05/11/2017 17:57 GMT+7

Văn học Nga - tình yêu và sự đứt đoạn

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Buổi tọa đàm sáng 5-11 của hai dịch giả Phạm Ngọc Thạch và Trần Tiễn Cao Đăng tại Đường sách TP.HCM về 'Dịch sách văn học Nga hôm qua và hôm nay' thu hút nhiều bạn đọc.

Văn học Nga - tình yêu và sự đứt đoạn - Ảnh 1.

Hai dịch giả Phạm Ngọc Thạch (giữa) và Trần Tiễn Cao Đăng (trái) đang giới thiệu về dịch sách văn học Nga tại Đường sách - Ảnh: L.ĐIỀN

Đây là một phần nội dung của chương trình Những ngày sách Nga đang diễn ra tại Đường sách. Văn học Nga thời trước và sau Xô Viết với nhiều danh tác của các tác giả lớn đến nay vẫn là kỷ niệm đẹp của nhiều bạn đọc Việt Nam.

Tình yêu văn học Nga 

Đến nay, thành tựu về văn học Nga là những tên tuổi đỉnh cao từ thế kỷ 19 vẫn là những tác giả yêu thích của nhiều thế hệ bạn đọc của nhiều quốc gia: Thơ của Pushkin, Lermontov; tiểu thuyết của Lev Tolstoy, Dostoyevsky, Gogol, Turgenev; thế kỷ 20 Nga có các tác gia như: Maksim Gorky, Solokhov, Paustovsky, Esenin, Mayakovsky, Mikhail Bulgakov, Boris Pasternak...

Cả hai dịch giả Phạm Ngọc Thạch và Trần Tiễn Cao Đăng đều có những kỷ niệm sâu sắc với văn học Nga, và dành cho văn chương Nga nhiều sự quan tâm. Chẳng hạn ông Phạm Ngọc Thạch ghi nhận những tác phẩm văn chương Nga từng được bạn đọc Việt Nam biết đến từ những năm 1920, "tuy nhiên lúc bấy giờ chủ yếu là văn học Nga được dịch sang tiếng Việt thông qua bản tiếng Pháp", ông cho biết.

Ông Thạch cũng chia sẻ ông đang có trong tay bản dịch của Thiên Giang tác phẩm Giữa chốn ba quân của Aleksandr Sergeyevich Pushkin in từ năm 1951, sau này được biết đến với nhan đề Người con gái viên đại úy. "Đây là một trong những tác phẩm văn học Nga được dịch sớm ở Việt Nam".

Còn Trần Tiễn Cao Đăng cho biết từ tuổi lên mười ông đã tiếp cận văn học Nga bằng tủ sách của mẹ là giáo viên văn. Hai tác phẩm Nga đầu đời ông đọc là Một bản đàn của Lev Tolstoy và Anh em nhà Karamazov của Dostoyevsky bản dịch của Trương Đình Cử.

"Mãi sau này tôi mới được đọc bản dịch Anh em nhà Karamazov bạn dịch của Phạm Mạnh Hùng. Còn văn học thời Nga Xô Viết thì quyển đầu tiên tôi đọc là Thép đã tôi thế đấy vào năm 1975", ông Cao Đăng nhớ lại.

Cũng chính vì tình yêu văn học Nga mà ông Cao Đăng khi vào đại học đã chọn ngành Ngữ văn Nga như một sự tự nhiên.

Còn dịch giả Phạm Ngọc Thạch thì "vẫn nhớ như in" quyển đầu tiên thuộc dòng văn học Nga ông đọc thuở bé thơ là An Na Kha Lệ Ninh (AnnaKarenina) của Lev Nikolayevich Tolstoy, "nhưng thú thật là lúc đó tôi không thẩm thấu bao nhiêu đâu, đến chừng lớn lên, yêu văn học Nga, thì rất thích Aimatov và Paustovsky. 

"Đến giờ tôi vẫn nhớ thời tìm đọc của NXB Cầu Vồng các sách văn học Nga, có những bản dành cho tiếng Việt, họa sĩ đã vẽ riêng những tranh minh họa khác với bản tiếng Nga. Tôi thường có những buổi lang thang trong nhà sách ngoại văn Xuân Thu ở đường Đồng Khởi, chủ yếu là đọc cọp xem ké hình trong sách và rồi xem lại túi tiền của mình đủ mua một quyển nào yêu thích nhất", ông Thạch kể.

Những cuộc đeo đuổi nặng nợ đam mê

Như một nhân duyên, khi lớn lên, học chuyên ngành dầu khí nhưng Phạm Ngọc Thạch vẫn đeo đuổi đam mê văn chương Nga, và rồi ông được đi du học Nga. "Thời gian ở Nga, tôi tìm đọc nhiều danh tác thế giới đã được người Nga dịch sang tiếng Nga".

Và cách nay mười năm, khi tham gia sinh hoạt tại diễn đàn Sách Xưa, cùng trao đổi về chuyện dịch thuật, ông Phạm Ngọc Thạch công bố các bản dịch truyện ngắn Nga của mình và được cộng đồng mạng khích lệ, ông dấn bước vào công việc dịch thuật văn học Nga từ nguyên tác Nga ngữ.

"Vẫn còn nhớ hồi năm 2013, Nhã Nam muốn làm lại quyển Cánh buồm đỏ thắm với bản dịch mới và tranh vẽ cũng được một họa sĩ người Ý vẽ mới. Tôi nhận lời dịch bản này, và được giới thiệu nhân dịp đường sách xuân Nguyễn Huệ dịp tết năm ấy".

Chia sẻ với Phạm Ngọc Thạch, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cho hay chính ông cũng nhờ tiếng Nga làm cầu nối để ông tiếp cận các danh tác bằng ngôn ngữ khác, mà một điển hình là ông đã dịch Từ điển Khazar (của tác giả Milorad Pavíc, bản gốc viết bằng chữ cái Cyrillic) thông qua bản tiếng Nga. 

Ông Đăng thừa nhận chính một thời thơ ấu yêu thích các truyện khoa học giả tưởng của Nga mà sau này lớn lên dù dịch hay sáng tác, ông luôn có thiên hướng "đi về phía" khoa học giả tưởng, "có lẽ đó là do những năng lượng đã nạp từ thời thanh niên".

Sự "đứt đoạn" đáng tiếc

Văn học Nga - tình yêu và sự đứt đoạn - Ảnh 2.

Bạn đọc đến dự và chia sẻ mối quan tâm đến văn học Nga cùng hai dịch giả - Ảnh: L.ĐIỀN

Cả hai dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng và Phạm Ngọc Thạch đều lưu ý về một thực trạng: Đó là sự "đứt đoạn" trong mối quan tâm về văn học Nga từ Việt Nam. Sau năm 1991, tình hình học tiếng Nga tại Việt Nam thay đổi, mối quan tâm đến văn học Nga vì thế cũng bị ảnh hưởng.  

Một vấn đề khác là văn học đương đại Nga hiện đang thế nào? Công việc cập nhật và giới thiệu tác phẩm mới của Nga cho bạn đọc Việt Nam trước hết thuộc về các đơn vị làm sách và giới nghiên cứu.

Dịch giả Phạm Ngọc Thạch nêu trường hợp tác phẩm Tuần đêm (được biết với tên Night Watch bản tiếng Anh) của Sergey Lukianenko được in số lượng ít ở Việt Nam và hầu như ít ai biết đến tác phẩm này. Trong khi đây là tác phẩm lớn, từng được dựng thành phim cũng nổi tiếng không kém truyện.

Ông Thạch cho biết thêm hiện nay văn chương Nga có những tác giả rất nổi tiếng, bên cạnh Lukianenko như đã đề cập còn Shishkin cũng là tác giả lớn, "tôi muốn dịch và giới thiệu những nhà văn Nga như thế đến với bạn đọc Việt Nam, nhưng việc đầu tư làm sách phải trông chờ các đơn vị xuất bản, chứ bản thân những dịch giả như tụi tôi không thể kiêm luôn cả khâu làm sách", ông Thạch bày tỏ.

Hai dịch giả cũng lên tiếng về "bức tranh đáng buồn" về thế hệ dịch giả tiếng Nga hiện nay, hầu như đều từ độ tuổi U60 trở lên.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên