Dù vậy, giá xăng dầu vẫn tăng khá mạnh, mức tăng thấp nhất là 143 đồng/lít và cao nhất lên tới 877 đồng/lít. Như vậy, tính từ kỳ điều hành ngày 12-6 đến kỳ điều hành này, mức tăng giá xăng dầu thấp nhất là 17,64% và cao nhất lên tới 34,82%. Thế nhưng cơ quan điều hành không trích quỹ bình ổn để kềm giá xăng dầu hoặc chỉ trích quỹ một cách nhỏ giọt, vì sao?
Hoạt động kinh tế, đời sống người dân bị ảnh hưởng
Trong kỳ điều hành ngày 21-9, dù được chi quỹ bình ổn với mức 300 đồng/lít (trừ dầu mazut) nhưng hầu hết các loại xăng dầu đều tăng giá mạnh. Trong đó, xăng RON95-III có mức tăng tới 877 đồng/lít, lên 25.748 đồng/lít; xăng E5RON92 cũng tăng 726 đồng/lít, dầu diesel 0.05S tăng 539 đồng/lít, dầu hỏa tăng 628 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S tăng 143 đồng/lít.
Theo cơ quan điều hành, giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng mạnh do giá xăng dầu thế giới chịu tác động mạnh bởi các yếu tố như nhu cầu tăng cao trong khi OPEC+ kiềm chế nguồn cung, triển vọng kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc khả quan hơn trong khi tồn kho giảm...
Như vậy, tính từ kỳ điều hành ngày 12-6 đến kỳ điều hành này, giá xăng E5RON92 đã tăng 3.683 đồng/lít, tương đương 17,64%; xăng RON95-III tăng 4.130 đồng/lít, tương đương 18,76%; dầu diesel 0.05S tăng 5.964 đồng/lít, tương đương 34,82%; dầu hỏa tăng 6.206 đồng/lít, tương đương 34,82%, dầu mazut tăng 3.465 đồng/kg, tương đương 23%.
Theo Bộ Công Thương, xăng dầu chiếm tỉ lệ cao trong tổng chi phí sản xuất của các ngành kinh tế. Chẳng hạn, với hoạt động khai thác thủy sản, chi phí xăng dầu chiếm 76,73% tổng chi phí sản xuất, với hoạt động vận tải là 63,36% và với khai thác than là 45,18%... Việc giá xăng dầu tăng mạnh thời gian qua, theo thừa nhận của Bộ Công Thương, đã gây tác động mạnh đến các hoạt động kinh tế cũng như đời sống người dân.
Không trích quỹ bình ổn vì vướng quy định?
Nhưng vì sao cơ quan điều hành không trích quỹ bình ổn để chặn đà tăng giá xăng dầu? Theo giải thích của Bộ Công Thương, việc không trích quỹ bình ổn là thực hiện theo quy định của thông tư 103/2021 của Bộ Tài chính về mức chi quỹ bình ổn xăng dầu.
Theo đó, quỹ bình ổn xăng dầu chỉ được liên bộ sử dụng khi chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ trước liền kề kỳ điều hành tăng từ 7% trở lên.
Do vậy, dù giá xăng dầu tăng liên tục trong 10 kỳ điều hành gần đây nhưng mức tăng giá cơ sở của hầu hết các mặt hàng xăng dầu đều dưới 7%, nên không thể trích quỹ bình ổn để kềm giá xăng dầu.
Chẳng hạn, trong kỳ điều hành lần này, dù giá cơ sở tất cả các mặt hàng xăng dầu đều cao hơn giá bán lẻ hiện hành nhưng các mặt hàng có chênh lệch giá từ 2,07 - 4,56% nên không thuộc trường hợp chi sử dụng quỹ bình ổn giá!
Tuy nhiên, để kềm đà tăng của giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp phù hợp, sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu nhằm làm giảm mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Trong thực tế, kỳ điều hành này cũng muộn hơn so với thông lệ một giờ, khi việc điều chỉnh tăng giá được áp dụng từ 16h.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến lạm phát tăng 0,36% và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5%. Do đó, việc giá bán lẻ xăng dầu tăng mạnh trong 10 kỳ điều hành qua đã tác động tương đối lớn đến chỉ số lạm phát và tốc động tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, nhiều ngành, lĩnh vực hoạt động kinh tế có đầu vào là mặt hàng xăng dầu cũng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và lớn như khai thác thủy sản, kinh doanh vận tải... đã và đang tác động lớn đến đời sống của các ngư dân và người lao động. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc chi sử dụng quỹ bình ổn là cần thiết để hạn chế tác động đến kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận