30/08/2010 05:14 GMT+7

Văn học, Phật giáo - những kỳ vọng từ đất Thăng Long

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Hội thảo “Văn học, Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” vừa khai mạc tại Bình Dương hôm 28-8, quy tụ gần 300 nhà nghiên cứu văn học, Phật giáo với hơn 36 tham luận do Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM phối hợp với Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM tổ chức.

9aeXEGX4.jpgPhóng to
Hòa thượng Thích Trí Quảng (bìa phải) phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: L.Điền

Có bốn nhóm chủ đề được đề cập: Vai trò của Phật giáo đối với việc thành lập, phát triển kinh đô Thăng Long và nước Đại Việt thời Lý - Trần và những triều đại về sau; Văn học Phật giáo và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; Văn học cổ điển viết về Thăng Long - Hà Nội; Văn học hiện đại viết về Thăng Long - Hà Nội.

Nhiều thành tựu văn học thời Lý - Trần cho đến thời hiện đại được các học giả, nhà nghiên cứu nêu lại và phân tích trong mối quan hệ với Thăng Long - Hà Nội trong nhiều chiều: cảm hứng văn học, chủ đề sáng tác... Như các tham luận về phần văn học cổ điển: “Biểu tượng đa nghĩa của Thăng Long trong thơ Nguyễn Du” (GS Nguyễn Huệ Chi), “Văn học Phật giáo VN đồng hành với 1.000 năm Thăng Long” (hòa thượng Thích Phước Sơn), “Văn học Phật giáo đã viết nên chương mở đầu xuất sắc của nền văn học VN” (Lê Sơn), “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh - một biểu hiện của xu hướng dung hợp tư tưởng” (Nguyễn Đức Mậu)...

Và đặc biệt, có rất nhiều tham luận đánh giá cao những tác phẩm văn học VN hiện đại với đề tài Thăng Long - Hà Nội: “Tiểu thuyết viết về Lý Công Uẩn của Phạm Minh Kiên và cảm hứng dân tộc trong tiểu thuyết lịch sử Nam kỳ trước 1945” (Đoàn Lê Giang), “Tư tưởng Phật giáo VN thời Lý - Trần qua vở kịch Rừng trúc” (Nguyễn Thị Lam Anh), “Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp như một dụ ngôn về lịch sử và quá trình viết lại lịch sử” (Phạm Ngọc Lan).

Trong đó có một bộ phận văn học miền Nam cũng gắn với Thăng Long - Hà Nội như: “Hình ảnh Thăng Long - Hà Nội trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975” (Nguyễn Thị Thu Trang), “Thăng Long - Hà Nội trong sáng tác của một số nhà văn dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954-1975)” (Phạm Thanh Hùng), “Đôi thi sĩ đất Hà Tiên và Thăng Long - Hà Nội” (Võ Văn Nhơn)...

Trong lời phát biểu khai mạc, hòa thượng Thích Trí Quảng - phó chủ tịch hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN - nhận định: “Phật giáo VN luôn đồng hành cùng dân tộc, đồng cam cộng khổ chia ngọt sẻ bùi cùng dân tộc, thăng trầm cùng dân tộc trải qua nhiều thời đại và trong mọi hoàn cảnh. Sự an nguy của dân tộc cũng chính là nỗi lo canh cánh trong lòng những người con Phật, bởi tất cả đều mong muốn một đời sống thanh bình, an lạc...”.

Và PGS Trần Hữu Tá trong báo cáo đề dẫn đã dẫn lời GS Phong Lê cho rằng: “Cuộc hành trình theo gương mặt xã hội và chân dung tinh thần con người Hà Nội trải rộng suốt chiều dài lịch sử của nền văn học... giúp mọi thế hệ người đọc hiểu bản lĩnh dân tộc Việt và cốt cách con người Việt”.

Ban tổ chức đã đúc kết từ hội thảo các bài học quan trọng: bài học về bảo vệ đất nước, ngoại giao quốc tế, khoan dung tôn giáo, về dân chủ, chính trị, minh triết, sự đồng hành. Trong đó có những ý tưởng tốt như: “Cả hai triều đại Lý - Trần đất nước ta vững mạnh về chính trị, kinh tế và giáo dục, các vị vua minh triết để lại nhiều áng văn bất hủ cho nền văn học nước nhà. Các nhà vua khéo léo trong việc dùng đạo để giúp đời và lấy dữ liệu đời để soi sáng đạo...”.

Kết thúc hội thảo, ban tổ chức cũng có ba kiến nghị quan trọng được đề nghị lên Chính phủ và các cơ quan chức năng: dựng thêm tượng anh hùng, danh nhân và dùng tên của họ để đặt tên đường; có chính sách thích hợp để phát triển Phật học, trước mắt nên sớm cấp mã đào tạo cho ngành Phật học.

Trong đó, vấn đề phát triển giáo dục Phật giáo đang được nhiều người quan tâm, bởi tại nhiều nước Phật học được xem là khoa độc lập có cấp đào tạo từ cử nhân đến tiến sĩ. Và Học viện Phật giáo VN hiện nay chỉ là nơi dạy Phật học như một ngành triết học hay khoa học xã hội và nhân văn. Sự phát triển ngành Phật học đồng nghĩa với phát triển tri thức và khoa học.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên