TTCT - Các nghiên cứu đáng ngờ đang là mối đe dọa lớn với giới học thuật Trung Quốc khi bước ra sân chơi quốc tế. "Với chúng tôi, đây là trận chiến quan trọng nhất trong đời" - nghiên cứu sinh Zhang Li viết trên Weibo hôm 23-1. Trong hơn một tháng, anh và 10 sinh viên tại Đại học Nông nghiệp Huazhong (HZAU) ở thành phố Vũ Hán đã âm thầm chuẩn bị cuộc lật đổ vị giáo sư giám sát mình. Ảnh: Coda StoryHôm 6-2, giáo sư Huang Feiruo của khoa dinh dưỡng và thực phẩm động vật đã bị bãi nhiệm sau khi điều tra của trường xác nhận các cáo buộc về nghiên cứu giả của ông. HZAU phát hiện 10 bài ông Huang viết chứa các dữ liệu giả và một cuốn giáo trình ông biên soạn dùng nội dung của người khác mà không ghi chú đầy đủ. Cuốn giáo trình giờ cũng bị cấm sử dụng. Ông Huang còn bị phát hiện sử dụng sai các nguồn quỹ và thiếu chính trực trong hoạt động dạy thêm. Toàn bộ 15 sinh viên trong phòng thí nghiệm của ông được chuyển sang người giám sát mới.Các sinh viên của ông bắt đầu chiến dịch từ 16-1, khi lá thư 125 trang cáo buộc Huang gian dối trong học thuật và khuyến khích sinh viên lừa dối được đăng trên nhiều kênh khác nhau. Trong số 15 sinh viên ở phòng thí nghiệm (3 nghiên cứu sinh và 12 sinh viên thạc sĩ), 11 người ký đơn tố cáo. Các sinh viên liệt kê 30 bài viết khoa học từ 2016-2023 có vấn đề mà họ ngờ là gian dối. Hôm 18-1, HZAU chính thức công bố kết luận điều tra và xác nhận các vấn đề sinh viên nêu ra là có căn cứ.50.000 bài nghiên cứu bị rútTheo báo Hong Kong Bưu điện Hoa Nam (SCMP), trong 10 năm qua số lượng các bài viết của học giả Trung Quốc trên các tạp chí thuộc Danh mục Trích dẫn khoa học (SCI) đã tăng gấp nhiều lần. Cùng lúc, số lượng bài bị rút cũng trở thành vấn đề nóng ở nước này. Một báo cáo về số lượng bài bị rút công bố trên tờ Tài Tân ước tính khoảng 50.000 bài viết đã bị rút trong 10 năm qua trên các tạp chí SCI.Các nghiên cứu Trung Quốc chiếm tới 1/4 số bài bị rút vì gian dối sao chép, bịa dữ liệu. Con số này tăng lên tới 75% vào năm 2023. Tình trạng này được coi là khá phổ biến tại nhiều trường khác nhau ở nước này.Ở Nhà xuất bản y sinh Spandidos, một phần công việc của John Chesebro là dò tìm chi tiết dối trá trong các nghiên cứu gửi tới. Anh rà hàng trăm bài nghiên cứu, săm soi các hình ảnh tế bào na ná nhau. Với anh, thủ thuật của các "lò làm giả nghiên cứu" na ná nhau, từ trắng trợn như cóp nguyên xi cho tới các biện pháp tinh vi hơn. Đôi khi hình được xoay ngang để "đánh lừa cảm giác là hình khác - Chesebro nói - Đôi khi bạn phát hiện một phần hình ảnh được chỉnh sửa để thêm tế bào hay chi tiết sao cho dữ liệu phản ánh đúng kết quả cần có cho giả thuyết". Anh ước tính phải bác bỏ từ 5-10% nghiên cứu vì dữ liệu lừa dối hoặc các vấn đề đạo đức.Spandidos, có văn phòng ở Athens và London, nhận lượng hồ sơ lớn từ Trung Quốc (khoảng 90% số bài công bố là từ các tác giả Trung Quốc). Vào khoảng giữa những năm 2010, các nhà khoa học độc lập cáo buộc Spandidos xuất bản các nghiên cứu có kết quả "xào lại" từ cùng tập dữ liệu. Sau các cáo buộc này, nhà xuất bản lập đội kiểm soát viên nội bộ để rà soát và rút lại các nghiên cứu giả.Trong hai thập niên qua, các nhà nghiên cứu Trung Quốc trở thành lực lượng xuất bản bài nghiên cứu khoa học nhiều bậc nhất thế giới. Theo Viện Thông tin khoa học Mỹ (ISI), Trung Quốc xuất bản 3,7 triệu bài viết trong năm 2021, tức 23% số bài trên toàn cầu, chỉ kém chút so với con số 4,4 triệu của Mỹ.Cùng lúc, các bài viết từ Trung Quốc cũng lên hạng trong các bài được trích dẫn bởi giới nghiên cứu - dữ liệu quan trọng liên quan tới chất lượng của nghiên cứu. Năm 2022, Trung Quốc lần đầu vượt Mỹ về số lượng bài được trích dẫn nhiều nhất - dù con số này được cho là có sai lệch khi nhiều bài viết trích dẫn nghiên cứu của Trung Quốc về giải mã gene vi rút Covid-19.Financial Times trích các chuyên gia cho rằng số lượng bài viết rất lớn của Trung Quốc dù vậy đang che giấu những yếu kém mang tính hệ thống và tình trạng phổ biến nhiều nghiên cứu chất lượng thấp, thậm chí gian dối. Giới học thuật thì phàn nàn về áp lực quá lớn của việc phải xuất bản để có được vị trí ở các đại học nghiên cứu nước này. "Để tồn tại trong giới học thuật Trung Quốc, chúng tôi có nhiều KPI phải đạt. Vì vậy lúc xuất bản, chúng tôi tập trung vào số lượng hơn là chất lượng - giảng viên vật lý tại một đại học nổi tiếng ở Bắc Kinh nói với FT - Khi các trường coi CV, họ đánh giá trên số lượng dễ hơn là chất lượng các nghiên cứu".Ảnh: ft.comThách thức cho giới xuất bảnVấn đề là không nhà xuất bản nào - kể cả những nơi cảnh giác cao - có thể loại bỏ tất cả các nghiên cứu gian dối. Các quyết định rút bài hiếm và có thể mất nhiều năm. Trong khi đó giới khoa học có thể vẫn làm việc với nghiên cứu dựa trên các bài báo giả dối.Trong lĩnh vực y sinh, tình trạng này càng nghiêm trọng khi mục tiêu nhiều nghiên cứu là nhắm vào phát triển chữa trị các bệnh nan y. Bernhard Sabel, giáo sư tâm lý và khoa học thần kinh tại Đại học Otto-von-Guericke ở Magdeburg, Đức, là một trong nhiều biên tập viên kêu gọi "phản ứng nhanh chóng trên toàn cầu để phục hồi chất lượng các ấn phẩm khoa học và ngăn suy giảm niềm tin với khoa học".Học giả độc lập David Bimler - nhà tâm lý học từng dạy ở Đại học Massey, New Zealand - nói ông phát hiện 150 bài viết về y sinh của Đại học Cát Lâm sử dụng dữ liệu giống nhau, từ đó xác định trong trường này có một lò sản xuất bài viết giả. Hai chuyên gia khác đánh giá Đại học Cát Lâm là một trong những đầu nậu xuất bản bài viết giả mạo. Đại học này đã từ chối trả lời FT."Họ có lẽ không bao giờ nghĩ những người bận rộn để ý tới các bài viết của họ, họ không cố giấu việc xuất bản số lượng lớn này", ông Bimler nói. Nhà thực vật học Cathie Martin nói các nhà nghiên cứu Trung Quốc làm ở phòng thí nghiệm của bà ở Anh luôn chịu áp lực xuất bản nếu muốn thăng tiến. Nội suy từ nghiên cứu của chính mình, Sabel ước tính doanh thu của các lò sản xuất bài viết giả ít nhất là trên 1 tỉ euro mỗi năm và có thể cao hơn rất nhiều. Giới học giả nói chung đều đánh giá Trung Quốc là một trong những nơi vi phạm nhiều nhất.Các cò trên mạng môi giới việc đặt bài cũng la liệt trên các trang thương mại điện tử ở Trung Quốc như Taobao. Một cò quảng cáo trên Taobao thu phí 800 USD cho mỗi lần nộp bài cho tạp chí y khoa bậc trung nội địa. "Vi phạm khoa học là hành vi có tổ chức và thường được vận hành như ngành kinh doanh một cách bán công khai", một nhà nghiên cứu y khoa Trung Quốc ở Mỹ nói.Ảnh: EditageĐủ chiêu trò chống chếChính quyền Trung Quốc đã đưa ra nhiều hình thức chế tài với việc sử dụng các lò viết bài giả, bao gồm cấm người vi phạm xin tiền ngân sách. Nhưng việc giám sát lỏng lẻo khiến tình trạng này vẫn phổ biến. Trong khi các học giả trên thế giới đều phải xuất bản để có thể thăng tiến, áp lực ở Trung Quốc bị đẩy cao hơn vì mức độ cạnh tranh cho nguồn lực ở đây quyết liệt hơn. ISI ước tính có hơn 2 triệu học giả nước này cạnh tranh giành các nguồn quỹ từ trung ương và địa phương.Lĩnh vực y học đặc biệt có tiếng xấu vì các nhà lâm sàng buộc phải xuất bản mới có thể lên chức, buộc những bác sĩ vốn ít ỏi thời gian phải thuê các lò viết bài. Nhà vi sinh học Elisabeth Bik trong một nghiên cứu khoảng 20.000 bài báo y sinh từ Trung Quốc thấy có 800 bài dùng các hình ảnh "trùng lặp". "Các bài viết từ Trung Quốc có tỉ lệ cao hơn trung bình có các hình ảnh có vấn đề", bà nói.Số này bao gồm cả những nhà khoa học đã có tiếng. Bik nói bà phát hiện khoảng 50 nghiên cứu của một nhà miễn dịch học danh tiếng ở Trung Quốc "có các vấn đề khác nhau từ nhỏ cho tới các hình ảnh bị làm giả nghiêm trọng". Chính quyền sau khi rà soát đã đánh giá nhà khoa học này "không chịu trách nhiệm về các hình ảnh làm giả kia" và "ông ta bị kỷ luật nhẹ và tiếp tục xuất bản", theo bà Bik.Việc rà soát các nghiên cứu giả ở Trung Quốc càng làm sâu sắc thêm những nghi ngờ giữa các viện nghiên cứu ở phương Tây và Trung Quốc, cùng với căng thẳng địa chính trị ngày càng nóng. "Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, chúng tôi tiến hành kiểm tra hồ sơ (các ứng viên từ Trung Quốc) cho việc xin ngân sách và các hoạt động khác nhau chặt hơn", Mads Krogsgaard Thomsen - giám đốc quỹ Novo Nordisk, một trong những nhà cung cấp quỹ nghiên cứu khoa học lớn nhất của Đan Mạch - nói. "Chúng tôi làm vậy dựa trên gợi ý của chính quyền và dựa trên sự hợp tác của những người nhận quỹ". ■ Văn hóa ở Trung Quốc khuyến khích tư duy hệ thống và tập thể, xây dựng trên các nghiên cứu khác, trong khi phương Tây thường cổ xúy chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn. Bắc Kinh từng tài trợ số lượng lớn các nhà khoa học đi học ở nước ngoài từ Tokyo, San Francisco cho tới London thông qua học bổng và các quỹ khác nhau, đồng thời có chính sách khuyến khích để họ trở về đại lục.Chiến lược "rùa biển" này là một trụ cột quan trọng trong chính sách phát triển nguồn lực khoa học công nghệ. Điều này giúp "thúc đẩy hợp tác quốc tế và giúp nâng chất lượng ở Trung Quốc - theo Steven Inchcoombe, chủ tịch nghiên cứu tại Springer Nature, nói - Trung Quốc rất giỏi về áp dụng thực tế và tinh chỉnh. Nhưng văn hóa đó thường là xây dựng hệ thống dựa trên các nghiên cứu khác, trong khi phương Tây thường cổ xúy cá nhân. Trung Quốc dường như không cần các anh hùng nổi bật".Jonathan Adams, giám đốc khoa học ở ISI, chỉ ra rằng hợp tác quốc tế của Trung Quốc "thường nhắm vào các ngành khoa học vật chất: công nghệ thông tin, vật liệu và các lĩnh vực tương tự - đặc biệt ở Mỹ. Trong một số lĩnh vực ở Mỹ, 80% các xuất bản có một tác giả Trung Quốc là đồng tác giả". Tags: Nghiên cứu sinhPhòng thí nghiệmHọc giả Trung QuốcNhà xuất bảnNhà khoa học
Truyện ngắn: Trích đoạn Chiến tranh (J. M. G. Le Clézio) J. M. G. Le Clézio (trích) 15/11/2024 2561 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra tàu tuần tra của Bộ Công an HỒNG QUANG 15/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, kiểm tra tàu tuần tra do Cảnh sát biển Hàn Quốc viện trợ cho Bộ Công an. Con tàu này hiện được định biên vào đội tàu của Cục Cảnh sát giao thông.
Dự Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi: Khám chữa bệnh tại nhà được thanh toán bảo hiểm y tế THÀNH CHUNG 15/11/2024 Dự Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế được thiết kế trên cơ sở xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh.
Dù có tình tiết giảm nhẹ mới, bà Trương Mỹ Lan vẫn bị đề nghị tử hình TUYẾT MAI 15/11/2024 Viện kiểm sát cho rằng bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi tham ô tài sản trong thời gian dài, gây thiệt hại đặc biệt lớn, dùng thủ đoạn tinh vi. Mặc dù có tình tiết giảm nhẹ mới, nhưng chưa đủ điều kiện để giảm nhẹ hình phạt.
Hãy quên khái niệm người Hà Nội gốc đi! THIÊN ĐIỂU 15/11/2024 Về khái niệm người Hà Nội gốc gây tranh cãi và "bất hòa" nhiều năm nay, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Xuân Thạch nói: 'Tốt nhất là nên quên nó đi'.