
Nhà văn Bảo Ninh (trái) và nhà văn Nguyễn Bình Phương - Ảnh: T.ĐIỂU
Đó cũng là cơ hội lớn cho ra đời một tác phẩm văn học đỉnh cao về đề tài này.
Tại hội thảo văn học "Nhìn lại văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", do tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tổ chức ngày 9-4 tại Hà Nội, hai "từ khóa" được nhắc đến nhiều nhất là "Nỗi buồn chiến tranh" và "Địa đạo".
TS Phạm Xuân Thạch nói văn học viết về đề tài chiến tranh thời hậu chiến ngoài tác phẩm của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng, Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, Bức tranh của Nguyễn Minh Châu, Mưa đỏ của Chu Lai... thì phải kể đến những thế hệ tiếp nối.
Như Mình và họ của Nguyễn Bình Phương hay các tác phẩm viết về cuộc chiến với góc nhìn độc đáo của lớp tác giả trẻ không đi qua chiến tranh như Huỳnh Trọng Khang, Lê Khải Việt.
"Nỗi buồn cao cả" trong văn học hậu chiến
GS Trần Đình Sử dành bài tham luận riêng về cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Ông nói tác phẩm đã ra đời hơn 30 năm, nhưng việc đọc hiểu tác phẩm này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Chiến tranh có rất nhiều mất mát, đau thương, khốc liệt, tan vỡ, hủy hoại, ông Sử cho rằng nỗi buồn là một phương diện không tách rời của chiến tranh. Và đó là nỗi buồn cao cả. Văn học hậu chiến cũng có cái cao cả của riêng nó.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định trong Nỗi buồn chiến tranh Bảo Ninh đã đứng ở chủ nghĩa nhân đạo để nhìn cuộc chiến. Nhà văn Nguyễn Bình Phương nói sau khi đất nước thống nhất, hòa bình, văn học với thiên lương của mình vẫn tiếp tục khắc họa những nét đẹp của người Việt trong chiến tranh.
Đồng thời tìm cách khâu vá lại những vết thương tinh thần do chiến tranh để lại, phân tích và đánh giá để tìm ra những bài học kinh nghiệm cho tương lai.
Văn học viết về chiến tranh thời hậu chiến giúp bạn đọc nhìn được tình thế của dân tộc mình, ứng xử của người Việt trong những thời khắc cam go ác nghiệt nhất. Và thấy khát vọng thống nhất để càng trân quý giá trị của hòa bình hôm nay.
Ghi nhận thành tựu không nhỏ của văn học viết về chiến tranh sau ngày đất nước thống nhất, nhà phê bình Ngô Thảo nói chúng ta đã có nền văn học cởi mở hơn.
Ở đó "người vui được nói chuyện vui, người buồn được nói chuyện buồn, những người lính tài hoa biết nói thật tâm trạng của mình".

Hội thảo được đánh giá cao về chất lượng khi thu hút những tên tuổi lớn trong làng văn chương tham gia góp ý kiến và mỗi tham luận lại có người phản biện, trao đổi - Ảnh: T. ĐIỂU
Mong tác phẩm đỉnh cao
Nhận định cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước là cơn địa chấn đánh động vào tâm thế dân tộc, làm thay đổi chúng ta rất nhiều nên ông Ngô Thảo hy vọng đó vẫn tiếp tục là đề tài cho văn học nghệ thuật khai thác.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà phê bình Phạm Xuân Thạch, Đỗ Hải Ninh và nhà văn Bảo Ninh... đều có chung niềm hy vọng này.
Họ mong sắp tới có nhiều tác phẩm về chiến tranh của những tác giả sinh sau chiến tranh. Nhìn vào các cây viết trẻ viết về đề tài chiến tranh như Lê Khải Việt hay Huỳnh Trọng Khang, ông Thạch cũng đầy hy vọng trong tương lai.
Nhà văn Bảo Ninh xúc động nói cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta "máu xương đổ ra mênh mông", trong đó có máu xương của nhiều văn nghệ sĩ.
Ông cho rằng nếu thế hệ nhà văn hôm nay bỏ qua đề tài văn học chiến tranh là có lỗi lớn với các chiến sĩ, các nhà văn đã hy sinh. Ông mong người trẻ tiếp tục viết về đề tài này và sẽ tạo ra tác phẩm đỉnh cao của văn học Việt.
Vừa xem phim Địa đạo về, Bảo Ninh đầy niềm tin rằng công chúng rất quan tâm đến đề tài chiến tranh cách mạng nếu tác phẩm đủ hay, đủ lay động họ.
Và các văn nghệ sĩ dẫu không đi qua chiến tranh vẫn có thể tạo ra những tác phẩm xuất sắc, cảm động về đề tài chiến tranh nếu họ thực sự làm bằng trái tim, sống chết với tác phẩm, như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã làm.
Định kiến về văn học chiến tranh Việt Nam?

Trưng bày một số cuốn sách tiêu biểu về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Thư viện Quân đội - Ảnh: T.ĐIỂU
TS Đỗ Hải Ninh cho biết có ý kiến cho rằng văn học viết về chiến tranh của chúng ta chưa đạt đến tầm triết học.
Bà thấy khác, có những tác phẩm chạm đến thân phận con người, về cái ác, bạo lực, về nhân tính... Đấy là những vấn đề mang tầm triết học, ẩn chứa những suy tư về triết học.
Cũng có ý kiến nói văn học chiến tranh chưa đủ cảm xúc, bà Ninh không đồng tình và nói "hãy đọc lại những tác phẩm hay nhất của văn học chiến tranh Việt Nam" như Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Bến không chồng (Dương Hướng)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận