Phóng to |
Đây là một triển lãm có quy mô ngay từ những con số: trưng bày giới thiệu 1.000 con rùa quý hiếm; 1.000 đồng tiền đã qua sử dụng; 1.000 vật dụng, nông cụ, tư liệu sản xuất của nhà nông... Qua những con số có thể thấy KAT - đơn vị tư nhân phối hợp với UBND TP Hà Nội và Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Nội tổ chức triển lãm - đã bỏ nhiều công sức cứu hộ, nuôi dưỡng, nhân giống các loại rùa quý hiếm và sưu tầm những vật dụng, nông cụ, tư liệu sản xuất của nhà nông để giới thiệu với khách tham quan.
Được Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội cấp phép nuôi động vật quý hiếm, KAT đã cho nuôi tại khu vườn sinh thái nhiều loại rùa - loài vật linh thiêng rất được người Việt yêu mến: rùa núi vàng, rùa núi viền, rùa đất lớn, rùa sen vàng, rùa sen đen... 1.000 đồng tiền giấy và kim loại được sưu tầm từ các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn... cho đến những năm trước đổi mới 1986. Bên cạnh các vật dụng của nhà nông như cày, cối giã gạo, hái..., ban tổ chức đã tái tạo một guồng tre nứa dẫn nước vào ruộng trong lòng hồ thuộc khu sinh thái. Theo ban tổ chức, toàn bộ số tiền quyên góp được từ các hoạt động của triển lãm sẽ ủng hộ cho quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội.
Tiếc là tại khu vực trưng bày các hiện vật, ngoài dòng chữ “không sờ vào hiện vật”, những vật dụng đầy ắp khu vực triển lãm trong nhà nằm trơ trọi, xen lẫn với nhau, không một dòng chú thích. Bà Đỗ Tuyết Nga, giáo viên Trường THCS Đông Thái, dẫn con đi xem và bối rối: “Các cháu hỏi rất nhiều về các dụng cụ mà tôi không thể giải thích hết được”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Hà - đại diện KAT - cho biết: “Ban tổ chức muốn đây là một cuộc triển lãm tự nhiên và gợi mở để người xem có thể tự cảm nhận, từ đó tự tìm hiểu nền văn minh lúa nước của VN đi lên từ nông nghiệp. Nếu có chú thích sẽ không khác gì một cuộc triển lãm chuyên nghiệp”. Ông cho biết thêm với số lượng đoàn 15-20 người, nếu có liên hệ trước, ban tổ chức sẽ tổ chức đội lễ tân để thuyết minh về triển lãm.
E ngại cho một cuộc triển lãm quy mô nhưng chưa hiệu quả, nhà hoạt động bảo vệ rùa hồ Gươm - PGS Hà Đình Đức góp ý: “Mặc dù triển lãm sở hữu rất nhiều tư liệu song công tác tổ chức chưa thật bài bản. Có thể sắp xếp, phân loại các hiện vật theo trình tự thời gian, giới thiệu sơ bộ: tên, chức năng của dụng cụ trong đời sống nhà nông.
Ban tổ chức xếp ra rất nhiều loại tiền trong nước, nước ngoài, tiền dưới chế độ hai miền Nam - Bắc nhưng không phân ra các thời kỳ hay nói rõ giá trị đồng tiền khi mua bán thời đó để người xem dễ hình dung. Nếu là một khán giả xuất thân là nông dân xem có thể hiểu, chứ để giới thiệu nền văn minh này với người Hà thành thì tác dụng đến người xem còn hạn chế”.
Tự nhiên giẫm lên mai rùa Trước ngày khai mạc triển lãm, trả lời sự lo ngại của dư luận trước thông tin cho rằng du khách tới tham quan có thể thoải mái đứng giẫm lên mai rùa, đơn vị tổ chức triển lãm đã khẳng định “không có chuyện chúng tôi cho phép giẫm lên lưng rùa” (Tuổi Trẻ ngày 24-9). Thế nhưng theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, 10g34 sáng 26-9, một nhóm người bao quanh chú rùa đá đen trong khuôn viên triển lãm 1.000 con rùa quý hiếm, sau đó vô tư giẫm lên mai rùa “để tạo dáng chụp ảnh và thử độ cứng của mai rùa”. Một bà mẹ còn nói với những người xem xung quanh rằng đây là rùa đá, to và nặng, người lớn còn giẫm lên được huống gì trẻ con! Rùa chỉ được đưa trở lại chuồng khi có một bảo vệ đến nhắc nhở đám đông này.
Trả lời về sự việc giẫm lên rùa, ông Phạm Văn Hà cho hay ngay sau khi nhận được thông tin và hình ảnh, ban tổ chức đã yêu cầu tăng cường bảo vệ liên tục nhắc nhở người dân không hành động thiếu văn hóa như vậy. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận