Phóng to |
Pháo binh Việt Minh kéo pháo vào trận địa - Ảnh: Tư Liệu |
Vị tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo binh 523 Hoàng Tấn năm xưa dù đã ở tuổi 90, vẫn nhớ tường tận một thời oanh liệt trên chiến trường. Ông xúc động: “Suốt 60 năm qua, nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy đầu pháo hai bên chiến tuyến lóe ánh lửa đạn, tai thì ù đặc, rỉ máu và tiếng thét xung phong. Ngày ấy, chúng tôi đã chiến đấu như thế...”.
Cuộc hành quân đặc biệt
"Anh em bị thương, bị bệnh nặng lắm, nhưng như khỏe hẳn ra khi đưa được hỏa lực vào vùng tác chiến" |
Mùa đông năm 1953, núi rừng Tây Bắc rét cắt da thịt. Tiểu đoàn pháo binh 523 của đại úy Hoàng Tấn đang tham chiến các chiến trường sơn cước Nghĩa Lộ, Mộc Châu, được lệnh hành quân sang Điện Biên Phủ. Ông kể đó là cuộc hành quân đặc biệt của lực lượng pháo binh mà người Pháp không tin Việt Minh thực hiện nổi. Không chỉ núi rừng hiểm trở, họ còn phải đối mặt ngày đêm với máy bay do thám và tình báo đối phương. Bộ binh khi bị lộ có thể di chuyển, ẩn nấp tránh bom, nhưng các khẩu đội pháo hạng nặng thì không đơn giản như vậy.
“Tiểu đoàn pháo 523 thuộc đại đoàn 304 lúc ấy có 4 khẩu lựu pháo 105 li, 4 khẩu 75 li và 8 sơn pháo 57 li. Nhưng riêng 8 sơn pháo này đã được cắt lại yểm trợ chiến trường Lào. Chỉ còn lại đúng 8 khẩu pháo” - cựu tiểu đoàn trưởng Hoàng Tấn nhớ phải mất rất nhiều ngày đêm, họ mới đến được trận địa. Nhiều đoạn vượt sông Đà, họ phải kết các mảng tre để chuyển pháo sang sông. Họ vừa lo máy bay địch phát hiện, đánh phá, vừa sợ lũ sông Đà làm nhấn chìm hỏa lực quý giá này. Đã có những chiếc mảng không vượt sông thành công, chiến sĩ phải cố lặn vớt bằng được pháo dưới đáy lũ cực kỳ nguy hiểm.
Một số cung đường có thể sử dụng xe kéo pháo. Đó là những chiếc xe chạy xuyên đêm bằng đèn gầm giữa núi cao vực thẳm, mà tài xế chỉ canh sai nửa bánh xe cũng dẫn đến tai nạn. “Ác liệt nhất là đoạn đèo Pha Đin. Máy bay Pháp quần thảo đánh phá cung đường này suốt ngày đêm, vì biết chắc nhiều lực lượng và khí tài Việt Minh sẽ phải vượt “cổng trời” này. Có những lỗ bom cứ phải lấp đi lấp lại nhiều lần vẫn chưa thông nổi. Xương máu chiến sĩ, dân công thấm đẫm từng tấc đèo” - ông Hoàng Tấn kể.
Tùy loại pháo và địa hình rừng núi, trung bình một kíp kéo pháo từ 8 đến hơn 10 người. Ngoài ra, một tổ bốn người lo chèn bánh và những người phụ đẩy sẵn sàng phía sau. Việc di chuyển pháo nặng nhọc đến mức họ mới kéo 100-200m lại phải đổi kíp chiến sĩ kéo khác. Đường dốc, trơn trượt nguy hiểm, nhiều khi bánh xe vừa nhích được vài tấc đã phải chèn cây chống tuột. Tháng 11-1953, đơn vị ông lên đến đèo Pha Đin. Nhưng mãi đến giữa tháng 2-1954, họ mới vào đến Điện Biên Phủ sau khi hứng trọn một mùa đông rét buốt và dính ba trận bom Pháp. Ông xúc động nhớ lại: “Anh em bị thương, bị bệnh nặng lắm, nhưng như khỏe hẳn ra khi đưa được hỏa lực vào vùng tác chiến. Khi nghe tướng Giáp lệnh kéo ra, nhiều chiến sĩ bị sốc, thậm chí bật khóc vì không hiểu sao lại phải lui sau bao gian khó như vậy. Mãi đến khi nghe tôi và chính trị viên Đoàn Khuê phổ biến chủ trương chỉ tạm di chuyển để đảm bảo đánh chắc tiến chắc, họ mới bừng bừng khí thế trở lại”.
Phóng to |
Ông Hoàng Tấn vẫn nhớ mãi trận đánh lịch sử - Ảnh: Q.Việt |
Hỏa lực kinh hoàng
Ông Hoàng Tấn (còn có tên Hoàng Giáp) tên thật Hoàng Tấn Anh, học sinh Trường Bưởi, Hà Nội. Trong 60 ngày đêm bảo vệ thủ đô năm 1946, ông làm phái viên tác chiến phòng tham mưu Bộ tư lệnh Quân khu thủ đô và trực tiếp tham gia nhiều trận chiến ác liệt ở mặt trận này. Sau khi rời Hà Nội, ông thuộc đại đoàn 304, có mặt trong nhiều chiến dịch đến khi kết thúc trận Điện Biên Phủ. Trở lại Hà Nội năm 1954, ông trở thành giáo viên vật lý và từng tham gia một nhóm nghiên cứu cách đánh trả không quân Mỹ... |
Khi tiếng súng bắt đầu rền trên lòng chảo Điện Biên Phủ cũng chính là lúc tiểu đoàn pháo binh 523 và các đơn vị pháo bạn bắt đầu giáng hỏa lực khủng khiếp xuống đầu đối phương. “Chúng tôi đã bắn liên tục trong gần một giờ bằng tất cả 8 khẩu pháo 105 li và 75 li để dọn đường cho bộ binh tấn công. Các trận địa pháo của đơn vị bạn cũng lóe rền khắp phía”. Từng chỉ huy nhiều trận đấu pháo trực tiếp với quân đội Pháp ở khắp chiến trường Tây Bắc, Đông Bắc và Thượng Lào, nhưng với tiểu đoàn trưởng Hoàng Tấn thì Điện Biên Phủ là một chiến địa mà ông sẽ mãi mãi không thể quên được.
“Trung bình, chúng tôi cứ giáng ba phút một quả. Các khẩu đội nối tiếp nhau bắn, nên đối phương hoảng sợ trong tiếng pháo rền như bão dội không có lúc dứt của Việt Minh” - ông Tấn nhớ thật sự lúc ấy sử dụng hỏa lực mặt đất này cũng rất tiết kiệm. Họ đâu có nhiều đạn để bắn thoải mái. Tọa độ bắn phải được trinh sát rất kỹ để phát huy tối đa hiệu quả từng trái pháo. Mục tiêu ưu tiên là phá hủy các đài quan sát, sân bay, trận địa pháo, xe tăng để đánh dập đầu hỏa lực đối phương. Thậm chí, đơn vị ông có lúc còn hết cả đạn phá để bắn tiêu diệt khi dân công chuyển nhầm đạn khói bắn xác định mục tiêu.
Trong lúc tin vui dồn dập báo về pháo binh Việt Minh đã chứng tỏ sức mạnh, đập nát nhiều mục tiêu trọng yếu, ông Hoàng Tấn kể họ cũng phải đối mặt với phản pháo đối phương: “Lúc đầu, họ bắn trả cũng rất ác liệt. Khẩu đội Cù Văn Linh đơn vị tôi trúng đạn, bị thương và hi sinh 12 người trong lúc đang đưa pháo ra khỏi hầm để tác xạ”. Đồng đội gạt nước mắt căm thù, tập trung phản pháo và nhanh chóng tiêu diệt bãi pháo đối phương. Lực lượng pháo binh của Pháp được huấn luyện rất khoa học và nhiều kinh nghiệm tác chiến. Họ sẽ phản pháo rất hiệu quả nếu đối phương lộ điểm yếu.
Tuy nhiên, tài năng tướng Giáp và lực lượng pháo binh Việt Minh đã hóa giải được thế trận này để triệt tiêu đến mức thấp nhất sức mạnh đối phương. Yếu tố sinh tử này được chính tướng Navarre cay đắng thừa nhận: “Chúng ta biết chắc một số lớn các trận địa pháo mặt đất và phòng không của đối phương đã được chuẩn bị, nhưng việc ngụy trang của đối phương tuyệt hảo đến nỗi chỉ có một số ít bị phát hiện trước khi trận đánh bắt đầu”.
Và khi tiếng súng rền lên thì một lần nữa Navarre nhìn thấy khả năng phản pháo của mình bị đối phương triệt tiêu: “Họ đã tổ chức việc bảo vệ các trận địa pháo của mình đến mức việc phản pháo bằng pháo binh và không quân trở nên vô cùng khó khăn... Việt Minh đã sử dụng pháo binh rất khác với cách thông thường. Các khẩu pháo được phân tán mỏng. Chúng được tháo rời và đưa vào trận địa bằng cách vác vai, đến các vị trí họ có thể có được tầm quan sát trực tiếp vào các mục tiêu. Chúng được đưa vào hầm trú ẩn, từ đó được điều chỉnh bắn thẳng vào mục tiêu qua lỗ châu mai hoặc từ bên ngoài hầm trú ẩn. Khi chúng ta phản pháo, chúng lại được kéo bằng tay vào bên trong”. “Pháo đài” Điện Biên Phủ đã không còn bất khả xâm phạm!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận