Phóng to |
Sách dễ tìm nhất đối với các em hiện nay là truyện tranh - Ảnh: LĐiền |
Câu hỏi này một lần nữa được đặt ra khi vào đầu tháng 6-2008, nhiều người cầm viết đồng loạt nhận được email với lời kêu gọi hết sức thiết tha mời tham gia nhóm sáng tác - trao đổi văn học thiếu nhi mang tên "Nhiệt đới".
Xung quanh sự hững hờ
Nguyên nhân chính - được nhắc đi nhắc lại qua nhiều bài báo - là sự thờ ơ của các cây bút trẻ. Không rõ cô nhà văn XYZ nào đó dại dột "tuyên ngôn": "Tôi chả dại gì viết cho thiếu nhi. Nhuận bút văn chương nước mình quá thấp..." (được dùng làm tít trong một số bài báo liên quan đến thực trạng văn học (VH) thiếu nhi), thành ra dân văn trẻ cứ việc hứng "đòn" dư luận: nào là họ vốn thông minh nên làm thế nào để nhanh chóng được bạn đọc biết đến; nào là vấn đề tình dục, đồng tính được khai thác triệt để gây hiệu ứng dư luận trong khi mảng VH thiếu nhi bị bỏ ngỏ, nào là các nhà văn trẻ vì tiền mà hững hờ với VH thiếu nhi...
Nhà văn Lê Phương Liên nói: "Các nhà văn thế hệ đi trước dù viết cho người lớn thường cũng ít nhất một lần cầm bút viết cho thiếu nhi. Quan tâm đến các em và viết cho các em dường như đã trở thành một hoạt động có liên quan, và là hoạt động mang tính toàn diện trong sự sáng tạo của mỗi nhà văn. Nhưng nhà văn trẻ hôm nay thì không như vậy".
Nhà văn Tô Hoài bảo: "Nếu trao giải thưởng 1 tỉ đồng thì sách thiếu nhi sẽ hay ngay". Còn nhà văn Châu Diên lại trầm ngâm: "Tôi có cảm giác nhà văn trẻ hôm nay "giữ võ” nhiều hơn mà thiếu đi sự tự nhiên, hồn nhiên vốn rất cần với người cầm bút, đặc biệt là nhà văn trẻ”.
Rất hiếm tác giả trẻ còn tiếp tục viết
Thực tế sau cuộc "tụ tập" vui vẻ của các cây viết 8X qua ba tuyển tập truyện ngắn 8x (Đông A - Nxb Hội Nhà Văn), Vũ điệu thân gầy (Nxb Trẻ), 198x (Bách Việt - Nxb Hội Nhà Văn), với quan điểm "viết văn chỉ là một cuộc chơi", nhiều người đã ngừng viết. Hiện tại, đối với các công ty, các nhà sách tư nhân cũng như đối với các nhà xuất bản, việc tìm kiếm tác phẩm (kể cả nội dung quanh quẩn chuyện tính dục hay đồng tính) của một tác giả trẻ để in được thành tuyển tập trở nên vô cùng khó khăn.
Điểm qua nhiều bài báo "nêu gương" các nhà văn trẻ còn đều đặn xuất hiện thì cũng chỉ chừng ấy khuôn mặt: Phong Điệp, Di Li, Đặng Thiều Quang, Cấn Vân Khánh, Vũ Đình Giang, Dương Bình Nguyên, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Trần Nhã Thụy, Phan Hồn Nhiên....
Trước câu hỏi phải chăng nhà văn trẻ thật sự không quan tâm đến văn học thiếu nhi, nhà văn Phong Điệp trả lời: "Viết văn là thôi thúc của bản thân. Viết cho thiếu nhi hay viết cho mình cũng từ thôi thúc bản thân của mỗi người. Các tác giả trẻ còn ít hoặc chưa có tác phẩm VH thiếu nhi không có nghĩa họ quay lưng lại với VH thiếu nhi.
Để nổi tiếng có nhiều cách, mà tìm đến VH để nổi tiếng thì một là rất khó khăn, hai là đầy mạo hiểm". Còn nhà văn Đặng Thiều Quang khẳng định: đây là trách nhiệm chung của cả xã hội, trong đó giới xuất bản và giới cầm bút chỉ là một phần nhỏ. Nói cách khác, xã hội tiêu dùng không coi trọng VH nói chung và VH thiếu nhi nói riêng thì những gì nhận được hiện nay là tất yếu".
Viết cho thiếu nhi là thử thách với người sáng tác
Trong hai năm vừa qua, cùng sự đầu tư cả chiều rộng lẫn chiều sâu, các công ty sách tư nhân, đặc biệt là Nhã Nam đã cho ra một loạt tác phẩm dịch nổi tiếng dành cho thiếu nhi. Ngay sau khi phát hành, các tác phẩm này đã nhận được nhiều sự ủng hộ nhiệt thành của độc giả nhỏ tuổi cũng như các bậc phụ huynh, bởi "trẻ con thì thấy giống quá, người lớn thì thấy nhớ quá”... Cũng chính từ việc sách ngoại cao cấp dành cho thiếu nhi đang chiếm lĩnh thị trường trong nước, thách thức đối với người cầm bút viết cho mảngVH thiếu nhi càng cao.
Tuy nhiên, ông Vũ Hoàng Giang - phó giám đốc Công ty TT Nhã Nam - lại cho rằng: "Qua các tác phẩm VH thiếu nhi nước ngoài đó, hi vọng các nhà văn VN có thể có cách tiếp cận mới cho thiếu nhi, đặc biệt là vấn đề thay đổi quan điểm "giáo dục" thiếu nhi. Cá nhân tôi nhận thấy ngày nay người lớn đang bắt trẻ con phải làm được những việc mà chính họ vào tuổi đó cũng không làm nổi".
Nhà văn Vũ Phương Nghi sau thành công của tiểu thuyết Chuyện lan man đầu thế kỷ dành cho "người lớn", chị chuyển sang viết một cuốn sách cho thiếu nhi với tên Voi và chim sẻ. Để viết cuốn này, Nghi phải tìm đọc rất nhiều sách cũng như tài liệu liên quan và chị thú nhận: "Để viết được truyện mà các em đọc thấy thích vô cùng khó”. Trên thực tế, viết truyện cho thiếu nhi thật không đơn giản. Đúng như nhà văn Châu Diên đã nói, để có được những trang truyện hay cho thiếu nhi thì "phải là những người sáng tạo tự do và có trách nhiệm. Họ là những người tài năng".
Còn nhà văn Phan Hồn Nhiên suy nghĩ: "Nhu cầu đọc tác phẩm mới, gần gũi với thời đại các em đang sống vẫn luôn rất cao. Làm sao viết để các em đọc thấy đúng là mình, không lên gân dạy dỗ, không "giả giọng" các em là một thử thách với người sáng tác".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận