30/04/2012 09:30 GMT+7

Vận hội mới với hành lang xuyên Á

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Ngày 1-12-2004, đoàn xe caravan gần 100 chiếc của hành trình Ấn Độ - ASEAN sau đúng mười ngày xuất phát từ TP Guwahati (miền đông Ấn Độ), xuyên qua Myanmar, Thái Lan, Lào và theo quốc lộ 9 vào Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo.

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:

PdMQByr6.jpgPhóng to
Cây cầu Hữu Nghị 2 ở điểm cuối đường 9 đã nối thông tuyến đường này với nội địa ASEAN, mở ra cơ hội mới cho hành lang kinh tế Đông - Tây - Ảnh: L.Đ.Dục

Lần đầu tiên, một hành trình chứng minh sự kết nối xuyên Á bằng đường bộ là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, từ mấy thế kỷ trước không hề có ôtô hay quốc lộ, những cư dân của khu vực này đã tìm ra con đường giao thương quốc tế cho mình trên những bành voi xuyên Trường Sơn, tiền thân của đường 9 hôm nay...

Từ chiếc bành voi đến siêu thị...

Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục viết về tuyến đường buôn bán này vào thế kỷ 18: “Người dân mang muối mắm, cá khô, đồ sắt, nồi đồng, thoi bạc, hoa xuyến, các đồ lặt vặt đến đất người Man đổi lấy các hàng hóa thóc gạo, gà trâu, gai sáp, mây gió, vải Man, màn Man thuê voi chở về Cam Lộ. Người Man cũng có lấy voi chở hàng hóa xuống chợ Cam Lộ để bán. Cũng có một phiên chợ lùa trâu đến 300 con đến bán, giá một con trâu không quá 10 quan, giá một con voi chỉ hai hốt bạc...” (Phủ Biên, quyển 4). Chợ Cam Lộ mà nhà bác học Lê Quý Đôn nhắc đến chính là một trung tâm thương mại lớn của mấy thế kỷ trước. Giờ đây chợ vẫn ở cạnh quốc lộ 9 và họp theo từng phiên vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch mỗi tháng.

La Tina trong luận văn tiến sĩ của mình về “Xứ Đàng Trong” cũng nhấn mạnh: “Con đường thương mại quan trọng nhất ở Đàng Trong vào buổi đầu chạy qua đèo Ai Lao, từ sông Mekong đến bờ biển gần Quảng Trị. Tập trung ở thị trấn Cam Lộ, con đường này xuôi xuống cảng Cửa Việt và kéo lên Lao Bảo. Đây là con đường thương mại nhộn nhịp nhất trong vùng Thuận Hóa (trang 175)”. Dấu tích của Cam Lộ - trung tâm thương mại xưa - đã không còn, tuy nhiên nếu đi dọc theo đường 9 bây giờ sẽ thấy nhiều đô thị mới mọc lên như một sự tiếp nối từ quá khứ.

Từ TP tỉnh lỵ Đông Hà, km 0 của đường 9 buổi khởi thủy nay đã mọc lên một cụm hệ thống chợ, siêu thị sôi động bậc nhất của miền Trung mà bất cứ đoàn khách vào Nam ra Bắc nào khi ngang qua đây không thể không dừng lại mua sắm.

Từ Đông Hà lên Lao Bảo, với khoảng cách chỉ hơn 80km nhưng đã có năm TP và thị trấn: Đông Hà - Cam Lộ - Krông Klang (huyện lỵ Đakrông), Khe Sanh (huyện lỵ Hướng Hóa) và đô thị cửa khẩu Lao Bảo. Đặc biệt sự “lột xác” của đô thị Lao Bảo là điều kỳ diệu nhất khi nói về những kỳ tích của đường 9. Nói là kỳ diệu bởi Lao Bảo từ thế kỷ trước vốn nổi tiếng là vùng đất “dữ ma độc nước”, chỉ dành để xây... nhà tù giam giữ “quốc sự phạm”. Trên vùng đất ấy, ngày hòa bình lập lại những người dân miền xuôi lên đây lập nghiệp đã chịu đựng đủ bề cơ cực, sốt rét, bom đạn sót lại sau chiến tranh cướp đi không ít sinh mạng. Dường như sau ngần ấy thử thách lòng người, vùng đất dữ xưa kia cũng bù đắp lại cho những ai bền lòng bám trụ cùng với nó.

YvKhAxlu.jpgPhóng to

Dự án nâng cấp đường 9 trong tương lai, kết nối vào tuyến Xuyên Á A3 - Ảnh: L.Đ.Dục chụp lại từ dự án

Kết nối Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương

Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) được khởi động từ rất sớm, nhưng phải đến tháng 12-2006 mới thật sự kết nối toàn tuyến với sự kiện khánh thành cầu Hữu Nghị 2, nối điểm cuối quốc lộ số 9 trên đất Lào với TP Mukdahan, cửa ngõ vùng đông bắc Thái Lan, để từ đây ngược lên cửa khẩu Mesot của biên giới Thái Lan - Myanmar rồi xuyên về TP cảng Mawlamyine bên bờ Ấn Độ Dương.

Ngày 20-12-2006, chúng tôi may mắn được dự lễ khánh thành cây cầu Hữu Nghị 2 bắc qua sông Mekong trên biên giới Thái - Lào. Có lẽ chưa khi nào sự kiện thông tuyến một cây cầu của nước ngoài lại khiến nhiều người Việt trong nước, nhất là khu vực miền Trung Việt Nam, háo hức như việc khánh thành cây cầu Hữu Nghị số 2 này. Sự có mặt của nguyên thủ nhiều quốc gia trong khu vực tại lễ khánh thành đã nói lên phần nào tầm quan trọng đặc biệt của sự kiện.

Một cây cầu với kinh phí xây dựng chỉ 70 triệu đôla chưa phải là một “công trình vĩ đại” đối với khu vực, nhưng với bốn quốc gia trên tuyến EWEC nó thật sự “khai thông huyệt đạo” bế tắc từ rất lâu.

Để hình dung ra những tác động từ cây cầu với tuyến quốc lộ 9 xin dẫn chứng vài con số: mười ngày sau lễ khánh thành cầu (20-12), lượng khách Thái Lan về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo trong ngày 1-1-2007 là 1.500 khách. Con số này chưa phải thật lớn nhưng nếu biết rằng trong ba năm, từ 1999-2001, số du khách Thái qua cửa khẩu này chỉ đạt 1.300 người (giai đoạn du lịch Việt Nam bắt đầu khai thác du khách Thái qua các tuyến đường bộ trên biên giới Việt - Lào). Cũng từ khi đưa cầu Hữu Nghị vào sử dụng, hoạt động xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh qua ngả đường 9 vào cửa khẩu Lao Bảo tăng đáng kể. Nếu năm 2005 lượng khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu này là 143.000 lượt người, thì vào năm 2007 số lượt người đã tăng gấp đôi với 274.000 lượt. Tour du lịch “Một ngày ăn cơm ba nước” với lộ trình ăn sáng ở Huế hoặc Đông Hà, trưa ăn cơm ở Lào và ăn tối bên bờ sông Mekong của TP Mukdahan (Thái Lan) với giá cả rất “hữu nghị” đã được nhiều du khách đón nhận nồng nhiệt.

Những khởi động trên tuyến hành lang này chưa cho những con số tăng trưởng thật lớn, nhưng ở một vùng đất còn nhiều gian khó như miền Trung, hiện thực của những đô thị như Lao Bảo, sự phát triển của những tour du lịch kết nối du khách từ Thái, Lào vào Việt Nam đến với những di sản thế giới ở miền Trung như Huế, Hội An, Mỹ Sơn, Phong Nha... đang là những nỗ lực đáng mừng. Không chỉ mở ra cơ hội để phát triển du lịch, hành lang EWEC còn là “đường về nhà” của hàng vạn Việt kiều đang sinh sống và làm ăn ở vùng đông bắc Thái Lan. Rất nhiều bà con người Việt chúng tôi được gặp trong buổi lễ khánh thành cây cầu đã không giấu được niềm vui, khi rồi đây đường về quê sẽ không còn quá gian khó bởi những biên giới xa xôi và đò sông cách trở. Gia đình anh Dũng và chị Bé ở TP Khonkaen - thủ phủ vùng đông bắc Thái Lan, những người đã giúp chúng tôi rất nhiều trong chuyến đi tìm hiểu về cộng đồng Việt kiều ở đây, đã nói không dám mơ rằng rồi đây chỉ buổi sáng chất đồ đạc lên xe là tối đến có thể về ngồi uống cà phê bên sông Hương, quê hương của anh chị.

Và những tín hiệu mới đây từ đất nước Myanmar đang đổi mới cho thấy triển vọng của tuyến đường dài 1.450km chạy từ cảng Đà Nẵng lên cảng Mawlamyine sẽ còn hứa hẹn nhiều điều thú vị khác.

Tháng 10-1998, tại thủ đô Manila của Philippines hội nghị lần thứ 8 các bộ trưởng tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) đã có sáng kiến về hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).

Cũng vào cuối năm 1998, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập kèm theo là những ưu đãi đặc biệt cho các nhà đầu tư. Nhờ quy chế ưu đãi đặc biệt này, trong đó có việc sử dụng nguồn thu từ cửa khẩu để đầu tư xây dựng hạ tầng, Lao Bảo nhanh chóng được quy hoạch để phát triển với vóc dáng một đô thị cửa ngõ trên hành lang kinh tế Đông - Tây.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên