.

Tác giả bán tranh phải có trách nhiệm với người mua khi kèm theo giấy tờ về xuất xứ, nguồn gốc, tác giả tranh.

Những giấy tờ này sẽ đi theo suốt lịch sử bức tranh.

Phải thay đổi, chứ nếu cứ hồn nhiên như lâu nay thì rất khó.

* Trong bài báo của The New York Time có nói đến một sự thật “đáng xấu hổ” là thị trường tranh VN đầy rẫy sự gian lận. Ông có đồng tình với nhận định này không?

- Không sai. Nhưng mức độ nhận định thì khá nặng nề. Phải công nhận ở VN có tranh giả, có sự gian lận nhưng không phải đến mức độ quá nhiều.

Hơn nữa, khi đưa ra nhận định đó thì tác giả nên đưa ra so sánh với các thị trường mỹ thuật khác?

Tuy nhiên hành vi gian lận trong nghệ thuật, văn hoá là điều rất đáng phê phán.

Tôi nói thêm, thị trường mỹ thuật VN đã đi những bước đầu tiên theo mô hình của một thị trường mỹ thuật tương đối chuyên nghiệp.

Nếu nhìn vào sẽ có tương đối đủ các yếu tố như lực lượng con người sáng tạo tác phẩm với nhiều hoạ sĩ giỏi, có tác phẩm chất lượng, các gallery là các “chân rết” để phát triển thị trường, các trung tâm đấu giá tranh để việc mua bán diễn ra công khai, minh bạch.

Nhưng hiện nay VN đang thiếu giám định trước khi diễn ra các giao dịch tranh. Mà việc giám định là cần thiết để xác định đâu là tranh giả, tranh thật, tranh sao chép...

Chúng ta đã có trung tâm giám định các tác phẩm văn học nghệ thuật thuộc Cục bản quyền tác giả được thành lập tháng 6-2016.

Chúng ta đã có luật đấu giá tài sản và luật sở hữu trí tuệ làm hành lang pháp lý để vận hành các giao dịch cho thị trường nghệ thuật.

Về tổ chức bộ máy để vận hành thị trường mỹ thuật thì chúng ta đã có đủ, chỉ có điều các đơn vị này làm thế nào để vận hành cho tốt.

* Các hoạ sĩ đang khá hoang mang và lo lắng khi nạn tranh giả không bị xử lý. Vậy khi xảy ra các vụ việc liên quan đến tranh giả hoặc bị xâm phạm bản quyền thì các hoạ sĩ nên làm gì?

- Khi phát hiện ra sự việc liên quan đến tranh giả, sao chép tranh, vi phạm bản quyền... thì các hoạ sĩ nên báo ngay cho ba đơn vị: quản lý thị trường địa phương sở tại, công an phường sở tại, và thanh tra văn hoá nơi địa điểm xảy ra vụ việc.

Một sản phẩm như tranh khi tham gia vào thị trường cũng bình đẳng như các mặt hàng khác trên thị trường.

Những đơn vị này tuỳ theo mức độ, tính chất nghiêm trọng của sự việc mà có thể xử phạt hành chính.

Nếu ba đơn vị trên không xử lý được thì cần kiến nghị với Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ VH-TT&DL. Đây là đơn vị quản lý có trách nhiệm về vấn đề bản quyền, xâm phạm quyền tác giả, tranh giả.

Nếu sự việc vẫn không giải quyết được thì những người liên quan có thể khởi kiện ra toà án để giải quyết.

* Vậy còn vai trò của Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm và hội Mỹ thuật VN như thế nào trong các vụ việc trên?

- Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm và Hội Mỹ thuật VN sẽ tham gia vào quá trình tư vấn chuyên môn hoặc quá trình giám định khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng kia. Nhưng chúng tôi không thể là đơn vị chủ trì vì chúng tôi không có chức năng, nhiệm vụ như vậy.

* Trên thực tế, ở VN đã thực sự có trung tâm giám định hoặc cá nhân nào có đủ khả năng để giám định tranh giả, tranh thật hay chưa, thưa ông?

- Việc giám định tranh ở VN còn rất mới mẻ bởi chúng ta đang trong quá trình tịnh tiến đến một thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Trung tâm giám định của Cục Bản quyền tác giả mới thành lập được một năm.

Trước đây, VN đã có một trung tâm giám định mỹ thuật ở Bảo tàng Mỹ thuật VN, về sau phải giải tán bởi nhu cầu xã hội không đến với họ nên trung tâm không thể tồn tại được. Ở các nước có thị trường mỹ thuật phát triển mạnh thì nhu cầu cần đến trung tâm giám định mới nảy sinh.

Còn ở các thị trường mỹ thuật sơ khai như VN thì các trung tâm giám định nếu muốn tồn tại cũng phải rất chật vật bởi không chỉ đòi hỏi về nhân lực mà riêng phần máy móc kỹ thuật cũng rất tốn kém.

Về nhân lực, riêng các tác phẩm mỹ thuật của các tác giả VN thì chúng ta yên tâm là các nhà mỹ thuật VN có thể giám định được. Còn về máy móc giám định ở VN thì có thể nói vẫn còn là con số 0.

VŨ VIẾT TUÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên