14/04/2016 06:13 GMT+7

Chưa thấy Plovdiv, chưa đến Bulgaria

BÌNH AN (Theo figaro, tourdumonde)
BÌNH AN (Theo figaro, tourdumonde)

TTO - Với phương châm “Cổ xưa và vĩnh cữu”, Plovdiv - thành phố lớn thứ hai của Bulgaria - sẽ là “thủ đô văn hóa châu Âu” cùng với thành phố Matera của Ý vào năm 2019, vừa được các trang mạng du lịch bình chọn là top 3 điểm đến châu Âu 2016.

Plovdiv, một trong những thành phố cổ xưa nhất châu Âu - Ảnh: wp

Cách thủ đô Sofia khoảng 150km về phía đông nam, Plovdiv mê hoặc du khách ngay từ địa hình đặc biệt với con sông Maritsa nổi tiếng chảy ngang và bảy đồi đá hoa cương dốc đứng xung quanh, trong đó có ba ngọn đồi ở ngay trung tâm thành phố.

Trải qua nhiều triều đại khác nhau trong hàng ngàn năm, Plovdiv quy tụ rất nhiều phế tích của văn minh cổ đại Thracia, các công trình La Mã, các đền thờ Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là quần thể nhà cửa cổ xưa.

Và trong hành trình du lịch văn hóa ở Plovdiv, nơi hấp dẫn nhất là khu phố cổ với phong cách kiến trúc được gọi là “barốc Plovdiv”. 

Được thành lập vào thời của người Thracia ở thế kỷ thứ 12 trước Công nguyên, Plovdiv là thành phố cổ xưa nhất châu Âu có người sinh sống liên tục từ hơn 6.000 năm trước đến nay. Với bề dày lịch sử hàng ngàn năm, Plovdiv có nhiều tên khác nhau, từ “ngôi làng Nebettép” thời tiền sử đến Trimontium dưới đế chế La Mã hay Eymolpia vào thời Hi Lạp cổ đại trước khi tên Plovdiv xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 15. 

Plovdiv sẽ là thủ đô văn hóa châu Âu năm 2019 - Ảnh: wp
Hisar Kapia, một trong các cổng vào phố cổ ở Plovdiv - Ảnh: weebly
Một con phố chính của Plovdiv đầy bóng mát, quán xá và du khách dạo bộ cả ngày lẫn đêm - Ảnh: panoramio
Một phế tích ở ngay trung tâm Plovdiv - Ảnh: panoramio
Tượng ở khắp nơi tại Plovdiv - Ảnh: weebly

Giờ đây, bạn dễ dàng tìm thấy các dấu tích thời Trung cổ vẫn còn nguyên vẹn ở cổng phía đông Hisar Kapia.

Sau khi chinh phục Plovdiv vào năm 1364, đội quân Ottoman đã xây dựng những công trình mang phong cách phương Đông đặc trưng được bảo tồn nghiêm cẩn đến nay như tháp đồng hồ ở phía đồi Sahat...

Đến thời Phục hưng, Plovdiv là một trung tâm kinh tế quan trọng. Số người giàu tăng nhanh và do từng ngang dọc châu Âu nên những cơ ngơi có ý tưởng thiết kế bay bổng được trang trí lộng lẫy đến từng chi tiết nhanh chóng xuất hiện và trở thành biểu tượng của khu phố cổ Plovdiv. 

Hiện tại, phần lớn nhà cửa có từ thời Phục hưng vẫn được sử dụng như nhà ở. Một số khác được chuyển đổi thành bảo tàng hay phòng trưng bày nghệ thuật. Những ngôi nhà vẫn mang tên của người sở hữu đầu tiên.

Phố cổ Plovdiv còn hút khách bằng những cửa hàng quà lưu niệm thủ công với giá phải chăng cùng hàng quán chất lượng nối tiếp nhau có thể khiến bạn quên cả đường về.

Một góc phố cổ ở Plovdiv - Ảnh: flickr
Một con đường từ thời Trung cổ ở Plovdiv - Ảnh: panoramio
Nhà của nhà thơ Lamartin nổi tiếng của Pháp, một điểm tham quan ở phố cổ Plovdiv - Ảnh: panoramio

Từ một thị trấn pháo đài của người Thracia, Plovdiv trở thành một thành phố La Mã. Trước khi sáp nhập vào Bulgaria, Plovdiv nhiều lần rơi vào tay người Byzantine và Ottoman.

Quá khứ thăng trầm này đã giúp Plovdiv là một trung tâm văn hóa lớn với nhiều phế tích cổ đại, tạo đà cho du lịch văn hóa phát triển mạnh mẽ với hơn 800.000 lượt khách nước ngoài/năm, gấp đôi cư dân Plovdiv. Nhưng con số này vẫn chưa dừng lại.

Plovdiv còn là một trong số ít ỏi thành phố có hai nhà hát cổ đại, các phế tích tường thành bao quanh thành phố và các tháp Trung cổ, các nhà tắm công cộng thời Ottoman cùng các đền thờ Hồi giáo xưa cũ.

Và trong số hơn 200 di tích cổ, những nơi phải đến của mọi du khách ở Plovdiv sẽ là những di sản quốc gia như:

* Nhà hát cổ đại xây dựng trong một hốc tự nhiên giữa các đồi Taksim và Dzhambaz vào đầu thế kỷ thứ 2. Việc bảo tồn hoàn hảo đã giúp nơi này trở thành nơi biểu diễn mọi thể loại sân khấu và nhiều sự kiện văn hóa tầm cỡ với sức chứa khoảng 3.500 người.

Nhà hát cổ La Mã tại Plovdiv - Ảnh: wiki
Du khách xem biểu diễn nghệ thuật ở nhà hát cổ La Mã - Ảnh: wp

* Sân vận động La Mã Trimontium dài 240m, rộng 50m có sức chứa ban đầu 30.000 người, nằm ngay dưới quảng trường Dzhumaya hiện đại, được xây dựng dựa trên cảm hứng kiến trúc Delphi ở Hi Lạp, là nơi các vận động viên và các đấu sĩ biểu diễn phục vụ du khách sau khi được sửa chữa vào năm 1981.

Từ phía trên quảng trường, bạn chỉ có thể nhìn thấy một phần nhỏ của sân. Phần còn lại nằm dưới các con đường và các tòa nhà.

Một góc nhỏ sân vận động Trimontium nhìn từ trên quảng trường Dzhumaya - Ảnh: wiki
Du khách xem biểu diễn nghệ thuật ở Plovdiv Roman Stadium - Ảnh: wp

* Tổ hợp cổ đại kề bên quảng trường trung tâm có từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Đây là một khu phức hợp gồm các tòa nhà công cộng, một thư viện, một xưởng đúc tiền, một nhà biểu diễn sân khấu... trải rộng trên nhiều con đường.

Một nhà hát nhỏ thời La Mã ở khu vực tổ hợp cổ đại - Ảnh: flickr
Biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách thường xuyên diễn ra tại nhà hát nhỏ thời La Mã ở khu vực tổ hợp cổ đại - Ảnh: flickr

* Cầu cạn La Mã rộng 4,4m xây dựng trong thế kỷ thứ 2 và 3 có chức năng mang nước từ núi về thành phố có chiều dài 18km nay chỉ còn vài đoạn ở phía tây, do phần lớn bị đoàn quân Ottoman phá hủy khi chiếm đóng Plovdiv.  

Phế tích còn lại của cầu cạn Philippopol - Ảnh: uni-plovdiv

* Đừng quên điểm dừng Bảo tàng Dân tộc học, một công trình kiến trúc “barốc Bulgaria” với những vòng hoa trên nền xanh. Tại đây, bạn sẽ trở về quá khứ ngàn năm khi khám phá cuộc sống của người xưa... 

Bảo tàng Dân tộc học, một kiến trúc đặc trưng “barốc Bulgaria” - Ảnh: wiki

 

 

 

 

BÌNH AN (Theo figaro, tourdumonde)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên