Hẳn nhiên các doanh nghiệp phải bị trừng phạt với vi phạm, nhưng khi cơ chế và "văn hóa" có phần góp cho tội trạng đó thì quả là điều đau xót cần phải chấn chỉnh.
Có rất nhiều công đoạn để được cấp phép "chuyến bay giải cứu" một thời mà các doanh nghiệp cần phải trải qua, đúng ra các công đoạn đó phải được bộ máy công quyền tạo điều kiện tổ chức nhanh để đưa đồng bào trở về thì thật đáng lên án khi đã bị một số quan chức "phản bội" biến thành những "điểm nghẽn" để xin - cho.
Thật ra, cái gọi là cơ chế xin - cho và "văn hóa phong bì" không mới, đó là vấn nạn nhức nhối đã được mổ xẻ từ lâu khi nó được mặc nhiên thừa nhận ở mức rộng và phổ biến. Vấn nạn này không chỉ thấy trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước mà còn cả với người dân khi làm các thủ tục hành chính.
Ai cũng đồng ý là không thể để tồn tại tình trạng doanh nghiệp và người dân đã đóng thuế để trả lương cho cán bộ nhà nước mà phải đi xin, cũng không thể chấp nhận cán bộ nhà nước thay vì phải phục vụ dân thì lại đóng vai trò cho hay ban phát. Nhưng đáng buồn là trong thực tế nó vẫn mặc nhiên tồn tại.
Khi vấn nạn không được chấn chỉnh, chặn lại thì nó phát triển hơn, đến tầm vóc lớn hơn, sâu rộng hơn và hậu quả là như chúng ta đã thấy rất đau đớn, quy mô lớn như vụ "chuyến bay giải cứu".
Phiên tòa "chuyến bay giải cứu" với những vụ việc cụ thể của vấn nạn xin - cho và "văn hóa phong bì" cũng là lời yêu cầu bức bách phải nhìn thẳng vào đó tìm cách xử lý tận gốc tệ nạn này. Trước hết là phải trừng trị thẳng tay tệ nạn này khi có bằng chứng, bắt đầu kể cả từ những "phong bì" nhỏ.
Khi tệ nạn đã thành thói quen, đến mức lúc ra tòa vẫn nhơn nhơn nói đó là "tiền cảm ơn", hay như cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng phải "đọc đến hai cuốn sách về pháp luật mới biết là sai", cho thấy cần thiết phải có thêm nhiều quy định cụ thể hơn để giám sát và xử lý nghiêm hành vi đưa - nhận hối lộ.
Hẳn nhiên, cần đẩy nhanh việc cải cách tiền lương để tăng thu nhập cho bộ máy hành chính và coi đây là một trong những giải pháp cơ bản để phòng tham nhũng. Khi cán bộ nhà nước sống khỏe với tiền lương chính đáng của mình thì lúc đó họ sẽ biết nói không với các cám dỗ và tính tự trọng, liêm sỉ cũng xuất phát từ đó.
Và đặc biệt, việc bổ nhiệm cũng như giám sát cán bộ phải làm nghiêm, nhất là cán bộ có chức trách cao, chứ không phải để đến khi sai phạm mới thấy.
Hoàn thiện được một thể chế để đảm bảo cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng thì lúc đó doanh nghiệp và người dân cũng không thể hối lộ, không dám hối lộ và không cần hối lộ. Môi trường kinh doanh và nền hành chính minh bạch, liêm chính và hiệu quả sẽ xuất hiện, phát triển.
Lúc đó sẽ không còn cảnh cán bộ và doanh nghiệp vào vòng lao lý, đánh tráo khái niệm và kêu trời vì "tiền cảm ơn" như tại phiên tòa hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận