07/03/2015 09:57 GMT+7

Văn học VN định vị rồi mới tiếp thị với thế giới

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

TT - Một lần nữa, mục tiêu của hội nghị quốc tế quảng bá văn học VN là thông qua các dịch giả được mời đến, có thể giới thiệu văn học VN đến với độc giả thế giới.

Các đại biểu quốc tế tham dự lễ khai mạc Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam - Ảnh: Văn Luận

Mục tiêu ấy được ông Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn VN - diễn giải trong diễn văn khai mạc:

“Chúng tôi đã dịch và xuất bản một cách cơ bản hệ thống những tác phẩm tiêu biểu của các nền văn học khu vực và thế giới. Thực tế đó diễn ra nhiều thập kỷ, dẫn đến một hệ quả là tình trạng nhập siêu văn hóa kéo dài và gia tăng.

Giờ đây, chúng tôi muốn điều chỉnh và cải thiện tình hình. Chúng tôi không muốn chỉ là thị trường tiêu thụ văn hóa của thế giới mà phải là đối tác giao lưu văn hóa thế giới trên tinh thần bình đẳng và thân thiện”.

Lẽ dĩ nhiên, nếu tư duy văn học như những loại sản phẩm khác trên thị trường thì việc thúc đẩy xuất khẩu sẽ rất cần đến khâu tiếp thị. Thậm chí, cũng như các nguyên liệu hay sản phẩm tiêu dùng khác, chiến lược tiếp thị đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thâm nhập thị trường thế giới. Nhưng nói như thế cũng có nghĩa phải thừa nhận một điều: việc thúc đẩy xuất khẩu vẫn phải tuân thủ theo nguyên tắc cung - cầu của thị trường.

Như vậy, cần hai việc: thứ nhất, hiểu thị trường bên ngoài đang cần gì và thứ hai, văn học VN có gì hay khả năng đáp ứng đến đâu.

Trả lời cho câu hỏi văn học VN có gì, định vị mình ở đâu trên bản đồ văn học thế giới là một câu chuyện vô cùng khó.

Các vị khách được mời đến thường có những phát biểu chung chung về các giá trị tích cực của văn học VN thông qua những gì họ được biết, sẽ có những phát biểu đẹp lòng “đội nhà”, kèm theo đó là những hứa hẹn, chắc chắn thế.

Và cũng chắc chắn những diễn ngôn hữu nghị ấy sẽ thúc đẩy chỉ số niềm tin hay sự lạc quan nào đó cho nhà tổ chức sau mỗi kỳ hội nghị.

Men say từ các hội nghị “hội nhập từ trong nhà” thế này sẽ dễ làm “đội nhà” quên đi thực tế về một vùng văn học vẫn chưa thoát ra khỏi “chủ nghĩa tỉnh lẻ của bên nhỏ bé”, theo cách nói của Milan Kundera.

2 Trở lại thực tế dịch thuật văn học VN ra tiếng nước ngoài nhiều năm qua, có thể tạm chia ra ba con đường phổ biến:

1/ qua kênh hữu nghị (các dự án dịch thuật hữu nghị, trao đổi văn hóa giữa các nước, “giao hảo” giữa các hội nhà văn), 2/ qua mối quan hệ giữa các nhà văn trong nước với dịch giả hay nhóm dịch giả bên ngoài, 3/các nhà xuất bản bên ngoài chủ động tìm dịch các tác phẩm của VN với mục đích giảng dạy nghiên cứu và kinh doanh.

Trong ba con đường đó thì nếu đứng trên phương diện “hội nhập” thị trường, con đường thứ ba là đáng mong đợi và hướng đến nhất, tất nhiên, số tác phẩm văn học VN được dịch theo con đường này vẫn còn vô cùng ít ỏi.

Và cũng phải khẳng định rằng đây là con đường đầy thử thách, nhất là với một đời sống văn học từ lâu bản thân nó đã tự xem mình là một ngoại lệ.

Tính ngoại lệ thể hiện trước hết ở phương diện thông tin: những biến động, chuyển động của văn học trong nước chẳng mảy may có tác động nào vào dòng chảy thời sự chung của văn chương thế giới; thứ đến là sự vận hành nền xuất bản - với tư cách là kênh ấn hành tác phẩm - vẫn còn nhiều cơ chế dị biệt, chưa thể bắt nhịp được với thị trường công nghiệp xuất bản tự do bên ngoài.

Và cuối cùng là vấn đề bầu không khí sáng tạo tác động rất lớn đến tài năng, tâm thế, tầm nhìn văn chương của giới sáng tác để có thể sản sinh ra những tác phẩm có thể đáp ứng nhu cầu của bối cảnh thị trường rộng lớn.

3 Câu hỏi văn học VN đang đứng ở đâu trên bản đồ văn học thế giới xem chừng lớn lao, nhưng nếu không trả lời được thì việc “xúc tiến thương mại” là một nỗ lực đầy tính viển vông.

Ðừng quá lo lắng với vấn đề “nhập siêu” khi với tình hình dịch thuật hiện tại, chúng ta vẫn còn biết rất ít, rất chậm về lịch sử cũng như dòng chảy thời sự nghệ thuật văn chương của bên ngoài.

Cũng đừng nao núng phải tiến tới “xuất siêu” ngay, khi mà ngay cả cái việc nội tại là biết mình có gì bán được cho độc giả bên ngoài vẫn còn chưa thật sáng rõ và thuyết phục.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục