Đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM bị ngập sâu trong cơn mưa chiều 8-5 - Ảnh: XUÂN HƯNG
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa phê duyệt dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) với tổng mức đầu tư hơn 470 tỉ đồng. Dự án sẽ nâng cấp, khắc phục những hư hỏng trên toàn tuyến đường, làm mới hệ thống cống thoát nước, xử lý tình trạng ngập nghiêm trọng nhiều năm qua.
Con đường đau khổ
Dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh dài hơn 3km được khởi công năm 1997, đưa vào sử dụng năm 2002. Sau đó, đường bị lún sụt trầm trọng, ngập nước kéo dài suốt 16 năm qua.
Đã có rất nhiều cuộc hội thảo, họp bàn giải pháp chống ngập, kể cả sự vào cuộc từ một doanh nghiệp hiến kế chống ngập bằng siêu máy bơm. Tiền chống ngập mỗi năm tăng lên dần theo mực nước, khu vực ngập lan rộng dần. Diễn biến ngập ngày càng nặng. Chống ngập cho con đường này cần thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân, tình trạng thực tế để có giải pháp hiệu quả.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh trước đây đất trống, ít dân cư, được bao phủ hoa cỏ, mảng xanh; nay dày đặc những tòa nhà cao tầng, chung cư, trung tâm thương mại. Đây lại là một trong những khu vực bị cho là ngập nước nặng nhất tại TP.HCM.
Ngập nước đường Nguyễn Hữu Cảnh ngoài yếu tố được cho là khách quan như mưa lớn, triều cường, lún địa hình thì có nguyên nhân chủ quan san lấp mặt bằng làm dự án dân cư, phân lô bán nền, lấn bờ sông... khiến mất dần các hướng thoát nước vốn có.
Dự án lần này sẽ chữa lún, nâng đường, làm thêm hệ thống thoát nước, được coi là giải pháp cứu con đường khỏi tình trạng ngập sâu hiện nay. Ngay khi cơ quan chức năng công bố dự án, nhiều người dân đã bày tỏ khó khăn về đi lại, buôn bán trong thời gian thi công.
Đó là nỗi lo trước mắt, người dân sẽ chấp nhận để hi vọng con đường đàng hoàng hơn hiện tại. Nhưng có nỗi lo lâu dài hơn: liệu rằng con đường này sẽ thoát ngập như mong muốn?
Nước sẽ thoát đi đâu?
Chi tiết dự án người dân không được rõ, nhưng chúng tôi băn khoăn: việc nâng đường có ảnh hưởng đến nhà dân hai bên đường không? Nâng đường không giải quyết triệt để ngập nước, ngược lại có thể đẩy điểm ngập đến một số nơi lân cận, có khi lại chuyển ngập từ ngoài đường vào nhà.
tôi hiểu rằng: chống ngập là cho cả khu vực, không phải thoát nước cục bộ, không chỉ làm riêng trên một tuyến đường nào đó. Chống ngập nếu thiếu quan tâm đến thực trạng nhà dân nơi lân cận, e rằng sẽ khiến khu vực xung quanh ngập thêm.
Thực tế có những tuyến đường sau khi nâng lên cao thì nước từ trong hẻm và đường xung quanh không có lối thoát, tạo thành dòng sông nhỏ trong khu dân cư khi có mưa lớn. Hệ lụy là nhà dân cũng phải nâng lên cao hơn, chưa giải quyết xong điểm ngập cũ đã phát sinh điểm ngập mới.
Địa hình như đường Nguyễn Hữu Cảnh có thể tận dụng môi trường tự nhiên để thoát nước ra sông Sài Gòn, rạch Văn Thánh, chỉ dùng máy bơm trong trường hợp không có dòng chảy.
Hệ thống cống cần tính toán sao cho phù hợp với cao độ lưu vực, mạng lưới thoát nước chung, không chỉ thoát nước mặt đường và vỉa hè dọc tuyến mà còn phải xét đến yếu tố thoát nước cho cả một quần thể hàng chục ngàn cư dân cùng với các tuyến đường kết nối và giao cắt như Lê Thánh Tôn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Tất Tố, Võ Duy Ninh, Điện Biên Phủ, khu Tân Cảng...
Trong thiết kế thoát nước nên ưu tiên giải pháp tự chảy, chọn hướng thoát ngắn nhất, không tắc nghẽn hoặc gây ngập cục bộ những khu vực lân cận.
Xác định mặt bằng lưu vực, diện tích, cao độ, dân số, nước thải, nước mưa là rất cần thiết để đưa ra chính xác giải pháp chống ngập, lượng nước cần thoát, hệ số dòng chảy.
Với đường Nguyễn Hữu Cảnh rất cần xác định đúng nguyên nhân gây ngập nước mới có giải pháp thích hợp, đảm bảo sinh hoạt cho người dân dọc tuyến và các khu vực lân cận, mang đến lợi ích lâu dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận