Cổng trường sập làm chết học sinh ở Đắk Nông tháng 1-2021 - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Hơn lúc nào hết, cần tổng kiểm tra cơ sở vật chất trường học trên toàn quốc, phải làm triệt để, trung thực, tất cả vì trường học an toàn.
Gần đây, nhiều vụ việc xảy ra trong trường học làm học sinh bị thương, tử vong như sập trần phòng học, tủ đè, nổ hóa chất trong phòng thí nghiệm, điện giật, cây phượng bật gốc... làm dấy lên lo ngại về an toàn trong trường học.
Các cấp quản lý hằng năm có hướng dẫn thực hiện an toàn trường học nhưng vì nhiều lý do vẫn còn xảy ra việc đau lòng. Sau những tai nạn thương tâm ở trường học, nhiều văn bản ban hành, có trường quan tâm, có trường chủ quan và có trường... trông chờ kinh phí.
Tôi đến thăm một trường vào dịp đầu năm học. Sân trường dày những lớp rêu. Chỉ sơ ý, thầy trò có thể trượt té, nếu điều đó xảy ra thì trách ai? Có trường nhà giữ xe ken kín xe máy. Vậy mà bình chữa cháy, nước, cát chữa cháy không có. Khi cháy xảy ra, phương tiện tại chỗ thế nào đây? Cột chống sét ở không ít trường học đã lâu không bảo dưỡng hoặc thay mới.
Lúc cơ quan chức năng đến kiểm tra lại đối phó. Có sét đánh, chẳng may thầy trò bị nạn, lãnh đạo nhà trường có hối cũng muộn! Và còn nhiều những nguy cơ gây mất an toàn, nhưng do chủ quan mà không được nhanh chóng khắc phục. An toàn trường học nếu không hành động nhanh, mỗi ngày đến trường e vui không trọn vẹn.
Hơn lúc nào hết, cần tổng kiểm tra cơ sở vật chất trường học trên toàn quốc, phải làm triệt để, trung thực, tất cả vì trường học an toàn. Căn cơ hơn, lãnh đạo các cơ sở giáo dục và cấp trên phải nghiêm cẩn trong xây dựng trường. Lúc xảy ra mất an toàn đối với thầy trò, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm.
Vì vậy, hiệu trưởng luôn bám trường, bám lớp, kịp thời phát hiện, nhanh chóng khắc phục nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thầy và trò. Mỗi sự cố thương tâm xảy ra trong nhà trường, hiệu trưởng day dứt mãi. Biết lo liệu để chu toàn trách nhiệm và còn để lòng mình thanh thản.
Của bền tại người, cơ sở vật chất trường học như tường rào, cổng trường, nhà tập thể dục... cần bảo dưỡng định kỳ. Chẳng hạn, nhà thể dục ngoài trời do lúc nắng lúc mưa, các ốc vít, mối hàn yếu đi. Lúc thầy trò tập luyện, mái che đổ sập xuống thì sao? Hay như hệ thống quạt, ổ cắm, dây dẫn, khi hư hỏng, thầy trò sơ ý chạm phải thì khó lường hậu quả.
Hiệu trưởng cân đối ngân sách, có kế hoạch bảo dưỡng, làm mới. Trong trường không làm được thì thuê mướn kỹ thuật viên bên ngoài. Tính mạng con người thì không thể "mất bò mới lo làm chuồng".
Vụ sập cổng trường làm chết 3 học sinh ở Lào Cai tháng 9-2020 - Ảnh: Laocaitv
Sập tường làm chết học sinh ở Nghệ An tháng 9-2020 - Ảnh: DOÃN HÒA
Thường xuyên kiểm tra
Hiện nay, nhiều hạng mục công trình tại một số trường học xuống cấp nghiêm trọng, cần phải được đầu tư, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho học sinh. Vì vậy, ban giám hiệu nhà trường phải thường xuyên kiểm tra chất lượng các công trình trong trường học để kịp thời đề xuất sửa chữa, nâng cấp công trình; thường xuyên chăm sóc, cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão để đảm bảo an toàn; xây dựng nội quy, quy chế quản lý học sinh một cách đầy đủ, chặt chẽ.
Đối với các hạng mục công trình hư hỏng, xuống cấp trong trường học nhưng chưa có phương án sửa chữa, khắc phục thì phải có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ như cảnh báo học sinh hoặc rào chắn xung quanh khu vực có công trình xuống cấp, hư hỏng, không để học sinh đến gần.
Đồng thời, nhà trường thường xuyên tuyên truyền, vận động học sinh chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của trường, của lớp; phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để quản lý, giáo dục học sinh.
Mặt khác, khi xảy ra vụ việc tai nạn thương tích trong trường học mà nguyên nhân là do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý của tập thể, cá nhân trong ban giám hiệu nhà trường thì phải xử lý nghiêm theo quy định. Có như vậy mới có thể hạn chế những vụ tai nạn thương tích đáng tiếc xảy ra trong trường học.
ĐỖ VĂN NHÂN (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận