So với những năm vừa qua, năm nay văn minh đi chùa đã có những thay đổi tích cực.
Điều này chứng minh những nỗ lực của ngành văn hóa và các địa phương trong việc chấn chỉnh văn hóa đi lễ đầu năm đã thực sự đạt được những hiệu quả tốt.
Những hoạt động như tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, giá trị của lễ hội, văn minh trong việc tham gia hoạt động lễ hội, ở các di tích, hay ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hoặc triển khai bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội, cùng với việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt thường xuyên đã thực sự tác động, làm chuyển biến trong hành vi đi lễ đầu năm.
Tuy nhiên không phải lúc nào, ở đâu chúng ta cũng thấy những chuyển biến tích cực đó. Vẫn còn có những hiện tượng lộn xộn, mê tín dị đoan, trục lợi tâm linh và các hành vi không văn minh khác trong các hoạt động đi lễ đầu năm.
Vì vậy để việc đi lễ đầu năm là một thói quen tốt, hành động văn minh, theo tôi, chúng ta cần tập trung tuyên truyền tốt hơn nữa với nội dung phong phú, hình thức hấp dẫn, trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, cả ở di tích lẫn trên mạng, để người dân và du khách hiểu rõ ý nghĩa, giá trị của việc đi lễ cũng như cách thực hành văn hóa ứng xử phù hợp với không gian tín ngưỡng, tôn giáo.
Cần cụ thể hóa hơn nữa các văn bản quản lý nhà nước để phù hợp với đặc điểm của từng lễ hội, di tích. Các nghị định, thông tư, công điện cần phải được cụ thể thành những nội quy, quy định phù hợp.
Và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt những hành vi sai phạm. Điều này giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các văn bản quản lý, có tác dụng làm gương đối với các địa điểm khác.
Cũng phải tăng cường hơn nữa vai trò của các cộng đồng trong việc tổ chức, quản lý các lễ hội, di tích để họ làm tốt hơn nhiệm vụ chủ thể văn hóa của mình.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn (ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)
Việc lễ bái cầu xin bị quá đà
Trong giáo lý Đức Phật nói rất rõ ràng là cuộc sống vận hành theo luật nhân quả, làm điều tốt nhận kết quả tốt và làm điều ác sẽ nhận quả xấu, chứ không thể cầu xin Phật ban cho cái gì.
Nhưng tập tục lâu đời của nước mình là nông dân quanh năm bận rộn trên đồng ruộng, chỉ các lễ tiết, đặc biệt là Tết đầu xuân, các cụ cũng đi khấn đi cầu.
Tâm lý chung của người dân muốn năm mới được may mắn, họ đi khấn các vị linh thiêng, trong đó có Đức Phật, gửi lời cầu xin đến các ngài như một ước nguyện lành đầu năm mới.
Điều đó không có gì xấu, cũng là một nét đẹp văn hóa. Nhưng hiện nay việc lễ bái cầu xin ở nhiều nơi bị quá đà, mang màu sắc mê tín dị đoan khi đốt vàng mã quá nhiều, chen chúc lăn lóc cầu xin, không đúng với tôn giáo nào cả.
Một số vị chức sắc ở chùa được học hỏi giáo lý chân chính đều không sa đà vào mê tín dị đoan, nhưng số khác thì làm những điều mà Phật không dạy nên càng khiến cho tệ cầu cúng mê tín nhiều hơn.
Tệ nhất của lễ bái hiện nay là không chỉ những nông dân, thợ thuyền đi cầu cúng, mà quan chức, sinh viên, học sinh cũng đi cầu khấn.
Rất cần phải có sự hướng dẫn tốt từ trong nhà trường tới gia đình và ngoài xã hội để người dân thực hành tôn giáo, tín ngưỡng cho đúng đắn.
Việc đốt vàng mã quá đà cần có sự quản lý của chính quyền, chứ không chỉ trông đợi cả vào sự nhắc nhở của giáo hội, nhà chùa.
Một thời xã hội đã bỏ tục đốt vàng mã, nhưng giờ tục này lại phát triển mạnh mẽ hơn xưa, khắp trong Nam ngoài Bắc. Khoảng chừng 30 năm trở lại đây việc đồng bóng, bói toán, cúng cấp, đốt vàng mã... ngày càng nặng nề.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn
Đi chùa phải từ tâm
Đã từ lâu vợ chồng tôi quen với việc đi lưu diễn ở đâu cũng để ý và đến viếng chùa nơi đó. Mới đây, duyên tới nên vợ chồng tôi cũng đã quy y. Mỗi khi có dịp các thầy ở chùa gọi là chúng tôi luôn sắp xếp công việc để đi hát cho chùa.
Thường xuyên hát miễn phí hoặc thầy thương cho lộc bao nhiêu thì cho, chứ chúng tôi không bao giờ đòi hỏi. Với chúng tôi, đi chùa khiến lòng mình thanh tịnh, như lắng lại. Những sân si, phiền não trong cuộc sống dường như được giải tỏa.
Thiệt ra mình có cầu gì đâu. Đi chùa là từ tâm, được nghe những bài giảng hay, triết lý hay của đạo Phật để tự tu sửa mình, sống hướng thiện hơn. Đi chùa đem lại sự bình yên trong tâm là điều quá tốt trong cuộc sống vội vã hôm nay rồi, còn cầu gì nữa.
Người ta nói chùa, thầy giờ cũng giả - thật lẫn lộn. Tôi nghĩ rằng tự bản thân mình phải quan sát, tìm hiểu và tự nhận ra. Tôi thấy thầy nào tốt mình kính trọng, còn người khiến mình không tin tưởng thì thôi.
Vợ chồng nghệ sĩ cải lương Lê Tứ - Hà Như
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận