30/09/2012 08:43 GMT+7

Văn hóa thời khủng hoảng

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TT - Mới rồi tôi tiếp một cô giảng viên từ đại học Quảng Tây (Trung Quốc) sang Hà Nội tìm tài liệu cho luận án cao học. Cô tên là Mao Ngọc Văn, 25 tuổi, người xinh xắn dễ thương, nói tiếng Việt lưu loát. Đề tài luận án thạc sĩ của cô là về việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam ở Trung Quốc những năm 1960 qua trường hợp nhà thơ Tố Hữu. Một anh bạn là phó giáo sư, tiến sĩ, trưởng khoa ngôn ngữ Đại học KHXH&NV Hà Nội dẫn cô đến gặp tôi.

Trước khi gặp nhau, anh bạn đã giới thiệu cho cô biết về tôi, không quên nói cả chuyện “nhạy cảm” là tôi có tham gia phản đối Trung Quốc quanh chuyện biển Đông. Gặp Ngọc Văn, tôi đùa hỏi ngay có e ngại gì tôi không. Cô tươi cười bảo không, gọi tôi bằng thầy xưng em, nói năng bàn bạc đề tài thoải mái, không cách bức, không gượng gạo. Sau đó tôi đã giới thiệu Ngọc Văn với mấy người bạn khác có thể giúp cô tìm tài liệu cho luận án, trong đó có dịch giả tiếng Trung Trần Đình Hiến. Ai cũng quý mến cô vì sự nghiêm túc trong công việc và cô cũng quý mến mọi người đã chân tình giúp cô. Biển Đông có dậy sóng giữa hai nước, nhưng văn hóa ở đâu vẫn là văn hóa, trong những cơn khủng hoảng bang giao thì văn hóa càng phải được phát huy hơn bao giờ hết trong đối nhân xử thế để tránh chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, để tháo gỡ ngòi nổ của xung đột, ngay cả khi có những hình thức phản đối quyết liệt.

Những ngày này quan hệ Trung - Nhật đang căng thẳng quanh chuyện tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Người Trung Quốc đã biểu tình chống Nhật Bản với tính chất bạo lực như lật ngược chiếc xe mang thương hiệu Nhật Bản, phóng hỏa các tòa nhà và đập vỡ các hàng hóa điện tử do Nhật Bản sản xuất. Phía Nhật Bản cũng biểu tình phản đối Trung Quốc nhưng ôn hòa, lịch sự hơn. Tôi rất ấn tượng về một bài báo trên trang 20 của Tuổi Trẻ ngày thứ ba (25-9) khi đưa thái độ của những blogger rất có văn hóa của Trung Quốc. Như Hàn Hàn viết: ”...Những vụ biểu tình như vừa qua, e rằng đất nước chúng ta chỉ có thể khiến người ta cười vào mặt”.

Một cô học trò của tôi vừa từ Trung Quốc trở về đến thăm tôi. Cô đang làm luận án tiến sĩ ở Đại học Nhân dân (Bắc Kinh) đề tài về việc dịch và giới thiệu văn học Trung Quốc ở Việt Nam thời gian gần đây. Dịp này cô tặng tôi cuốn sách là tập truyện ngắn của nhà văn Lao Mã cô vừa dịch và được in trong nước (Trăm phần trăm hạnh phúc). Trước đó cô đã liên hệ với tôi và ngỏ ý nếu cô mời được hai nhà văn Trung Quốc Lao Mã và Diêm Liên Hoa (ông này là một nhà văn rất nổi tiếng, đã có hai tác phẩm được dịch ra tiếng Việt) sang Việt Nam thì Hội Nhà văn Hà Nội có thể tổ chức cuộc gặp gỡ, giao lưu? Tôi nhất trí và ủng hộ.

Các nhà văn luôn là những người ghét chiến tranh, yêu hòa bình. Tôi đã chuẩn bị cho Hội Nhà văn Hà Nội có cuộc giao lưu, gặp gỡ với hai nhà văn Trung Quốc đó. Tiếc là cô học trò của tôi sau đó bảo họ có việc bận, và cũng nói thật họ có phần e ngại vì tình hình hiện thời giữa hai nước quanh chuyện biển Đông. Tôi bảo thế thì tiếc cho họ thật. Người dân Việt Nam và các nhà văn Việt Nam luôn biết sống có văn hóa và quý trọng văn hóa. Như đầu năm nay, Hội Nhà văn Hà Nội đã có cuộc giao lưu với Hội Trái tim người lính của những cựu binh Mỹ rất ấm áp, thân tình.

“Tứ hải giai huynh đệ”, câu này không chỉ nói một ước vọng, mà còn nên hiểu như là một châm ngôn bày cách ứng xử trong một thế giới đang có nhiều va đập, xung đột.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên