20/06/2016 15:56 GMT+7

Về Thu Xà, ghé thăm thi sĩ Bích Khê  

VÕ QUÝ CẦU
VÕ QUÝ CẦU

TTO - Về Thu Xà - thương cảng xưa nay thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi - bạn nhớ đừng quên ghé Nhà lưu niệm thi sĩ Bích Khê - thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh nơi vùng đất cuối sông Trà.

Dòng sông quê in đậm trong thơ Bích Khê: “ Ngày đi chậm lắm. Dòng sông biếc” - Ảnh: VÕ QUÝ CẦU
Dòng sông quê in đậm trong thơ Bích Khê: “Ngày đi chậm lắm. Dòng sông biếc” - Ảnh: VÕ QUÝ CẦU

Với nhiều du khách, về Thu Xà là phải ghé chùa Ông - di tích lịch sử quốc gia độc đáo - để vãn cảnh chùa thắp hương lên bàn thờ đức Quan Thánh, xem kiểu kiến trúc giao thoa giữa người Việt với người Hoa.

Rồi sau đó ghé hàng quán bên đường ăn bát don để tận hưởng dư vị của vùng đất nơi con sông Trà, sông Vệ hợp nhau trước khi đổ về biển cả.

Người am hiểu hơn thì xuống bãi Dừa lên chiếc bè tre nối ra sông Vực Hồng để đón những làn gió mát thổi lên từ phía biển, thưởng thức những món ngon như tôm nướng, cá nướng, cua biển, ghẹ luộc chấm muối tiêu.

Cao hứng thì thuê chiếc thuyền chèo ra sông Vực Hồng ngắm biển của Lở và những con tàu sau những chuyến xa khơi trở về thả neo trên sông.

Không nhiều người biết ở vùng đất cuối sông Trà này có một địa chỉ cần đến là Nhà lưu niệm thi sĩ Bích Khê (vừa được khánh thành ngày 14-6-2016), người nổi danh trên thi đàn văn học lãng mạn giai đoạn 1930-1945 với trường phái thơ tượng trưng và cả những bài thơ về quê hương Thu Xà .

"Nơi đây làng cũ buồn thu quạnh
 Anh có khi nào trở lại chưa?
 Ngày đi chậm lắm. Dòng sông biếc
 Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa

(Làng em - Bích Khê)

Cái dòng sông Vực Hồng trong xanh và cả khúc sông dài từ sông Cây Bứa đổ về bao bọc lấy làng quê Thu Xà rồi đổ ra sông Hiền Lương, ra cửa Cổ Lũy trong buổi chiều êm với những khóm tre già và những bàu sen hoa nở gợi cho du khách cảm giác yên bình của vùng đất.

Mộ của thi sĩ Bích Khê thường ngày vẫn có nhiều bạn thơ, du khách ghé thắp hương - Ảnh: VÕ QUÝ CẦU
Mộ thi sĩ Bích Khê thường ngày vẫn có nhiều bạn thơ, du khách ghé thắp hương - Ảnh: VÕ QUÝ CẦU
Nhà thờ tộc họ Lê có gian thờ thi sĩ Bích Khê - Ảnh: VÕ QUÝ CẦU
Nhà thờ tộc họ Lê có gian thờ thi sĩ Bích Khê - Ảnh: VÕ QUÝ CẦU
Nơi thờ thi sĩ Bích Khê - Ảnh: VÕ QUÝ CẦU
Nơi thờ thi sĩ Bích Khê - Ảnh: VÕ QUÝ CẦU

Nhiều du khách, bạn yêu thơ sau khi ngắm dòng sông thẳng đường đến gần Trường THPT Thu Xà rồi rẽ ra phía bắc theo con đường bêtông tìm về nghĩa địa thôn Hòa Phú để thắp cho thi sĩ tài hoa, bạc mệnh một nén nhang.  

Trong khói hương, trong sắc trời chiều hồn thi sĩ như cứ vương vấn đâu đây.

"Sau nghìn năm nữa trên trần thế
 Hồn vẫn về trong bóng nguyệt so
i” 

(Lời tuyệt mệnh - Bích Khê) 

Nhà lưu niệm Bích Khê nằm ở bên tả gần ngã ba Hòa Phú, hướng ra khu vực Bãi Dừa và lối về thôn Hòa Phú nguyên là nhà thờ tộc họ Lê có khuôn viên rộng 2.000m2. Sau hai năm dồn sức thi công, giai đoạn 1 của khu lưu niệm đã được hoàn thành.

Theo lối đi vào sẽ gặp nhà thờ của tộc họ. Gian chính thờ các bậc tiền hiền. Ở phía nam nhà thờ dành một gian thờ Bích Khê với bức tranh chân dung và tượng của thi sĩ Bích Khê, người yểu mệnh (1916-1946) nhưng có đôi mắt sáng gợi mở một tâm hồn thơ, một bút lực tuyệt vời.

Nối liền với nhà thờ là khu vườn hoa có những phiến đá khắc đôi câu thơ cùng nhà thủy tạ, hồ sen. Đây là nơi Bích Khê từng viết những bài thơ in trong tập Tinh Hoa, Tinh Huyết tiêu biểu cho bút pháp thơ tượng trưng và cả những bài thơ thiên về tả thật khung cảnh quê hương hay tự sự về bệnh tật của chính mình.

Vườn trong khu lưu niệm có nhà thủy tạ , hồ sen và tiểu cảnh có khắc thơ Bích Khê trên đá - Ảnh: VÕ QUÝ CẦU
Vườn trong khu lưu niệm có nhà thủy tạ, hồ sen và tiểu cảnh có khắc thơ Bích Khê trên đá - Ảnh: VÕ QUÝ CẦU
Sơ đồ Phố xưa Thu Xà trong khu lưu niệm Bích Khê - Ảnh: VÕ QUÝ CẦU
Sơ đồ phố xưa Thu Xà trong khu lưu niệm Bích Khê - Ảnh: VÕ QUÝ CẦU
Một góc phố xưa Thu Xà được tái hiện nơi phía Đông Bắc của Khu lưu niệm Bích Khê - Ảnh: VÕ QUÝ CẦU
Một góc phố xưa Thu Xà được tái hiện nơi phía đông bắc khu lưu niệm Bích Khê - Ảnh: VÕ QUÝ CẦU

Đi trong khuôn viên nhà lưu niệm, du khách còn gặp hai cây nhãn cổ, gợi nhớ đôi câu thơ của thi sĩ cùng bệnh tật vây bủa ông trong những năm cuối đời: “Là lúc đêm về trên mái ngói. Những nhành nhãn muộn cánh dơi lay". (Làng em - Bích Khê). 

Ở góc phía đông bắc khu lưu niệm có dành một khoảng không gian tái hiện phố cổ Thu Xà gồm sơ đồ, sao lục địa danh và hình một góc phố cổ.

Người xem liên tưởng và hiểu rõ hơn phố xưa Thu Xà - nơi theo sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn “nhà cửa trù mật, người Việt, người Tàu tụ hội buôn bán đông đúc giàu có, so với các hạt ở miền nam thì phố này kém thua phố Hội An ở Quảng Nam, mà thạnh hơn phố Tân Quan tại Bình Định, cũng gọi là một chỗ đô hội vậy”.   

Phố cổ Thu Xà hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ. Đến đầu thế kỷ 20, khi đường bộ bắt đầu phát triển, những đô thị mới hình thành dọc đường thiên lý Bắc - Nam (nay là quốc lộ 1), Thu Xà thành phố xưa đi vào trong thơ Bích Khê lắng đọng, mơ màng.

Nơi đây thành phố đời ngưng mạch
 Mấy nàng lai khách vẫn buồn mơ
 Đường lên Hội quán sương khuya xuống
 Đâu những chàng trai rõi nhớ hờ?

(Làng em - Bích Khê)

Một đoạn phố Thu Xà bây giờ - Ảnh: VÕ QUÝ CẦU
Một đoạn phố Thu Xà bây giờ - Ảnh: VÕ QUÝ CẦU

Thế đó, về Thu Xà có ghé nhà lưu niệm Bích Khê sẽ hiểu hơn về tâm hồn, bút lực của thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh, qua đó còn hiểu thêm về lai lịch của Thu Xà - vùng đất cuối sông Trà, nơi con sông giáp biển.

Đất đó, người đó, đi vào thơ ca của ông có sức sống bền chặt cho dù thời gian bụi phủ rêu mờ.

VÕ QUÝ CẦU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Bích Khê Thu Xà