13/09/2018 12:00 GMT+7

Văn học tuổi 20 lần 6: Chờ mùa hái quả

HUỲNH TRỌNG KHANG
HUỲNH TRỌNG KHANG

TTO - 20 tác phẩm vào chung khảo cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 6 vừa được công bố , Tuổi Trẻ giới thiệu các lối viết được chú ý từ góc nhìn của một người đọc cùng thế hệ với các tác giả - cây bút trẻ Huỳnh Trọng Khang.

Văn học tuổi 20 lần 6:  Chờ mùa hái quả - Ảnh 1.

18/20 tác phẩm vào chung khảo lần 6 - Ảnh: Trần Thanh

Một số tác giả vào chung khảo không ngại đối diện và đau đáu, trăn trở với những vấn đề lớn trong xã hội, khai thác các vấn đề về lịch sử, văn hóa dân gian khá độc đáo như Nhân gian nằm nghiêng, Yagon - những kẻ vô cảm, Trăng trong cõi...

KIM TUYẾN (NXB Trẻ, thành viên ban tổ chức cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20)

Từ một chủ đề rộng mở "Viết về cuộc sống với những suy nghĩ, ước mơ, hành động của giới trẻ hiện nay", các tác giả tham dự cuộc thi lần này đã đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Bất ngờ thứ nhất là về độ tuổi tác giả tham dự, phần lớn thí sinh đều thuộc thế hệ 9X và phần đông đem đến cuộc thi tác phẩm đầu tay. Bất ngờ thứ nhất dẫn đến bất ngờ thứ hai là các tác phẩm vào chung khảo đều có chất lượng khá tốt, đa dạng về đề tài, bối cảnh và thể loại.

Trẻ mà không non

Các tác giả mới xuất hiện với tác phẩm đầu tay ngay lập tức cho công chúng thấy được sự mới mẻ của mình, sự chăm chút cho "đứa con đầu". Có thể thấy điều đó qua một số tác phẩm, điển hình là Sau những ngày mưa của Phạm Thu Hà.

Bỏ qua những vụng về trong câu chữ, độc giả được thuyết phục trước khả năng xây dựng truyện, nhân vật, cách kể chuyện tự nhiên, không gồng gánh quá nhiều triết lý hay quan điểm. Sau những ngày mưa hứa hẹn là tác phẩm lý tưởng cho một kịch bản phim.

Trăng trong cõi - truyện dài của Phạm Thúy Quỳnh - chẳng những thể hiện được ý trẻ mà không non, trái lại trẻ mà như già, già ở cách nhìn nhận lịch sử, ở cái lối tạo được một phong vị giả cổ và đưa đẩy các tình tiết truyện lưu loát, mạch lạc.

Điểm yếu của tác phẩm này chính là nó mỏng, mỏng nên không thi triển được hết những gì đã bày biện, nên độc giả có cảm giác chưa "đã" và một sự đuối sức vào phút cuối.

Cùng tiếp cận lịch sử, nhưng Đặng Hằng với Nhân gian nằm nghiêng cho ta trải nghiệm trực tiếp hơn bởi lựa chọn bối cảnh cuộc chiến tranh vệ quốc thế kỷ thứ XIII.

Chọn hình thức "xuyên không" đã quá quen với khán giả đại chúng để thể hiện khả năng văn chương, kể một câu chuyện Việt, Đặng Hằng đã thể hiện được bản lĩnh của mình.

Không chỉ Đặng Hằng "xuyên không", mà tác giả Bạch Đăng cùng "xuyên không" trong Những đứa con thời cổ tích. Hai tác giả khiến người đọc bật lên câu hỏi: Liệu "xuyên không" có trở thành một trào lưu của các tác giả Việt?

Kỳ ảo và hiện thực

Tính mở của Văn học tuổi 20 không chỉ ở đề tài, mà còn là khả năng dung hòa của cuộc sáng tác khi dành chỗ đứng cho những thể loại vốn bị xem là "á văn học", nhưng "á văn học" lại làm nên chuyện kỳ tích như Harry Potter hay Đấu trường sinh tử và vì thế, chúng ta có thể kỳ vọng từ những tác phẩm như Độc hành, Wittgenstein của thiên đường đen, Yagon - những kẻ vô cảm, Chuyện bên rìa thế giới, Thỏ rơi từ mặt trăng ở cuộc thi lần này. Nguyễn Đình Khoa, Maik Cây, Phạm Bá Diệp, Bùi Cẩm Linh, Nguyễn Dương Quỳnh cho thấy nhiều tác giả trẻ vẫn đang miệt mài với thể loại giả tưởng - thể loại từng tạo nên hiện tượng xuất bản toàn cầu.

Dĩ nhiên "thế giới thực" có sức hấp dẫn của riêng nó, ta thấy một vệt văn học miền Tây Nam Bộ vẫn được nối xuyên suốt qua các kỳ thi, ở lần này là truyện dài Bữa đời lạc phận của Ka Bình Phong và tập truyện Tự nhiên say của Phát Dương.

Cả hai tác giả đều còn rất trẻ và dù miền Tây của họ đã có bóng dáng của smartphone, Facebook thì cái không khí không pha lẫn vào đâu với những phận người tưởng chừng quê mùa đã được "khai thác" đến kiệt cùng vẫn tạo nên nét cuốn hút riêng biệt.

Quẩn quanh xóm làng thì cũng vươn ra thế giới, Mai Thảo Yên với truyện dài Người lạ, một người lạ cũng cô độc như Người xa lạ (L'Étranger) của A. Camus, nhưng cái Yên đối diện không phải sự phi lý, mà là khoảng cách giữa các nền văn minh trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Nhìn qua các tác phẩm lần này, có thể thấy sự lấn át của truyện dài, có sức nặng riêng, như khẳng định sự đầu tư của các tác giả vào dự án dài hơi hơn.

Nhưng quan trọng hơn cả độ dài là độ chín, với những tác giả vừa nói trên, Văn học tuổi 20 lần 6 đã phát đi những tín hiệu đáng để chúng ta kỳ vọng một mùa hái quả ngọt cho văn chương.

Những gương mặt thân quen

Sức hút của Văn học tuổi 20 (Hội Nhà văn TP.HCM, NXB Trẻ và báo Tuổi Trẻ tổ chức) ở chỗ cuộc thi không chỉ thu hút những tác giả mới toanh, mong ước lập thân bằng con đường văn chương mà còn cả những tác giả vốn đã rèn giũa bút lực từ lâu, đã có tác phẩm xuất bản: Nguyễn Thị Kim Hòa, Đinh Phương, Hiền Trang, Cao Nguyệt Nguyên, Tiểu Quyên, Phạm Bá Diệp...

Những khuôn mặt thân quen này làm cho không khí trở nên sôi động với những tác phẩm chắc tay.

Văn học tuổi 20: Xin chào những cây bút mới

TTO - Chương trình gặp gỡ “Tuổi 20 hôm nay” tại NXB Trẻ sáng 8-9 công bố 20 tác phẩm của 20 tác giả vào chung khảo cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 do Hội Nhà văn TP.HCM, NXB Trẻ và báo Tuổi Trẻ cùng tổ chức.

HUỲNH TRỌNG KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên